Chúng tôi xin hứa làm hết sức mình để chống tham nhũng
“Con đường này rất khó khăn nhưng chúng tôi không hề thấy cô độc mà rất ấm cúng với sự ủng hộ của nhân dân, chúng tôi tin sẽ từng bước đẩy lùi được nguy cơ tham nhũng...” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ trước Quốc hội tại buổi đăng đàn chiều qua, 31-3. Thủ tướng tỏ rõ: “Với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng tôi xin hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục làm hết sức mình, làm kiên quyết, kiên trì trong cuộc đấu tranh này”
Sau khi 4 bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng đã trình bày thêm những vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm.
Thủ tướng quyết tâm làm hết sức để chống tham nhũng
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã có báo cáo rất nghiêm túc về công tác phòng chống tham nhũng trước Quốc hội. Báo cáo nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp thu các đóng góp, hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung chương trình hành động. “Phải kiên quyết để làm sao công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt hơn”.
Mặc dù Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã báo cáo Quốc hội 8 vụ án trọng điểm nhưng Thủ tướng vẫn dành thời gian nói thêm về 8 vụ án này. Cả 8 vụ án cơ bản hoàn thành giai đoạn điều tra, chuyển sang xem xét truy tố, xét xử. Đến nay đã xét xử công khai vụ án Mai Văn Dâu và Mạc Kim Tôn. Các vụ khác sẽ được xem xét, truy tố công khai trong giai đoạn tới. “Các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo Trung ương và các thành viên hết sức cố gắng. Riêng Thủ tướng đã tổ chức 11 cuộc họp với các cơ quan chức năng để đôn đốc thực hiện... Chính phủ cũng nghiêm túc nhận là xử lý còn chậm, sẽ còn phải cố gắng hơn nữa. Quan trọng là quyết tâm và khẳng định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các vụ này đều xét xử công khai đúng pháp luật. Tinh thần chỉ đạo là xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói rõ, chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là đôn đốc, kiểm tra nhưng không làm thay các cơ quan chức năng. Thủ tướng nhấn mạnh, sự nghiệp phòng chống tham nhũng không phải của một mình Ban Chỉ đạo mà là của cả hệ thống chính trị, là quyết tâm của toàn dân. “Chừng nào Đảng bộ cơ sở, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị không tự mình đấu tranh phòng chống tham nhũng, chừng đó sự nghiệp này chưa thành công” – Thủ tướng nói. Ông khẳng định: “Ban Chỉ đạo Trung ương không phải phép màu để phòng chống tham nhũng”.
Quản lý trật tự đô thị
VN đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hóa. Đi liền với nó là quá trình đô thị hóa. Đến nay, tỉ lệ đô thị hóa đã chiếm 27%, tăng bình quân mỗi năm 1%.
“Tình trạng xây nhà không phép, trái phép tuy có được khắc phục, tỉ lệ nhà xây xin phép có tăng nhưng các hiện tượng trên vẫn còn. Theo như khảo sát mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày thì vẫn còn 30% - 35% nhà xây không phép, tất nhiên khảo sát chưa toàn diện lắm, chưa tính đến nhà trái phép” - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do thể chế pháp luật. Thứ hai, quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém do chưa có quy chế về quản lý quy hoạch. Tỉ lệ quy hoạch 1/500 còn rất ít, thậm chí là tỉ lệ 1/2.000 cũng chưa đạt hoàn toàn. Vấn đề quy hoạch về kiến trúc, mặt bằng... vẫn chưa hoàn thiện. Thứ ba, tổ chức bộ máy về phát triển xây dựng đô thị vẫn còn bất cập chồng chéo. Thứ tư, bộ phận cán bộ quản lý trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng. Một số nơi còn có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.
“Chúng tôi đã thấy vấn đề này, đã nghiêm túc nhìn nhận” – Thủ tướng thẳng thắn. Sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ họp toàn thể vào ngày 5 và 6-4 tới để nghe chủ tịch UBND hai TP Hà Nội và TPHCM báo cáo tình hình thực tế về xây dựng, cũng như những phương án, các giải pháp của Bộ Xây dựng.
Thủ tướng “chốt lại” phương hướng giải quyết, trước hết phải căn cứ pháp luật. Đồng thời cũng phải căn cứ vào lợi ích, lợi ích kỷ cương phép nước, lợi ích của dân. Lấy lợi ích cao nhất mà xem xét.
Các công trình trọng điểm quốc gia: Cam kết bảo đảm chất lượng và tiến độ
Cử tri phản ánh việc các công trình trọng điểm bị chậm tiến độ nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết: “Chính phủ, các bộ ngành liên quan phấn đấu lấy lại tiến độ, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đề ra”. Theo đó, các công trình vừa phải đạt tiến độ nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến chất lượng.
Tràn dầu và ô nhiễm môi trường
Thủ tướng cho biết, cơ quan chức năng đã dùng các phương tiện, thậm chí cả máy bay để rà soát, phát hiện. Đến nay có thể khẳng định nguồn gốc tràn dầu không phải từ phía VN; các giàn khoan của VN hiện vẫn bảo đảm. Chính phủ đã thấy rõ tính nghiêm trọng của sự việc, trước hết phải khắc phục ngay hậu quả, giảm bớt thiệt hại do sự cố này gây ra.
Thủ tướng đã giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì cùng Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và các cơ quan chức năng, phối hợp làm việc với các nước khu vực, tìm ra nguyên nhân, hạn chế thiệt hại, giảm thiểu tác động môi trường.