Cuộc đối thoại của hai trí thức tầm cỡ
“Cuốn sách này cũng đề cập đến hai cuộc đời, một của nhà vật lý thiên văn sinh ra đã là Phật tử, người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học của mình; và một của nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư, người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó” (Trích từ Lời nói đầu của tác phẩm do Matthieu Ricard viết)
Báo Người Lao Động nhờ tôi làm một việc quá sức mình: Giới thiệu cuốn sách của hai nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard trao đổi về những vấn đề hiện đại và thế giới tâm linh. Chỉ vì tôi trót dại, mấy năm trước, sau một chuyến đi Pháp về, khoe với bạn bè mình vừa mua được một cuốn sách vô cùng thú vị, và trong một trường hợp cũng vui vui. Cuốn sách ấy, theo lời giới thiệu của Nhà Xuất bản France Loisirs, là nội dung “cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học Pháp quy y cửa Phật và một Phật tử Việt Nam trở thành nhà khoa học”.
Mà chủ đề của cuộc đối thoại dài - bản dịch tiếng Việt dày ngót năm trăm trang sách - đâu phải giản đơn. Nó đề cập và tìm lời giải có khác biệt có hài hòa cho những băn khoăn muôn thuở của nhân loại: Con người sống thế nào? Quan hệ ra sao với xã hội? Nhận thức của con người giới hạn đến đâu? Rồi bản chất của thế giới, của vũ trụ, của vật chất, của thời gian là gì? Khoa học tự thân nó thiện hay ác? Làm sao hòa hợp khoa học với đạo đức?... Lướt qua các câu hỏi đặt ra đã thấy... kinh hoàng.
Về hai tác giả.- Tôi chưa được hân hạnh quen giáo sư Trịnh Xuân Thuận tuy có được đọc ông qua hai cuốn sách Giai điệu bí ẩn và Hỗn độn và hài hòa, cùng khá nhiều bài báo chí Pháp giới thiệu các tác phẩm của ông với lời lẽ đậm đà. Trịnh Xuân Thuận có biệt tài trình bày một cách sáng tỏ và đầy chất thơ, giúp độc giả bình thường có thể cảm thụ được các vấn đề khoa học cao siêu cũng như những khái niệm triết lý trừu tượng. Để dùng lại chữ của đồng tác giả cuốn sách, tiến sĩ khoa học, nhà sư Matthieu Ricard, Trịnh Xuân Thuận là “nơi hợp lưu của ba nền văn hóa: Việt Nam, Pháp và Mỹ”. Tuy mang quốc tịch Mỹ, ông là một trong số mấy nhà trí thức Việt kiều tiêu biểu được cố tổng thống Pháp Francois Mitterrand mời cùng về Việt Nam trong chuyến vị nguyên thủ quốc gia Pháp thăm chính thức nước ta. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh tại Hà Nội giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn ác liệt và đầy khó khăn (1948). Hồi nhỏ ông học “trường Tây” ở Sài Gòn, rồi sang Pháp. Ông là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Lausanne (Thụy Sĩ), sau đó sang Mỹ nghiên cứu tại Viện Công nghệ California nổi tiếng, gọi tắt là Caltech, “thánh địa của các nhà vật lý thiên văn”, nơi có kính viễn vọng đường kính lớn tới 5 mét đặt trên núi Palomar. Và Trịnh Xuân Thuận trở thành “một trong những chuyên gia lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu sự hình thành các thiên hà”. Ông còn là một nhà văn có bản sắc.
Còn Matthieu Ricard? Nhà sư này là con trai triết gia nổi tiếng người Pháp Jean-Francois Revel. Hai cha con là đồng tác giả cuốn sách Nhà sư và Triết gia. Ông từng làm nghiên cứu sinh nhiều năm tại Viện Pasteur Paris, Khoa Di truyền học tế bào, dưới sự dẫn dắt của một thầy được Giải thưởng Nobel về y học, giáo sư Francois Jacob. Năm 1967, ông sang Ấn Độ và trở thành đệ tử của một nhà sư Tây Tạng tu ở đấy: Đại đức Kanguiour Rinpotché. Cứ đến mùa hè, Matthieu Ricard lại đều đều sang Ấn Độ sống tại thảo am của bậc minh triết, trong khi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Năm 1972, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, ông quyết định sang định cư luôn bên rặng núi Hymalaya. Ông đã sống tại Ấn Độ, Bhoutan, Népal và thụ giáo tiếp trong mười hai năm liền một cao tăng khác: Khyentsé Rinpotché. Hiện ông tu tại Phật viện Shéchèn, gần thủ đô Kamandou nước Népal.
Mùa hè 1997, lần đầu tiên hai nhà khoa học Việt Nam và Pháp gặp nhau tại trường đại học mùa hè ở Andorre, một thành phố nhỏ trên rặng núi Pyrénées, vùng biên giới Pháp và Tây Ban Nha. Hai người say sưa trò chuyện. Từ những cuộc trao đổi ấy hình thành tác phẩm này.
Một cuốn sách không chỉ đọc một lần.- Cuộc đối thoại của hai trí tuệ tầm cỡ. Một người là chuyên gia một môn khoa học vĩ vĩ mô: các giải thiên hà; một người đi sâu vào thế giới cực cực nhỏ: tế bào. Một người xuất thân trong một gia đình Phật tử Việt Nam - mà theo tôi hiểu - hẳn thuộc Phật giáo Đại thừa gần gũi cuộc sống thường ngày. Một người quy y theo Phật giáo Lạt ma đặc thù của Tây Tạng huyền bí. Tác phẩm Cái vô hạn trong lòng bàn tay mang dấu ấn của hai nhà nghiên cứu uyên thâm.