Dân hỏi tức là dân tín nhiệm

Ngày 9-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối thoại trực tuyến với người dân về 9 nhóm vấn đề lớn của đất nước. Đến thời điểm này, khoảng 15.000 câu hỏi đã được gửi tới Thủ tướng. Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, riêng việc người dân hưởng ứng như vậy đã chứng tỏ đây là việc làm đáp ứng được nguyện vọng, mong đợi của mọi người

. Phóng viên: Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

- TS Lê Đăng Doanh: Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện tác imgphong làm việc năng động, cụ thể, sâu sát và muốn giải quyết một cách nhanh, kịp thời những vấn đề do cuộc sống đề ra. Việc người dân hào hứng gửi câu hỏi đối thoại là biểu hiện sự tin tưởng vào một bước tiến cần hoan nghênh và sự trân trọng của người dân.

. Do thời gian có hạn, Thủ tướng không thể trả lời hết, vậy những câu hỏi còn lại, theo ông cần xử lý ra sao?

- Việc người dân nêu câu hỏi nên được đánh giá một cách tích cực, xử lý một cách trọng thị, nghiêm túc. Tôi đề nghị, ngoài câu hỏi Thủ tướng trả lời trực tiếp, nên hệ thống các câu hỏi này. Những vấn đề gì liên quan trực tiếp đến cá nhân Thủ tướng, có thể trả lời sau hoặc sẽ lồng vào các dịp Thủ tướng phát biểu ý kiến để dần dần giải đáp. Những vấn đề thuộc công việc chung của các bộ, bộ máy Nhà nước thì gửi đến các bộ trưởng và các chủ tịch UBND tỉnh.

Nên phân tích kỹ các câu hỏi và theo tôi, nên có một công trình khoa học nghiêm túc từ các câu hỏi của dân: Mình yếu ở khâu nào, vướng cái gì, khu vực thành thị và nông thôn vướng gì, tầng lớp nào? Các câu hỏi gửi qua Internet, cho nên có thể thấy rõ nông thôn tham gia vào Internet tới đâu...

. Nhiều người mong muốn việc Thủ tướng đối thoại trực tuyến sẽ là một tiền lệ để sau đó có thể làm thường xuyên hơn, mở rộng thành phần đối thoại hơn?

- Việc sử dụng công nghệ thông tin để trả lời người dân, trên thế giới nhiều nhà lãnh đạo đã làm. Đây nên được coi là bước đầu tiên, không được coi chỉ là việc làm một lần, của riêng Thủ tướng. Sau đó, dần dần tổ chức thành nền nếp, định kỳ có cuộc trao đổi và giải đáp trực tiếp với dân. Nên có định kỳ, ví dụ 2 lần/năm có cuộc trao đổi của Thủ tướng, các vị lãnh đạo khác, các bộ trưởng trong lĩnh vực của mình nên trao đổi với dân. Điều quan trọng là người dân được nói lên ý kiến của mình.

. Việc người dân gửi câu hỏi một cách hào hứng cũng chứng tỏ rằng lâu nay họ chưa có dịp để bày tỏ?

- Việc họ hưởng ứng một cách nhiệt tình như vậy chứng tỏ rằng từ trước đến nay họ chưa được nói hoặc nói ra nhưng tiếng nói của họ chưa được đáp ứng, lắng nghe. Vì vậy lần này họ hưởng ứng một cách hào hứng. Người dân hỏi và mong đợi việc trả lời chứng tỏ họ muốn xây dựng thể chế, đất nước thông qua sự tín nhiệm Thủ tướng.

Chúng ta có hai hình thức dân chủ: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Qua đây cũng chứng tỏ người dân rất mong muốn phát huy dân chủ trực tiếp của mình. Trên cơ sở đó, cũng phải xem xét lại tại sao hình thức dân chủ đại diện chưa phản ánh được đầy đủ ý kiến của người dân? Đàm phán các thỏa thuận với Mỹ về việc gia nhập WTO, chúng ta gặp trở ngại rất lớn với những vị dân biểu Hoa Kỳ: Nơi có cá basa, họ cự nự cá basa; nơi có công nghiệp dệt may, họ cự nự dệt may... Còn ở ta, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các địa phương đấu tranh để bảo hộ cái gì? Cây gì, con gì, sản phẩm gì...? Không thấy ĐBQH nào có ý kiến! Ở tỉnh này, tỉnh kia xảy ra đình công cũng ít thấy tiếng nói của các ĐBQH! Rõ ràng thể chế dân chủ đại diện (dân chủ gián tiếp) có những mặt đã làm được nhưng còn nhiều mặt phải bổ sung, tăng cường thêm.

. Cá nhân ông, ông sẽ gửi nguyện vọng gì tới Thủ tướng?

- Bên cạnh sự năng động, quyết đoán nên bổ sung thêm những công việc có tầm nhìn dài hạn và không gian rộng lớn hơn để cuối cùng phát huy mức cao nhất sức mạnh của cả dân tộc, sức sáng tạo của mỗi người. Mỗi con người sáng tạo không thể chờ Thủ tướng chỉ việc nhưng Thủ tướng có thể tạo ra khung pháp luật, sự khuyến khích, tạo ra một không gian sáng tạo và khuyến khích người ta bày tỏ ý kiến. Tôi rất mong trong nội các Chính phủ sắp tới sẽ có những gương mặt xuất sắc ngoài Đảng, những người tài năng, yêu nước muốn phụng sự dân tộc (có thể cả những người Việt Nam ở nước ngoài).

Gần dân hơn, hiểu dân hơn

. Theo ông, đây là sự đột phá của cá nhân Thủ tướng hay đã được sự vận động, chuẩn bị của cả một quá trình mà đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thời điểm chín muồi của một phong cách lãnh đạo chuyên nghiệp?

- Vận dụng công nghệ thông tin, điều này chứng tỏ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quen thuộc và tin tưởng vào Internet, có khả năng giao tiếp qua Internet.

Việc Thủ tướng đối thoại trực tuyến khiến người dân hoan nghênh như vậy làm tôi nhớ lại hình ảnh Bác Hồ. Trước đây, tôi học Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Một lần đến thăm thầy trò nhà trường, Bác đã ghé nhà ăn và nhà vệ sinh trước. Thấy để bẩn quá, Bác gọi Ban Giám hiệu đến chấn chỉnh, căn dặn rằng “các chú để bẩn quá, Bác không hài lòng” rồi quay về luôn. Sau đó, nhà trường đã phát động một đợt “bừng tỉnh dậy”, mọi người đều phải làm vệ sinh, sinh hoạt ngăn nắp... rồi báo cáo lên Bác. Một hôm khác, Bác lại đến thăm trường. Bác lại ghé nhà ăn, nhà vệ sinh trước, thấy hài lòng, Bác mới gặp và nói chuyện. Qua những người gần gũi với Bác kể lại, Bác biết những người được đến gần là được “bố trí” để nói những điều tốt cho Bác nghe. Do đó, Bác rất chủ động khi gặp dân, Bác chỉ những người đứng thật xa, đứng đằng sau; Bác biết đấy là những người muốn được nói nhưng không được đến gần.

Theo tôi, tác phong của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay là sự kế tục các tác phong của Bác Hồ trong thời đại công nghệ thông tin. Các đồng chí lãnh đạo khi đi thăm, tiếp xúc thì phải thực sự gần dân, đến với dân như Bác Hồ. Bác đã không ngại đến những nơi như thế bởi qua đó Bác biết mọi người sống như thế nào... Điều này chúng ta cần phải học, gắn với phong trào học tập hiện nay: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - học tập tác phong của Bác Hồ trong cách làm việc, trong cách suy nghĩ gần dân, trong các tôn trọng ý kiến của dân”.