Cụ Raymond Aubrac kể chuyện Việt Nam

“Mọi người đón tiếp cụ như thế nào trong mấy ngày qua?”. “Mệt lắm! Tôi phải làm việc từ 5 giờ sáng. Lại còn tiếp nhà báo suốt ngày nữa!”. Vừa trả lời câu hỏi của tôi, cụ Raymond Aubrac vừa nở nụ cười đôn hậu. Ở tuổi 93, cụ vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và không hề mất đi tính hài hước

Nói thế chứ tôi biết cụ đang rất cảm động trước những tình cảm yêu mến mà người VN dành cho mình, một thứ tình cảm không hề phai theo năm tháng mà cụ gọi là lòng thủy chung.

Người bạn Pháp của Bác Hồ

Chậm rãi, từ tốn, cụ Aubrac đã kể lại câu chuyện của 63 năm trước. Nhờ có mối quan hệ tốt với cộng đồng người VN tại Pháp, cụ luôn là khách mời trong những buổi hội họp do người Việt tổ chức. Năm 1946, cụ đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một buổi dạ hội của Việt kiều trong khu vườn rất đẹp, nhân dịp phái đoàn VN sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Cụ nhớ lại. “Trước một vị nguyên thủ quốc gia, tôi bối rối không biết nói gì. Rồi tôi hỏi xem Người ăn ở như thế nào. Người bảo rất tốt nhưng không thoải mái lắm vì nơi đó không có vườn”. Và cụ Aubrac đã mời Bác Hồ đến ở trong ngôi nhà có vườn của cụ tại Paris. Suốt 3 tháng tiếp theo, cuộc sống gia đình cụ Aubrac ít nhiều bị đảo lộn vì khách mời không phải một người bình thường mà là một nguyên thủ quốc gia. An ninh được tăng cường, rồi liên tục những cuộc tiếp các nhà báo, các chính trị gia và những bữa ăn tối với rất nhiều khách mời. “Tôi biết hồi đó Cụ Hồ muốn ở trong nhà tôi còn vì biết tôi quen với nhiều chiến sĩ cộng sản”- cụ Aubrac kể. Biết thế nên gia đình cụ vẫn hết lòng giúp đỡ vị thượng khách đến từ VN, đặc biệt là trong việc thiết lập các mối quan hệ. Tình bạn của họ trở nên thân thiết và Bác Hồ đã nhận bé gái Elizabeth của cụ làm con đỡ đầu ngay ngày chào đời. Chỉ có điều là Elizabeth không còn cơ hội gặp lại cha đỡ đầu của mình. Vì chiến tranh, bà không thể sang thăm VN trong khi Bác Hồ qua đời lúc đất nước còn đang thời kỳ khói lửa...

Một sáng kiến, ngàn mạng sống

Sau khi VN hoàn toàn giải phóng, vào năm 1976, một lần nữa cụ Aubrac lại tham gia vào công cuộc khôi phục đất nước trong vai trò phái viên Liên Hiệp Quốc. Trước ngày cụ trở về trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhờ cụ chuyển một thông điệp đến chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) rằng VN muốn gia nhập WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đem thông điệp này đến Chủ tịch WB Robert McNamara, người trước đó từng dẫn dắt cuộc chiến của Mỹ tại VN nhưng đã từ chức vào năm 1967, cụ Aubrac bỗng nảy ra một sáng kiến. Cụ nói với vị Chủ tịch WB: “Tôi có một chuyện cá nhân muốn nói với ông. Ở vĩ tuyến 17 từng có hàng rào điện tử McNamara, hiện còn một bãi mìn ở đó hằng ngày giết bao nhiêu người dân vô tội. Vây ông có thể cung cấp bản đồ bãi mìn ở khu vực này để tránh cho người dân khỏi những cái chết không?”. Tấm bản đồ sau đó đã được đưa về VN để thực hiện công đoạn tháo gỡ mìn.

Yêu VN từ nụ cười

Thấy tôi thắc mắc chuyện la một người Pháp, tại sao cụ lại giúp VN chống Pháp và Mỹ, cụ Aubrac cho rằng dù là ở Pháp hay Mỹ, trong hòa bình hay trong chiến tranh, luôn luôn có một bộ phận dân chúng không nhỏ ủng hộ VN, coi VN là bạn. Tình yêu đối với VN trong cụ là một thứ tình cảm kỳ lạ, là sự pha trộn giữa những điểm giống và khác nhau giữa hai dân tộc. Cũng giống VN, nhân dân Pháp đã từng trải qua thời kỳ chống phát xít Đức nên hiểu được những nỗi đau chiến tranh. Bên cạnh đó, cụ cho rằng người VN và người Pháp có tâm hồn đồng điệu, có nụ cười giống nhau. “Tôi thấy cháu cười rất giống con gái tôi, cứ như người trong gia đình vậy”- cụ Aubrac nói. Cụ khẳng định VN ngày nay vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong lòng người dân Pháp, không phải chỉ vì sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế mà còn vì hai nước gắn kết với nhau bởi mối liên hệ văn hóa. Tình yêu VN của cụ Aubrac đã truyền sang mọi thành viên trong gia đình.

Bà Elizabeth, con gái cụ, cho biết: “Anh trai tôi đã đến VN ngay từ những năm 1970 và hiện đang làm trong lĩnh vực tin học ở đây. Anh thường xuyên đi về giữa hai nước. Hai trong 3 đứa con của tôi cũng đã sang thăm VN. Chồng tôi thì làm việc liên quan nhiều đến VN. Anh ấy đang đào tạo các giáo viên quản trị kinh doanh ở VN. Còn tôi thì dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng sâu đậm rồi”. Ánh mắt bà không giấu nổi niềm tự hào.