Chuyện có thật: Nào ta cùng... ăn đất!

Cái gì? Ăn đất ư? Thật là... vui tính quá đi mất! Đùa kiểu đó cũng ngộ thật! Đời thuở nhà ai lại thèm ăn đất mà rủ với rê! Nhưng, ăn đất không phải là chuyện đùa mà là một thói quen, một tục có thật của một bộ phận nhỏ người Việt...

Trước sự chứng kiến của rất đông người, cụ bà Nguyễn Thị Lạc, 81 tuổi, ở khu 1, thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, gom một đống bùi nhùi khô, kê bếp, nhóm lửa và... nướng đất! Khi lửa đã bén, bà Lạc cho một nắm lá sim còn tươi vào bếp khiến khói bốc lên, tỏa đều khắp những cục đất sét đang kê trên bếp. Theo bà Lạc, khói của lá sim rất thơm, khi ngấm vào đất sẽ làm miếng đất có vị bùi bùi, ngan ngát. Vừa quạt lửa, cời tro, đảo những miếng đất cho chúng được vàng đều, bà Lạc vừa kể cho mọi người nghe về... truyền thống ăn đất của người dân Lập Thạch quê mình.

Ăn đất, ăn ngói - chẳng có gì ầm ĩ

Bà Lạc nói, bà bắt đầu ăn đất từ lúc hơn 20 tuổi, đầu tiên chỉ vì thấy người trong làng ăn nên ăn thử, dần dần trở thành nghiện. Mỗi lần đi chợ thể nào bà cũng mua vài miếng đất, gói trong lá chuối, nhấm nháp từ chợ về đến nhà. Ở quê bà, ăn đất là chuyện... chẳng có gì phải ầm ĩ, vì từ nhiều đời nay, đó là một món ăn “khoái khẩu” của mọi người, nhất là phụ nữ trên 30 tuổi. Có người cho đất vào lọ, bỏ trên đầu giường, trước khi đi ngủ lại nhấm nháp vài miếng. Thậm chí có người đi làm ăn xa, mỗi khi về quê lại đào một túi đất mang theo ăn dần. Làng bà có một gò đất sét, người dân trong làng thường xuyên đến đó lấy đất về nướng ăn, nhưng không ai gọi là ăn đất mà gọi ăn ngói, vì đây là những miếng đất sét được lấy từ độ sâu 3-4 mét, có thớ rõ ràng, đẹp mắt. Bà Lạc còn nói, xưa kia khắp tỉnh Vĩnh Phúc phổ biến nghề buôn bán đất ăn, có gia đình làm giàu nhờ nghề này, thậm chí có nhà từ người lớn đến trẻ em đều làm nghề buôn đất...

. Tập tục: Tục ăn đất khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là miền Trung châu Phi từ Bờ Biển Ngà, Nigieria, Cameroon, Angola, Congo, Uganda, Kenya, Tanzania... Những người da đen châu Phi khi bị đem sang Tân Thế Giới vẫn ăn đất theo phong tục tổ tiên. Họ ấp ủ niềm tin rằng khi ăn một miếng đất thiêng được mang từ quê hương là họ đã gìn giữ trong bụng một chút hình hài của đất mẹ để khi chết linh hồn sẽ được trở về chốn cũ.

“Trăm nghe không bằng một thấy” - như để chứng minh cho lời nói của mình, khi bếp lửa đã tàn, bà Lạc lấy một cục đất đã nướng vàng cho vào miệng ăn ngon lành. Thấy vậy, nhiều người cũng sà vào nếm thử, đầu tiên chỉ dám cắn một ít thôi, nhưng sau đó, họ ăn luôn cả miếng to. Có người tấm tắc: “Thơm lắm! Bùi lắm!”...

Ăn đất vì... thiếu chất dinh dưỡng?

Màn nướng và ăn đất của cụ Nguyễn Thị Lạc là phần trình diễn sinh động cho hội thảo khoa học nhân văn và ứng dụng “Thói quen ăn đất đá ở Việt Nam - Hiện trạng và những kiến giải khoa học” do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Quỹ Phạm Huy Thông phối hợp tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28-6 vừa qua. Lý do tổ chức hội thảo này, theo các nhà khoa học, đó là thói quen ăn đất ở một bộ phận người Việt cần được nhìn nhận, xem xét một cách nghiêm túc, khoa học và từ nhiều góc độ.

Thói quen ăn đất ở nước ta không chỉ có ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc mà còn gặp ở người Hà Nhì - Điện Biên, người Mông - Lào Cai, người Khơ mú - Yên Bái. Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên nước ta cũng như trên thế giới, thói quen này xuất phát từ việc cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác khiến người ta ăn đất như: để no bụng trong thời kỳ đói kém, để giải độc, để trị bệnh, giải tỏa một số căng thẳng về thần kinh, tâm sinh lý... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thói quen ăn đất không chỉ gặp ở những người đói kém, thiếu chất, bởi hiện nay, đời sống đã khá lên, nhiều người có đời sống vật chất dư thừa nhưng vẫn nghiện đất. Các học giả người Pháp cũng đã từng mang những mẫu đất người Lập Thạch ăn sang tận Paris để phân tích, vì nghĩ rằng trong loại đất này có gì đặc biệt, nhưng kết quả vẫn chỉ là “đất sét”. Do đó, họ kết luận: “Những đất này không thể coi là một thứ lương thực, nó tương tự như kẹo bánh, trẻ con, cụ già, đàn bà ốm ưa thích”.

Vậy có thể lý giải như thế nào đây về thói quen ăn đất của người Việt?

Ăn đất: Một tập tục văn hóa

Đất đã được nướng chín, chuẩn bị ăn!
Đất đã được nướng chín, chuẩn bị ăn!

“Tục ăn đất, theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân môi trường tự nhiên còn có nguyên nhân xã hội - nhân văn, trong đó bao gồm các khía cạnh kinh tế, lịch sử, phong tục, tôn giáo, tâm linh...” - ba nhà địa chất học Võ Công Nghiệp, Dương Đức Kiêm và Trần Văn Tân (Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát biểu như vậy tại hội thảo “Thói quen ăn đất đá ở Việt Nam - Hiện trạng và những kiến giải khoa học” và nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu tham dự. GS Lê Nhâm Tuyết, một người đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu tục ăn đất ở Việt Nam hàng chục năm nay, cho rằng: Tục ăn đất có thể bắt nguồn từ phong tục “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” đã được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái khi nói về chuyện hôn lễ thời kỳ Hùng Vương. GS Tuyết ghi nhận: Bà con ở những vùng có tục ăn đất rất quý trọng món ăn này. Người ta mua đất làm quà cho nhau khi đi chợ về, nàng dâu quý trọng mẹ chồng biếu những gói đất gói trong lá chuối khô; ngày có việc, người ta mang đất đặt vào đĩa, mang mời nhau như mời điếu thuốc, miếng trầu... Từ đó, GS Tuyết kết luận: “Tục ăn đất và chế biến đất ăn là một tục rất cổ của người Việt, mà ý nghĩa của nó, theo chúng tôi nghĩ là thưởng thức hương liệu”. Cùng chung quan điểm với GS Lê Nhâm Tuyết, GS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nhấn mạnh: “Tục ăn đất của người Việt cần được nhìn nhận ở góc độ văn hóa và nó phải được đối xử như một nét văn hóa độc đáo”. 

Chế biến đất ăn

Theo GS Lê Nhâm Tuyết, việc chế biến đất để ăn thường gồm 3 bước:

1. Lấy đất - Người ta dùng những con dao thô, lưỡi sắt dày, lắp chuôi gỗ to nêm hai đầu bằng hai vòng sắt để lấy đất dưới mặt đất. Yêu cầu của loại đất ăn được là mịn, mềm, không có sạn hay nặng mùi bùn.

2. Phơi đất - Đem đất về nhà, dùng dao chặt từng miếng mỏng đem phơi khô cho đất bớt mùi bùn và chuyển sang màu xám trắng.

3. Hun đất - Đặt lên giàn hun, cốt để ủ khói. Hun bằng cỏ tế và cây sim, hai thứ cây có chất dầu, cây tươi vẫn cháy và có mùi thơm; hun đến khi khói ám vào, đất chuyển sang màu vàng sẫm và đượm mùi khét là ăn được.

Một du khách ăn thử miếng đất đã được nướng vàng. Có người khen: “Thơm lắm, bùi lắm!”
Một du khách ăn thử miếng đất đã được nướng vàng. Có người khen: “Thơm lắm, bùi lắm!”