“Con đường di sản miền trung” một thương hiệu đặc biệt
Các nước Thái Lan, Nhật, Đức... không có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và di tích lịch sử nhưng họ biết cách tổ chức và quản lý du lịch dưới hình thức hiệp hội và liên doanh để quảng bá một cách hiệu quả những sản phẩm du lịch mà họ có. Tại sao chúng ta không làm như vậy? Đó là trăn trở của ông Hồ Việt, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch (TCDL) tại miền Trung.
Hiệu quả ban đầu của chương trình "Con đường Di sản Miền Trung" (CĐDSMT) đã cho thấy hợp tác và cùng liên hiệp lại chính là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển du lịch VN trên con đường hội nhập quốc tế. Cùng với “Năm Du lịch Điện Biên”, “Năm Du lịch Con đường Di sản miền Trung” được TCDL chọn làm chủ đề của năm 2004. CĐDSMT cũng chính là dự án du lịch mang tầm quốc tế dưới loại hình con đường chủ đề đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được triển khai tại VN. Bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng TCDL VN, đánh giá: “CĐDSMT chính là “điểm nóng” trong chiến dịch quảng bá du lịch của khu vực này trong năm 2004”.
CĐDSMT – Con đường liên kết, hợp tác
Theo TCDL, trên thế giới, việc tổ chức các tour du lịch theo dạng con đường chủ đề đã có từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II như Con đường lãng mạn (Đức), Con đường lịch sử Kansai (Nhật), Con đường rượu vang (Pháp)... Tại VN, vào năm 1939, phòng du lịch Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đóng tại Huế đã đề ra chương trình du lịch “Con đường cái quan” từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, song không thực hiện được vì lý do chiến tranh. Sau nhiều năm “đóng đô” tại Đà Nẵng để khai thác kinh doanh dịch vụ lưu trú, ông Paul Stoll, Tổng giám đốc Furama Resort, đã đề xuất lên TCDL VN chương trình “Con đường Di sản Thế giới” với mục đích liên kết các điểm du lịch thành cụm du lịch, tạo khả năng thu hút khách du lịch cao nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch tại 3 địa phương hình thành “tam giác di sản” là Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên-Huế.
“Tất cả chúng ta nên cùng nhau đan một tấm lưới lớn để đánh cá ngoài khơi, để rồi cùng chia nhau mẻ cá đánh bắt được”. Đó là lời ví von của người trợ lý ông Paul Stoll, hàm ý đề nghị tất cả nên bắt tay nhau cùng hợp tác kinh doanh du lịch. Ý tưởng này đã thực sự khiến các nhà du lịch VN cũng như các địa phương tại miền Trung nhìn lại mình. Tiềm năng du lịch dồi dào nhưng vẫn còn phong kín, việc phát triển các hoạt động kinh doanh vẫn còn ở mức độ thấp, mang tính chất riêng rẽ giữa các vùng, vốn đầu tư cho quảng bá - tiếp thị còn ít, lợi nhuận còn thấp... chính là những nhược điểm tồn tại trong ngành suốt mấy thập kỷ qua. Cái gật đầu đồng ý của TCDL về việc triển khai CĐDS Thế giới (sau đó được đổi tên thành CĐDSMT) cách đây hơn một năm đồng nghĩa với việc tour du lịch này nay đã trở thành một thương hiệu, một thương hiệu đặc biệt. Nhờ đó, các tỉnh, thành sẽ không còn cạnh tranh nhau nữa. Họ trở thành những đối tác kinh doanh du lịch vì một mục đích chung.
Điều đáng nói thêm là xu thế hợp tác quốc tế cũng đã bùng nổ và có hướng phát triển mạnh từ khi có CĐDSMT ra đời, thể hiện qua việc đầu tư ngày càng nhiều của các tập đoàn du lịch quốc tế vào miền Trung như Furama (Đà Nẵng), Victoria (Hội An), Disneyland (Bình Thuận) và nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Định...
CĐDSMT sẽ đạt mức tăng trưởng 10%
Năm du lịch CĐDSMT 2004 được khởi động bằng 2 sự kiện đáng chú ý, đó là lễ đón nhận danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới do UNESCO trao tặng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) vào ngày 15-2 và chuyến quảng bá CĐDSMT tại hội chợ du lịch quốc tế Berlin (Đức) vào ngày 16-3 do Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Từ dẫn đầu cùng sự tham gia của 17 doanh nghiệp VN. Cùng với những lễ hội văn hóa - du lịch trọng đại trong năm 2004 như lễ kỷ niệm 5 năm Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Festival Huế lần III, Hành trình Di sản miền Trung, khởi động Năm Du lịch Đà Nẵng..., “thương hiệu” CĐDSMT hứa hẹn một mùa bội thu. Ông Hồ Việt cho biết: “CĐDSMT là tour du lịch cao cấp, theo một đề tài nhất định, có quy mô lớn hơn tour du lịch bình thường, sẽ thu hút khách rất mạnh nhờ liên kết các điểm du lịch nổi tiếng với nhau. Những thị trường khách du lịch có văn hóa và thu nhập cao đang chuộng loại hình du lịch theo con đường chủ đề này”. Tinh thần hợp tác, cùng liên hiệp lại còn được thể hiện rất rõ qua việc nối kết CĐDSMT với tour “Con đường xanh Tây Nguyên”, đồng thời mở rộng quy mô của chương trình CĐDSMT với phạm vi từ Nghệ An đến Bình Thuận. Chính vì lẽ đó, qua hơn một năm khởi động, CĐDSMT đã thu hút được trên 100 đối tác và thành viên, bao gồm các tổ chức và doanh nghiệp trong cả nước. Từ khi có CĐDSMT, lượng khách đến ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế cũng tăng cao, cụ thể: Năm 2003 tăng thêm 21.000 khách quốc tế và 60.000 khách nội địa (dự báo 2005 tăng 140.000 khách quốc tế và 432.000 khách nội địa). Với mục tiêu năm 2004 ngành du lịch sẽ đón từ 2,7 - 2,8 triệu lượt khách quốc tế và từ 14 - 14,5 triệu lượt khách nội địa cùng những triển vọng sáng sủa từ “thương hiệu” CĐDSMT, ông Paul Stoll dự báo: “CĐDSMT sẽ đạt mức tăng trưởng 10% trong những năm sắp tới”.
.jpg)
Con người – giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Hiệu quả từ CĐDSMT cơ bản đã nhìn thấy được. Tuy nhiên, làm thế nào để “thương hiệu” này phát triển bền vững, đó là điều đang được lãnh đạo ngành du lịch quan tâm và tìm giải pháp. Câu trả lời đầu tiên chính là giải pháp về con người. Ban điều hành chương trình CĐDSMT đánh giá: “Du lịch là ngành “công nghiệp con người”, trong đó con người là yếu tố chính của hoạt động du lịch. Con người hình thành thị trường, đòi hỏi dịch vụ cho con người cung cấp tạo các mối tác động qua lại trong kinh tế, văn hóa và xã hội... ”. Cho nên, trọng tâm của du lịch CĐDSMT hướng đến yếu tố cộng đồng của con người địa phương chứ không phải hướng vào yếu tố hấp dẫn của văn hóa hay thiên nhiên. Cụ thể là, khi CĐDSMT tạo ra một “môi trường làm ăn” thuận lợi, chính cư dân địa phương là những người vừa đóng vai trò lập kế hoạch kinh doanh, vừa giữ vai trò làm chủ việc phát triển du lịch trong những cộng đồng của họ.
Giải pháp thứ hai chính là hạ tầng du lịch. Những lời kêu ca, phàn nàn về sự yếu kém của hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ... tại các địa phương có “con đường di sản” đi qua hầu như không còn nữa. Thay vào đó là những trung tâm du lịch ven đường tại khắp các tỉnh, thành miền Trung, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của du khách từ việc cung cấp thông tin đến giới thiệu tour, ẩm thực, lưu trú... Việc vận chuyển khách trên các tuyến điểm giờ đây cũng đã có một thương hiệu riêng, gọi là “Mai-express” do Công ty taxi Mai Linh đảm nhận. Theo ông Hồ Việt, “trung tâm du lịch ven đường” chính là nét mới, ngoài mục đích hỗ trợ khai thác du lịch, hiệu quả kinh tế - xã hội còn thấy rất rõ là tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho một bộ phận lớn cư dân các địa phương.
Tiêu chuẩn “Bông sen vàng”
Ban điều hành CĐDSMT cũng đề xuất một “Chương trình du lịch chất lượng” riêng, lấy biểu tượng Bông sen vàng làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ của các đơn vị (tốt nhất là đạt 5 Bông sen vàng). Qua đó các đơn vị đăng ký thành viên cung cấp dịch vụ đúng theo tiêu chí đánh giá của chương trình du lịch chất lượng và có quyền sử dụng biểu tượng và giấy chứng nhận của CĐDSMT.