“Cung đường tử thần”: Vẫn phóng xe bạt mạng!

LTS: Tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên tục xảy ra trên cả nước, thực sự đã trở thành thảm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nhưng vì sao vấn đề đã được cảnh báo nhiều lần, liên tục, được đưa lên tầm quốc gia mà TNGT vẫn không giảm? Với mức độ khủng khiếp của TNGT và cái giá quá đắt chúng ta phải trả cho nó, cần thiết phải có cái nhìn tổng quan và xác thực để thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm và giải pháp

Vụ tai nạn xảy ra chiều 14-7 trên Quốc lộ 1A thuộc xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, ngay chính khu vực mà cách đây 9 tháng tai nạn giao thông từng cướp đi sinh mạng 12 thành viên đoàn cứu trợ của phường 13, quận Phú Nhuận - TPHCM. Danh sách người chết, bị thương cứ ngày một dài thêm thôi thúc chúng tôi làm cuộc hành trình trở lại “cung đường tử thần” này.

Những “tọa độ chết”!

Đã nhiều lần rong ruổi dọc suốt từ thị xã Cam Ranh đến TP Nha Trang, nhưng lần này, ngồi sau xe máy của một anh bạn đồng nghiệp dưới cái nắng như đổ lửa, tôi bỗng có cảm giác lành lạnh. Từng đoàn xe container, xe tải, xe khách nối đuôi nhau lao như bắn. Chốc chốc lại có một chiếc tách khỏi tốp, tăng tốc lấn hẳn sang phần đường bên trái, khói phun mù mịt, tiếng bánh xe quét trên mặt đường ràn rạt.

Đến chợ Cam Đức thuộc thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm (huyện mới thành lập từ một phần của thị xã Cam Ranh và một phần huyện Diên Khánh), anh bạn đồng nghiệp thông báo: “Từ đây là bắt đầu đi vào “cung đường tử thần”, kéo dài khoảng 25 cây số, đến tận Ngã Ba Thành”. Hai bên đường, chốc chốc lại bắt gặp những ngôi miếu nhỏ, có cái rêu phong, có cái mới tinh với những vết vôi còn vương trên cỏ. Đây là những ngôi miếu do người dân địa phương dựng lên để chăm lo hương khói cho những khách lữ hành vắn số.

“Chỗ nào mà chẳng có tai nạn, không chết thì cũng bị thương” - chị Thảo, chủ một quán nước bên đường ngay khúc cua dẫn vào Khu Công nghiệp Suối Dầu, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, cho biết. Chị Thảo kể, khu vực này tai nạn xảy ra như cơm bữa. Vụ gần nhất là 2 xe máy va vào nhau ngã chỏng gọng ra đường, một chiếc văng vào gầm một xe khách chạy từ Cam Ranh lên. Không có người chết, nhưng chiếc xe khách bị bốc cháy và rất may được người dân bên đường kịp thời dập tắt.

Không chỉ có con dốc trước quán Ba Thừa, nơi 12 thành viên đoàn cứu trợ bão lụt của phường 13, quận Phú Nhuận- TPHCM tử nạn sáng 13-10-2006 hay con dốc nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 24-6 làm chết 4 giáo viên của huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, người dân địa phương còn chỉ chúng tôi xem nhiều “tọa độ chết” khác. Trong đó khúc cua Bà Đầm (còn gọi là khúc cua Bầu Sen), khúc cua Phú Khánh là 2 khúc cua gắt nhất trên cung đường này cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, tình hình chỉ được cải thiện sau khi cơ quan chức năng lắp dải phân cách cứng bằng bê tông.

Tai nghe mắt thấy!

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Thảo, nhiều lần bị gián đoạn bởi tiếng còi xe, xin đường, xin vượt hú lên inh ỏi. Từ xa, một đoàn 4 chiếc gồm 3 xe tải và 1 xe khách từ hướng Nha Trang về Cam Ranh vừa đi vào khúc cua trước Khu Công nghiệp Suối Dầu. Chúng tôi giương ống kính lên chờ đợi. Và không ngoài dự đoán, chiếc xe khách 16H-8532 chạy tuyến Bến xe Niệm Nghĩa (Hải Phòng) - Bến xe Miền Đông (TPHCM) hú còi rồi lao hẳn sang phần đường bên trái, bất chấp những trụ phân cách phản quang bằng cao su vừa được cơ quan quản lý lắp đặt để vượt lên trước.

Theo chị Thảo, ngày cũng như đêm, những chiếc xe khách đường dài cứ thi nhau vượt mặt. Những trụ phân cách bằng cao su không ngăn được những tài xế đang lúc nổi máu yêng hùng. Cách đó không lâu, khi vừa qua khúc cua Bà Đầm chúng tôi đã suýt bị ép văng xuống lề bởi cuộc đua nước rút giữa xe khách biển số 16H-6814 cũng chạy tuyến Hải Phòng - TPHCM với một xe tải chạy cùng chiều hướng Cam Ranh ra Nha Trang. Chiếc xe tải từ chối nhường đường vì đang ôm khúc cua, lập tức chiếc xe khách ngoặt bánh lao sang bên kia đường. Nhiều hành khách chồm lên vì sợ trong khi lơ xe nhoài người đánh đu ngoài bậu cửa.

Hơn 2 giờ vòng đi vòng lại cung đường này, không ít lần chúng tôi thót tim vì phải chứng kiến những cuộc đua tốc độ, những cuộc vượt mặt mà không phải mắt thấy, tai nghe có lẽ chúng tôi tin là chỉ có trong phim ảnh. Có lúc, những chiếc xe ngược chiều bất ngờ phóng vút lên nhằm thẳng vào dòng xe đang lăn theo chiều ngược lại. Một ông tài xế già đã từ giã vô lăng ở xã Suối Hiệp một mực can ngăn khi biết chúng tôi có ý định tìm “cảm giác mạnh” trên những chuyến xe khách về đêm qua cung đường này. “Tôi khuyên chú, nếu không vì nhu cầu đi lại thì đừng làm thí nghiệm kiểu liều mạng như vậy” - ông chộp cánh tay tôi bằng bàn tay gân guốc, chai sần của hàng chục năm cầm lái.

Ấm áp tình người

Chiều 17-7, chúng tôi trở lại con dốc quán Ba Thừa tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh gặp lúc đại đức Thích Thanh Quang, Trưởng Ban Từ thiện Phật giáo huyện Cam Lâm, đang cùng chư tăng chùa Thanh Sơn tổ chức cúng vong, cầu siêu cho 12 thành viên đoàn cứu trợ phường 13, quận Phú Nhuận - TPHCM tử nạn ngày 13-10-2006.

img
Cầu siêu cho vong linh 12 nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 13-10-2006

Sau vụ tai nạn thảm khốc ấy, chủ quán Ba Thừa đã lập một ngôi miếu tưởng nhớ vong linh những người quá cố. Chị Lê Thị Linh Chi, chủ quán, cho biết sau vụ tai nạn nhiều đoàn khách từ thiện, tăng ni các chùa từ khắp nơi thay nhau đến đây hương khói nguyện cầu cho vong linh những nạn nhân vắn số.

Cách đó gần 500 m, một người đàn ông từ Quy Nhơn vào cũng xin người dân địa phương vuông đất lập miếu, thắp nhang cho hương hồn 4 giáo viên của huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã thiệt mạng tại đây. “Không phải mê tín gì đâu, chỉ là thương cho người tứ xứ chẳng may thọ nạn, họ không về được thì coi như ở lại đây với mình”, người dân ở đây bộc bạch.

Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Nguyên nhân xảy ra tai nạn một phần là do cơ sở hạ tầng

Trưa 17-7, phóng viên Báo NLĐ đã phỏng vấn qua điện thoại ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

. Phóng viên: Thưa ông, liên tiếp nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian vừa qua, theo ông nguyên nhân do đâu?

- Ông Võ Lâm Phi: Với những vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, mà nhất là trên “cung đường tử thần”, nhìn chung phần lỗi chính là do ý thức chấp hành luật giao thông của người lái xe. Cụ thể là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu nên không làm chủ tốc độ và gây tai nạn. Tuy nhiên, về khách quan, nguyên nhân có một phần xuất phát từ cơ sở hạ tầng không bảo đảm như không có dải phân cách giữa hai chiều đường, không có hệ thống đèn phản quang, cọc tiêu dọc lề đường...

. Vậy tỉnh đã có giải pháp gì hạn chế tình hình giao thông trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn?

- Sau mấy vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây, Khu Quản lý Đường bộ 5 mới cho lắp cột phân cách bằng cao su, nhưng chỉ mới lắp tại các đoạn đường cong. Đối với các tuyến quốc lộ, nên có dải phân cách để hạn chế tình trạng xe chạy lấn trái sang phần đường ngược chiều. Hai bên lề đường cũng cần có rào chắn hoặc đèn phản quang để giúp tài xế định hướng khi lưu thông về đêm. Tại các buổi làm việc với Bộ GTVT và Ban An toàn Giao thông Quốc gia cách đây 2 tuần, UBND tỉnh đã có kiến nghị đơn vị quản lý lắp đặt thêm dải phân cách cho các tuyến quốc lộ.

. Nhưng thực tế là tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra, như vụ tai nạn chiều 14-7 tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh làm 8 người bị thương?

- Đúng, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, theo tôi nên quy hoạch quốc lộ là đường một chiều hoặc xây dựng đường tránh các đô thị, các khu dân cư. Cuối tháng 7, tỉnh sẽ sơ kết tình hình an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và sẽ có kiến nghị Bộ GTVT lắp thêm dải phân cách và có phương án bổ khuyết về đạo đức, ý thức chấp hành luật giao thông đối với đội ngũ lái xe, nhất là lái xe đường dài trên các tuyến quốc lộ. Đồng thời, có phương án trang bị camera cố định tại các địa điểm thường xảy ra tai nạn để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

N.Triều thực hiện