Cuộc trung hưng thứ ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã tôn vinh đức Ngô Vương Quyền là vị tổ trung hưng thứ nhất, đức Lê Thái Tổ là vị tổ trung hưng thứ 2 của dân tộc VN... Nền trung hưng thứ ba của dân tộc gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh

Đến nay nhìn lại thế kỷ 20, chúng ta hoàn toàn có quyền nói rằng đó là thế kỷ diễn ra những thử thách khắc nghiệt nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Cuộc đô hộ của giặc Pháp từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 19 nối sang thế kỷ 20 kéo dài gần 80 năm như định lượng thời gian viết trong bản Tuyên ngôn Độc lập, tức là gấp 4 lần thời gian nước ta chịu sự đô hộ của giặc Minh vào thế kỷ 15.

Cùng với nền đô hộ của thực dân Pháp, trong đại chiến thế giới lần thứ hai, dân ta một cổ hai tròng lại chịu thêm ách đô hộ của chủ nghĩa phát xít Nhật mà hậu quả là cái chết của 2 triệu người Việt Nam trong năm Ất Dậu. Để chống lại nền đô hộ ấy chúng ta mất phân nửa thời gian của thế kỷ này để giành cho được nền độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Rồi để bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng này gắn với độc lập dân tộc, thống nhất và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc Việt Nam phải đi tiếp 30 năm “đánh thắng 2 đế quốc to” là thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1955-1975) với nhiều lực lượng quân sự của các nước chư hầu khác. Tiếp đó, chúng ta mất thêm 14 năm nữa (1975-1989) phải tiếp tục đổ máu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, gánh vác nghĩa vụ quốc tế tiêu diệt một chế độ diệt chủng, đương đầu với sự cấm vận và thù địch của nhiều nước lớn để xây dựng đất nước trong điều kiện phải khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề của một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt.

Mặc dù công cuộc đổi mới được mở ra từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), nhưng thực sự chúng ta chỉ có một thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 được hòa bình xây dựng vào đúng lúc hệ thống mô hình các quốc gia xã hội chủ nghĩa sụp đổ (1990) cũng là lúc hội nhập trở thành một xu thế tất yếu của nhân loại.

“Rũ bùn – đứng dậy – sáng lòa”

Trong một toàn cảnh của thế kỷ 20 như vậy ta mới nhận ra được cái tầm vóc vĩ đại của cái sự kiện đã gần như chia đôi cái thời gian trăm năm của thế kỷ này thành 2 mảng tối - sáng mang dấu ấn như hình tượng của nhà văn Nguyễn Đình Thi ẩn dụ “rũ bùn-đứng dậy-sáng lòa”. Đó là sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945. Bằng khoảnh khắc lịch sử này, hai chữ “Việt Nam” lần đầu tiên trong lịch sử được viết trên bản đồ thế giới như quốc danh của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Quốc gia ấy lại ra đời bằng một cuộc nổi dậy của toàn dân gắn sự nghiệp giành độc lập dân tộc với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít “đã cương quyết đứng về phe Đồng Minh”, tức là đứng trong hàng ngũ những lực lượng chiến thắng và tiến bộ trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Quốc gia ấy còn ra đời cùng với sự cáo chung của chế độ quân chủ đã từng tồn tại tự ngàn đời. Quốc gia ấy lại chọn cho mình một chế độ chính trị hiện đại phù hợp với xu thế của một thế giới hiện đại, đó là chế độ “Dân chủ - Cộng hòa”.

Thể chế chính trị ấy không chỉ là tiêu đề viết trên giấy hay nói trên miệng mà nó được hiện thực hóa bằng một quy trình hình thành một nhà nước theo đúng với nguyên lý của một nhà nước dân chủ và hiện đại: “Của dân, do dân và vì dân”. Vì nó được thành lập thông qua quyết định của một Quốc hội được nhân dân bầu ra bởi một cuộc tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu tiến hành trên cơ sở của sự bình đẳng của mọi thành phần xã hội, tôn giáo, sắc tộc và chính kiến.

Nhà nước ấy, trong lời Tuyên ngôn Độc lập của mình tự xác định là đã tiếp nối truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân loại bằng việc dẫn ra hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Nhân quyền của Pháp. Và thực sự Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam đã cổ vũ các quốc gia “nhược tiểu” và thuộc địa bước vào kỷ nguyên giải phóng...

Nhà nước ấy ngay từ đầu đã đưa ra thông điệp minh bạch về lòng mong muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với ai”, “sẵn sàng hợp tác đầu tư với tất cả mọi nước trên thế giới và tuân thủ những nguyên tắc tổ chức của Liên Hiệp Quốc” ngay vào thời điểm tổ chức quốc tế này mới thành lập.

Nền trung hưng thứ ba

Nhìn trên phương diện lịch sử, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là kết quả của một quá trình vận động lâu dài của các phong trào yêu nước kết hợp với những học thuyết của thời đại mà dòng chủ lưu là Đảng Cộng sản. Đồng thời chính những thành quả của cuộc cách mạng ấy, trong đó có cả những bài học lịch sử rút ra từ sự kiện này đã tạo nên nguồn sức mạnh cho dân tộc Việt Nam và thể chế chính trị mà nó tạo dựng có được sức mạnh làm nên những kỳ tích phi thường trong chiến tranh vệ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới diễn ra trong toàn bộ thời gian còn lại của thế kỷ 20 và đang tiếp nối trong thời hiện tại. Cho đến nay, xác định mục tiêu của công cuộc đổi mới là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” thực chất cũng là trở lại những nguyên lý cơ bản mà cuộc cách mạng cách đây 60 năm đã xác lập.

Với một nhận thức như vậy, phải chăng chúng ta có thể liên tưởng đến một cách đánh giá: Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra nền trung hưng thứ ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Và đương nhiên, nền trung hưng này gắn liền với tên tuổi của nhân vật tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam trongthếkỷ20: Hồ Chí Minh.