Chuyến tàu Thống Nhất lịch sử
Ngày nay, mỗi ngày có hàng chục tàu Thống Nhất xuôi ngược Bắc -Nam, có tàu hành trình chỉ 32 giờ. Nhưng chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối liền Nam- Bắc vào ngày 31-12-1976 phải mất... 80 giờ...
Sau khi thống nhất đất nước, ngày 14-11-1975, Chính phủ đã quyết định khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam nối liền thủ đô Hà Nội với TPHCM. Phải mất hơn một năm làm việc quên mình không kể ngày đêm với núi công việc khổng lồ, hơn 6 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt mới nối lại được tuyến đường sắt dài 1.730 km để chứng kiến giây phút cảm động: ngày 31-12-1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất rước ảnh Bác Hồ xuất phát cùng giờ tại hai đầu Tổ quốc là ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam trong niềm phấn khởi của đồng bào cả nước.
Sứ mệnh đặt trên vai những người lái tàu
7 giờ sáng 31-12-1976, trên sân ga Hà Nội và TPHCM đều diễn ra cuộc mít tinh trọng thể, cảm động chào mừng và tiễn đưa đoàn tàu khách Thống Nhất đầu tiên lên đường. Hành khách trên chuyến tàu đặc biệt này phần lớn là lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, lãnh đạo ngành giao thông vận tải, khách quốc tế và khách mời danh dự được tuyển chọn từ các đơn vị tham gia xây dựng đường sắt Thống Nhất. Từ ga Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Hà Đăng Ấn dẫn đoàn tàu vào Nam và dẫn tàu từ ga Sài Gòn ra Bắc là Tổng cục phó Trần Mẫn.
Sứ mệnh của hai đoàn tàu dường như đặt trọn lên vai những người lái tàu. Tham gia lái tàu có đến gần chục ban lái thay nhau kéo tàu trên từng cung đường thuộc địa bàn mình phụ trách. Ông Vũ Ngọc Long, một trong những tài xế tham gia lái đoàn tàu đặc biệt này, kể lại: 6 giờ sáng 31-12-1976, tổ lái máy Đông Phương Hồng 006 (đầu máy Trung Quốc) gồm một tài xế là ông Long và ba phụ lái khác kéo một đoàn tàu rỗng đi tiền trạm cho đoàn tàu Thống Nhất.
Động tác này nhằm ngăn ngừa hành vi đặt chất nổ phá hoại đường sắt của các lực lượng chống phá cách mạng. Hơn nữa, đường mới khôi phục sau 30 năm tự tay chúng ta phá đi để tiêu thổ kháng chiến nên chất lượng nhiều đoạn còn kém, dễ xô lệnh ray. Đến Vinh lúc 10 giờ đêm, tổ lái nằm lại 2 ngày chờ đón đoàn tàu ngược chiều từ miền Nam ra. Tờ mờ sáng 4-1-1977, tổ lái máy Đông Phương Hồng nhận nhiệm vụ kéo tàu về ga cuối cùng của hành trình là ga Hà Nội. Trời chưa sáng, nhân dân đã đốt đuốc sáng rực đứng dọc hai bên đường suốt từ Vinh ra Thanh Hóa vẫy tay hò reo chào đón tàu Thống Nhất, đưa những người con của miền Nam ra Bắc.
Đến ga Nam Định, tổng cục phó Trần Mẫn lên tặng hoa chúc mừng tổ lái và cử nhân viên phục vụ mang bữa sáng gồm cà phê sữa, mì tôm cho anh em. “Tôi ngỡ như được nhận cả một rừng hoa tươi thắm của đồng bào miền Nam gửi tặng. Lần đầu tiên được ăn mì tôm, ngon và ấm lòng không thể tả.
Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên hương vị bát mì tôm ấy”. Ông Long nhớ lại. Một trong những phụ lái tàu hôm ấy, ông Lê Ngọc Bình kể lại: tàu chạy suốt Bắc - Nam trước đây của Hỏa xa Đông Dương chỉ chạy 36 giờ nhưng đoàn tàu Thống Nhất chạy gần 80 giờ. Tốc độ chạy tàu rất thấp, chỉ một đoạn từ Thanh Hóa ra Hà Nội dài 180 km cũng mất 6-7 giờ vì đường mới khôi phục sau chiến tranh quá xấu.
Nhiều cầu cống đều phải làm tạm để thông đường, không có đủ thời gian nâng cấp. Dọc tuyến lửa vào khu IV có rất nhiều cầu tạm, cầu Ninh Bình bị bom đánh sập chưa kịp khôi phục lại. Công nhân cầu đường phải dùng rọ đá thả xuống làm trụ, lấy tà vẹt chống thành hình cũi lợn để bắc thanh ray qua chạy tạm. Rất may suốt hành trình từ Vinh ra, tàu Thống Nhất không gặp phải sự cố nào. Thợ sửa chữa đi theo tàu và những vật tư thông thường mang theo đề phòng gặp sự cố dọc đường đều không cần dùng đến.
Nụ cười và nước mắt
Cảm động nhất là khi tàu lăn bánh vượt sông Sa Lung (thượng nguồn sông Bến Hải) để tiến vào Quảng Trị, Huế và giây phút hai đoàn tàu gặp nhau ở Đà Nẵng. Ông Trần Minh Thiện, phó giám đốc xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, lúc đó được giao trọng trách chỉ đạo công tác vận tải trên đoàn tàu xuất phát từ miền Nam, cho biết ban lái tàu phía Nam phải đi cả chặng đường rất dài vào tận Đà Nẵng.
Kéo đoàn tàu là đầu máy của Mỹ GE 930. Đây là một trong số 50 đầu máy được Mỹ đưa sang VN chi viện cho kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Trung VN những năm 1963-1965. Anh em tài xế phía Nam quen chạy đầu máy diesel nhưng tàu miền Bắc vào chạy bằng đầu máy hơi nước nên cũng phải chuẩn bị trước mọi tình huống để thích nghi. Thời kỳ ấy, đường sắt từ TPHCM ra miền Trung ngày đêm đều có du kích canh gác. Không chỉ có đoàn tàu chạy tiền trạm, tàu Thống Nhất còn được một xe bọc thép hộ tống trên những đoạn có đường bộ chạy song song.
Sau gần 80 giờ lăn bánh, ngày 3-1-1977, cả hai đoàn tàu về đến ga Hà Nội và Sài Gòn trong nụ cười, nước mắt hân hoan của nhân dân Hà Nội và TPHCM. Tại ga Sài Gòn, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức để đón tàu Thống Nhất với sự tham dự của đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư thành ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản TPHCM cùng nhiều đồng chí lãnh đạo và nhân dân TP trong biển cờ hoa rực rỡ.