Cơ hội chống tham nhũng trong vụ 820.000 USD
Nhân vật liên quan đến khoản hối lộ 820.000 USD của PCI (Nhật) mà báo chí Việt Nam sáng 28.8.2008 gọi là “quan chức nước ngoài”, cùng ngày, đã được ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ Ngoại giao chính thức công nhận là người Việt Nam. Ông Dũng nói: “Việt Nam mới nhận được từ phía Nhật hồ sơ uỷ thác tư pháp, trong đó đề nghị hợp tác điều tra vụ bốn cựu quan chức của công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) bị truy tố về tội hối lộ quan chức Việt Nam”.
Quy trình tố tụng để đưa được quan chức ấy ra toà chưa phải là một việc dễ dàng, nhưng đây là thời điểm tốt để chứng minh quyết tâm chống tham nhũng mà chính phủ Việt Nam đã rất nhiều lần khẳng định.
Tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã từng được Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội “giả thiết” lên tới hàng chục phần trăm. Tuy nhiên, rất ít vụ việc được phanh phui, vì phải công nhận rằng chứng cứ về các khoản “ăn chia” giữa “A và B” thường đã được dễ dàng “hợp thức hoá”. Thỉnh thoảng vẫn có những cái “đuôi” xuất hiện do một bên thực hiện các hành vi này là các đối tác nước ngoài, nơi mà các định chế tài chánh cho phép kiểm soát gắt gao đường đi của những đồng tiền bất chính.
Đầu năm 2007, Công tố viện Liên bang Thuỵ Sĩ đã “yêu cầu quốc tế hỗ trợ” điều tra một “khoản tiền mờ ám” đi từ tập đoàn Siemens vào tài khoản của một người có tên Việt Nam ở Singapore trong thời gian Siemens nhận thầu hai dự án viễn thông lên tới hàng chục triệu euro cho Việt Nam. Tương tự, cơ quan công tố Nhật cũng phát hiện ra một khoản tiền khổng lồ đã được PCI chuyển cho một công ty tư vấn không tồn tại trên thực tế.
Nhưng, khác với vụ Siemens, các nhân vật liên quan ở PCI khai khoản tiền nói trên đã được dùng để đưa hối lộ cho một quan chức cụ thể ở Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, TP.HCM. Đành rằng chính đương sự, Ban quản lý dự án, đã có báo cáo nói rằng việc đấu thầu, chọn thầu đều được thực hiện đúng quy định và “không có hành vi tiêu cực như báo chí (Nhật) đã đưa”, nhưng lời khai của phía PCI, tuy vẫn cần phải điều tra thêm, phải được, ngay lập tức, coi là nguồn tin vô cùng đắt giá về tội phạm. Theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, các cơ quan điều tra không thể bỏ qua “dấu hiệu phạm pháp hình sự” mà báo chí Nhật đã nêu lên từ hồi tháng 6.
Đây có thể là thời điểm thích hợp để đối chiếu tài sản hiện có và tài sản đã được quan chức này (và vợ con) kê khai từ hồi nhậm chức: tiền bạc, tài khoản, chứng khoán, nhà đất (trong và ngoài nước), những chi phí cho con cái du học…
Không phải là truyền thông quốc tế ác cảm với Việt Nam, cũng như báo chí Việt Nam, các cơ quan truyền thông các nước cũng, trước hết, chống tham nhũng vì lợi ích quốc gia của họ. Việt Nam, vốn vẫn coi báo chí trong nước là một “kênh chống tham nhũng”, thì nay cũng nên mở rộng khai thác “kênh” này từ phía các cơ quan truyền thông và chính phủ nước ngoài. Một nhà ngoại giao Việt Nam ở châu Âu nói rằng có một số chính phủ kiểm soát giá cả những thiết bị mà các công ty của họ bán cho chính phủ nước ngoài. Và ông đã rất đau lòng khi nhìn thấy nhiều thiết bị đã được mua về từ các quốc gia có chỉ số minh bạch thấp với giá cao hơn nhiều giá chào hàng của các quốc gia chống gắt gao tham nhũng.
Không đơn giản để có được đầy đủ chứng cứ buộc tội “quan chức Việt Nam” ăn hối lộ ngay cả khi bốn quan chức Nhật đều đã thừa nhận hành vi của họ trước toà. Sự “tích cực xem xét vụ việc này” của các cơ quan chức năng, như ông Lê Dũng nói ra, phải bắt đầu từ nhiều chứng cứ. Đây có thể là thời điểm thích hợp để đối chiếu tài sản hiện có và tài sản đã được quan chức này (và vợ con) kê khai từ hồi nhậm chức: tiền bạc, tài khoản, chứng khoán, nhà đất (trong và ngoài nước), những chi phí cho con cái du học… Nếu lời khai của các quan chức Nhật là có thể tin được và khoản tiền hối lộ lên đến 820.000 USD được “tiêu hoá” mà không tìm thấy bằng chứng gì, thì năng lực chống tham nhũng của Việt Nam và khả năng phòng vệ của các định chế tài chính, ngân hàng rõ ràng là đang bị đặt trước rất nhiều thách thức.
“Hình ảnh” chắc chắn là không thể nguyên vẹn khi những vụ việc kiểu như Siemens, PCI lại bị “rò rỉ” ra. Nhưng những sự việc ấy cho thấy ngay cả ở những quốc gia phát triển như Nhật, Thụy Sĩ…, tham nhũng cũng không phải là đã hoàn toàn “miễn nhiễm”. Uy tín chắc chắn là có ảnh hưởng khi để xảy ra tham nhũng. Nhưng niềm tin vào nỗ lực chống tham nhũng sẽ càng bị suy giảm trầm trọng hơn, một khi bằng chứng tham nhũng được phát hiện mà các cơ quan chống tham nhũng thì “bình chân” và báo chí trong nước thì một thời gian dài im lặng.
Không phải chống tham nhũng chỉ để tránh “ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn vốn ODA”, mà chống vì tham nhũng là kẻ thù của những chính quyền trong sạch. Ít có quốc gia nào như Việt Nam, bên cạnh một hệ thống các cơ quan tố tụng chống tội phạm, Đảng và Nhà nước còn thiết lập một hệ thống “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng” từ trung ương tới địa phương. Trong vụ PCI, không nên nghĩ là Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác với Nhật để điều tra, mà cần coi đây là nhu cầu thiết thực của quốc gia, là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ năng lực và quyết tâm đương đầu với tham nhũng.