Công ty Phát triển Nhà quận Bình Thạnh - TPHCM: Sáu dự án đều sai phạm quy hoạch

ĐIỀU TRA.- Khách hàng đã nộp hơn 7,3 tỉ đồng tiền sử dụng đất, nhưng gần 5 năm rồi vẫn không nhận được giấy chứng nhận chủ quyền

Người dân trong khu vực gọi giám đốc Công ty Phát triển Nhà (PTN) quận Bình Thạnh là “trùm đất”, bởi công ty của ông được giao rất nhiều dự án kinh doanh nhà trên địa bàn quận Bình Thạnh. Hầu hết những dự án do công ty ông “chủ xị” đều đã hoặc đang có dấu hiệu phạm pháp, mà nạn nhân không ai khác, chính là người dân.

Mua trúng “lúa chưa trồng”

Chúng tôi tìm gặp một nạn nhân của Công ty PTN quận Bình Thạnh. Anh Đ.D.N, một khách hàng mua đất ở khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh do Công ty PTN quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư,  kể: “Hồi đó, sau khi phản ánh và được Báo NLĐ viết bài báo động về hoạt động của công ty, tôi được mời lên nhận biên bản giao nền sau hơn một năm mòn mỏi đợi chờ. Nhưng chỉ là nền... trên giấy, vì khi xuống thực tế, nền đất của tôi nằm trên một bãi sình. Thấy ghê quá, tôi đem bán tháo cho người khác”. Anh B., người gánh tiếp hậu quả, tâm sự: “Khi mua lại đất của anh N., tôi mới biết công ty đã tự ý “vẽ lại quy hoạch”, nên lô đất của tôi bị chủ nhân của lô bên cạnh đè lên 4m. Sau nhiều lần kiện cáo không thấy xử, tôi cất nhà đúng diện tích 4mx16m. Đương nhiên, tôi cũng đã phải... đè lên lô kế tiếp đúng 4m”. Khi mua lại đất của anh N., anh B. cũng chỉ được Công ty PTN quận Bình Thạnh... phát cho biên bản giao đất, có chữ ký của giám đốc Trần Tấn Phua. Nhưng để có được miếng giấy này, anh N. đã phải chi cho cán bộ công ty và cho “người giữ đất” (cũng của công ty). Toàn bộ khoản tiền phải chi không biên nhận của anh N. tính ra xấp xỉ 2 triệu đồng. Theo quy hoạch, khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh có khoảng 800 nền, nhưng một cán bộ Viện Quy hoạch và Xây dựng TP đã thừa nhận với chúng tôi từ năm 1999: “Khi phân nền, công ty tự ý phân lẻ các nền đất để kinh doanh, thay vì một nền 10x15m thành hai nền, mỗi nền 5x15m”. Tính sơ sơ, khoản tiền của các chủ nhân những lô đất... trên giấy phải bỏ ra mà không có chứng từ lên đến bạc tỉ. Vấn đề là cho đến thời điểm này, sau gần 5 năm mang tiếng là có đất, nhưng những khách hàng của Công ty PTN quận Bình Thạnh vẫn chưa được đứng tên chủ quyền bất động sản của mình. Trước đây, các cán bộ ngành địa chính nhà đất TP ví hoạt động của Công ty PTN quận Bình Thạnh là “bán lúa khi lúa chưa trồng” (có nghĩa bán nền đất khi chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa phân lô).

Chừng nào giải quyết hậu quả?

Năm 1999, khi đặt vấn đề với lãnh đạo chính quyền địa phương về những hoạt động của Công ty PTN quận Bình Thạnh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Quý, khi đó là chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, gợi ý: “Về pháp lý Nhà nước, nếu đơn vị không làm đúng luật, quận sẽ xử lý. Còn nếu công ty kéo dài việc hợp thức hóa, đối tượng mua nền có thể căn cứ những điều khoản đã giao kèo trong hợp đồng để kiện bên giao nhà ra tòa”. Đối với người dân, liên hệ tới tòa án là chuyện... chẳng đặng đừng, huống chi là đâm đơn kiện một đơn vị Nhà nước ra tòa. Không có người dân nào đi kiện, nhưng chuyện ở Công ty PTN quận Bình Thạnh sai rành rành, còn chính quyền địa phương vẫn cứ... làm ngơ.

Cho đến tháng 2-2001, Chánh Thanh tra TP ra quyết định thanh tra về việc thực hiện các dự án có liên quan đến đất đai tại phường 25, quận Bình Thạnh của Công ty PTN quận Bình Thạnh. Đối tượng thanh tra gồm khu nhà ở 6 ha (khu nhà ở Văn Thánh Bắc); hai dự án 8.165m2 và 6.583m2 (liên doanh với tổ hợp Minh Phụng); dự án khu nhà ở 143/16 Xô Viết Nghệ Tĩnh (khu nhà ở Bảo Minh); khu nhà ở chung cư trả góp C1 (chung cư C1); khu nhà ở 143/3B Xô Viết Nghệ Tĩnh và dự án nhà ở khu du lịch giải trí bờ sông Sài Gòn. Theo kết luận của đoàn thanh tra, trừ dự án khu nhà ở du lịch giải trí bờ sông Sài Gòn, 6 dự án còn lại đều vi phạm về quy hoạch xây dựng, chưa có văn bản chấp thuận địa điểm đã đi đền bù hoa màu, chưa có quyết định giao đất đã tự phân nền bán cho dân xây dựng trái phép. Công ty cũng “tự quy hoạch” các mảng cây xanh thành nền đất ở để bán. Nghiêm trọng hơn, công ty tự chuyển nhượng hơn 1.200m2 nằm ngoài quy hoạch dự án để bán lại, thu lợi bất chính 2,5 tỉ đồng. Trong dự án khu nhà ở 6 ha, đoàn thanh tra còn phát hiện một vị  nguyên chủ tịch UBND quận Bình Thạnh chỉ đạo cho cấn trừ số tiền 41 triệu đồng mua một nền nhà của ông Phan Trước vào  số tiền công ty PTN nộp ngân sách là trái với NĐ 186/HĐBT ngày 27-12-1989. Đoàn đã đề nghị công ty phải nộp ngay vào ngân sách số tiền sử dụng đất đã thu của khách hàng hơn 7,3 tỉ đồng và xuất toán khỏi chi phí số tiền chi không đúng quy định hơn 1 tỉ đồng. Đoàn thanh tra kết luận: “Giám đốc công ty có nhiều sai phạm trong công tác quản lý điều hành chỉ đạo thực hiện dự án. Nguyên nhân là do giám đốc công ty không làm đúng các quy định của Luật Đất đai năm 1988 và 1993 cũng như các nghị định của Chính phủ... Giám đốc Trần Tấn Phua và nguyên kế toán trưởng Trần Duy Hinh đã có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm và cố ý làm trái các quy định của pháp luật...”. Đoàn thanh tra đề nghị tổng giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn -đơn vị chủ quản - tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của giám đốc, phó giám đốc công ty và có hình thức kỷ luật thích hợp với những sai phạm và những việc làm vi phạm pháp luật mà đoàn kết luận. Tuy nhiên, đến ngày 18-9, tức gần một tháng sau khi đoàn thanh tra có kết luận, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay là những nạn nhân của Công ty PTN quận Bình Thạnh đến bao giờ mới được cầm trong tay giấy chủ quyền nhà sau nhiều năm mòn mỏi đợi chờ. Thắc mắc của người dân xin để các cơ quan chức năng trả lời.