Công trình tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ làm ẩu, sửa mệt

Chỉ 3 tháng sau khi khánh thành (30/4 - 30/7/2004), công trình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã bị xuống cấp. Được biết, đây là một công trình trọng điểm của Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/2/2003 với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp cơ sở hạ tầng 13 tỷ đồng.

Ngay từ những trận mưa đầu mùa tháng 6/2004, tại các chân tường kè và sân hành lễ của công trình Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã bị nghiêng, nứt, lồi lõm, báo hiệu sự xuống cấp không thể tránh khỏi, cho dù đơn vị thi công đã nhiều lần gia cố lại. Hiện tại, đứng ở chân Đồi D1 nhìn lên thấy rõ nước mưa đã xói lở phần lớn số đất đắp chân tường kè bao quanh công trình. Đặc biệt, đoạn tường kè K1 phía đông-nam dài 190 m nghiêng, lún, nứt nẻ, lộ cả phần nền sân, trong đó 3 điểm bị sạt lở từ đỉnh đến chân móng tổng cộng hơn 10 m. Nếu không nhanh chóng có biện pháp khắc phục, chỉ cần vài trận mưa lớn ập xuống, chắc chắn nhiều đoạn tường kè nữa sẽ sụp đổ, kéo theo sự trôi trượt của cả nền sân đặt Tượng đài.

Biên bản ghi nhớ ngày 22/7/2004 do Ban Quản lý Dự án, đại diện Công ty Mỹ thuật Trung ương (đơn vị được chỉ thầu thi công), Cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng cùng ký xác nhận: Kiểm tra bằng mắt thường đã phát hiện phần tường kè bao quanh toàn bộ công trình, trên các bức tường chắn bằng đá xây tại 7 điểm kè K1; K2; K3; K3'; K5; K5'; K6 đều có hiện tượng nứt nẻ và nghiêng ra ngoài, tách khỏi vị trí ban đầu khoảng 10 cm, có 3 đoạn đã sạt lở nghiêm trọng. Vùng đất, cát đắp trong nền sân hành lễ bị võng, có chỗ lún tới 50 cm.

Vậy mà trước đó không lâu, biên bản ngày 14/7/2004 của Hội đồng kiểm tra gồm 5 thành viên chức năng kết luận: "Hồ sơ đã tính toán kỹ, qua kiểm tra, theo dõi khẳng định yên tâm về móng bệ tượng". Ông Phan Tiến Đạt, Phó chỉ huy công trường phụ trách kỹ thuật cho rằng: Đơn vị thiết kế đã khảo sát kỹ địa chất, tính toán kỹ để công trình đảm bảo chất lượng ngay cả khi động đất cường độ 8 độ rích te .

Lý giải về sự xuống cấp nhanh chóng của công trình, các đơn vị có liên quan từ chủ đầu tư, đến thiết kế, tư vấn giám sát, thi công và Sở Kế hoạch-đầu tư tỉnh Điện Biên đều thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là khi thiết kế chưa tính toán kỹ kết cấu công trình. Việc khảo sát địa chất, địa hình chưa sát thực tế. Việc thiết kế hệ thống kè chắn đất dài 400 m bao toàn bộ 2.883 m2 sân hành lễ (cũng là nơi đặt Tượng đài) được xây giật cấp tuy đáp ứng về mỹ thuật song chịu lực kém. Bên cạnh đó, do xem nhẹ công tác khảo sát thăm dò địa chất, nên phần lớn móng tường kè xây trên lớp đất sét tơi xốp không được xử lý, thậm chí toàn bộ phần móng đoạn K1 lớn nhất trong hệ thống tường kè đều xây trên đất mượn.

Ông Lương Phượng Các, Phó giám đốc Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh Điện Biên, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: sự xuống cấp này sẽ ít nghiêm trọng nếu đơn vị thi công sớm phát hiện những thiếu sót trong thiết kế công trình, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Mặt khác do thi công chạy theo tiến độ để hoàn thành công trình bằng mọi giá nên trong quá trình xây lắp một số hạng mục vi phạm quy trình kỹ thuật. Đơn vị thi công chưa tiến hành lu lèn nền sân đạt độ ổn định đã đổ bê tông và lát đá, dẫn đến lượng nước mưa thẩm thấu tích tụ ngày càng lớn gây nên hiện tượng lún mặt sân, tạo thành áp lực đẩy hệ thống tường kè ra ngoài làm nhiều đoạn nứt, lún, sạt lở như hiện nay.

Để ngăn chặn sự xuống cấp công trình Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban quản lý dự án đã chọn giải pháp do Trung tâm Kiểm định xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề xuất. Trước hết tiến hành khoan khảo sát lại địa chất công trình, địa chất thuỷ văn toàn bộ móng tường kè. Trên cơ sở đó xây bổ sung 1 hệ thống tường bê tông mỏng giữ kè và sân hành lễ, kết hợp dùng phương pháp móng cọc bê tông cốt thép cục bộ tại các vị trí vừa làm sườn vừa là dầm đỡ, đóng sâu xuống tận lớp đất nền nguyên thuỷ. Đồng thời bóc bớt lớp đất phía trong tường chắn, khoan tạo lỗ thoát nước ngầm, tiếp đến rải lớp vải địa kỹ thuật để tránh hiện tượng mao dẫn, rồi lu lèn chặt nền trước khi lát lại toàn bộ mặt sân. Giải pháp này mới chỉ là sơ bộ, còn tuỳ thuộc vào thiết kế bổ sung sau khi cơ quan chức năng thẩm định, chính thức phê duyệt.

Ban Chỉ huy công trường cho biết: trước mắt, để tạm thời ngăn chặn một số hạng mục có thể tiếp tục hư hỏng, ngày 30/7/2004 Công ty Mỹ thuật Trung ương bắt đầu phủ vải địa kỹ thuật toàn bộ mặt sân, khoan thăm dò địa chất công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư dự án.