Để có một khu phố văn hóa

Muốn xây dựng “khu phố văn hóa”, bên cạnh xây dựng nếp sống văn hóa, phải chống các việc làm không văn hóa ngay từ đầu. Khu phố 1 của chúng tôi đang phấn đấu trở thành một “khu phố văn hóa”. Đó là ước nguyện của nhân dân khu phố bởi ai cũng muốn được sống yên ổn, kỷ cương và trong lành. Song, để trở thành “khu phố văn hóa”, có biết bao điều đang đặt phía trước bà con khu phố.

Văn hóa - phải nghe góp ý của dân

Điều đầu tiên là, bà con chưa đồng tình về cách tổ chức xây dựng khu phố văn hóa. Cần ra mắt một ban vận động để thông báo và hướng dẫn nhân dân thực hiện các tiêu chuẩn khu phố văn hóa, song phải gọi đúng tên và phải có cách làm hợp lòng dân và có văn hóa. Khu phố chưa được công nhận là “khu phố văn hóa” thì sao đã có “ban chủ nhiệm khu phố văn hóa”? Tên gọi đúng phải là “ban vận động xây dựng khu phố văn hóa”. Nhân dân đề nghị gọi đúng tên thì lãnh đạo khu phố trả lời: Đây là quy định của quận, của phường! Cách đặt vấn đề như vậy và không chịu nghe góp ý của dân là chưa văn hóa.

Việc thứ hai là, tổ chức ra mắt ban chủ nhiệm quá rềnh ràng. Sự ra mắt này là cần thiết, song có đáng tổ chức quá tốn kém trong lúc khu phố cần tiền để giúp dân vượt qua khó khăn? Chi phí cho dựng sân khấu, thuê hệ thống phóng thanh, mời ban nhạc... và cả việc xóa mấy số điện thoại khoan cắt bê tông trên bức tường nơi làm lễ cũng tốn quá nhiều tiền. Rồi lại phải cho mỗi người dân một lon nước tăng lực... cũng khá tốn kém.

Xây dựng “khu phố văn hóa” là một việc không dễ dàng đối với khu phố chúng tôi: có chợ khá đông người, có trường học, có khu tập thể cơ quan, có nhà hàng, quán bia, lại có ngã ba các quận - nơi núp trốn của bọn tội phạm.

Điều khó khăn là phấn đấu thực hiện “ba giảm”. Song mới ra mắt ban chủ nhiệm chưa đầy tháng đã xảy ra hai vụ trộm lớn: cạy cửa vào hốt hết máy móc, đồ đạc... Ở khu phố có mấy nhà hàng, quán bia, quán nhậu, quán cà phê cá độ bóng đá. Tiếp viên và khách ra vào tấp nập, dân phản ánh với công an song các việc làm “nghi ngại” vẫn như cũ. Trong khu phố lại có hiện tượng “gái bao” thuê nhà dân, có lúc đánh lộn um sùm. Khu phố phát hiện ba trường hợp nghiệìn ma túy, báo với các cơ quan chức năng lại gặp thủ tục quá phức tạp, trì kéo. Bốn năm tháng đã đi qua và phải ba tháng nữa mới có khả năng được các cơ quan chức năng đưa các em đi cai nghiện! Ở nhà các em lại hút thêm, lôi kéo thêm bạn bè... sẽ tội cho các em và gia đình.

Văn hóa - phải công bằng và bình đẳng

Vấn đề đoàn kết trong khu phố cũng rất phức tạp. Đây là khu phố có nhiều cán bộ Nhà nước đang làm việc hoặc nghỉ hưu, song các vấn đề mâu thuẫn vẫn tồn tại. Một khu tập thể có sân chung là nơi hóng mát, đi lại của các hộ. Vậy mà nhà dưới chiếm cho thuê bán hàng, thế rồi mâu thuẫn xảy ra do chiếm đất, do quán hàng nấu nướng xông khói, xông mùi vào nhà khác. Có những hôm cuộc tranh luận, cãi nhau gây náo động cả xóm. Phường không thể giải quyết dứt điểm: trả sân chung cho tập thể thì còn cãi nhau hoài. Một ngõ phố - đã được vẽ trong quy hoạch - vậy mà một ông cấp phòng của công ty xây dựng lại chia với một người cùng xóm, chiếm mỗi ông một vài mét. Họ xây dựng thu hẹp đường quy định. Dân kêu báo với phường, song chẳng ai đụng được công ty xây dựng nhà. Bà con lo: Ông cấp phòng công ty xây dựng được lấn đường rồi ông trên ông ta cũng có thể lấn nhà dân? Điều đáng nói là công ty xây dựng nọ, công an, ủy ban phường không có biện pháp chế tài. Cái sân, cái ngõ bị lấn trước mắt dân, thì các cuộc cãi cọ, bất bình vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm sao khu phố có văn hóa được? Một cơ quan giống cây trồng gì đó có ngôi nhà ở đầu ngõ. Họ sửa sang rất đẹp cho công ty vi tính thuê vài triệu đồng/tháng, song họ tiếc của cho tiệm phở thuê cái ga-ra gỗ mục nát phía sau. Một khu phố có nhà cửa khang trang sạch đẹp, lại có một quầy phở đặt trong căn nhà tồi tàn, quần áo phơi đầy ngõ, rác rưởi đổ thành đống... Bà con đề nghị: Công ty có thể cho thuê để cải thiện đời sống cán bộ nhân viên, ủng hộ người bán phở làm ăn kiếm sống, song cơ quan giống cây trồng cho thuê nhà phải biết tôn trọng khu phố bằng cách sửa sang ga-ra cho sạch sẽ, đẹp đẽ, phải yêu cầu người thuê nhà tôn trọng văn hóa của khu phố. Dân góp ý, cơ quan cho thuê lờ. Dân báo cho phường, phường bỏ qua. Điều hành khu phố kiểu này, xây dựng nếp sống văn hóa sao nổi!?

Cần thiết thực, tránh phô trương

Khu phố có một khu tập thể, một trường cao đẳng luôn có một số thanh niên, sinh viên phóng xe bạt mạng trên đường, có lúc đã gây tai nạn cho bà con. Dẹp được hiện tượng này không chỉ là khu phố mà còn là Đảng ủy, ban giám đốc, ban quản lý khu tập thể của trường. Khu phố còn có một chợ lớn, một chợ trời,... quả là rất khó khăn, phải sắp xếp buôn bán trật tự mới mong xây dựng khu phố văn hóa.

Khu phố này có một lực lượng đảng viên đương chức khá đông và có nhiều đảng viên về hưu phần đông là cán bộ cao cấp. Ban lãnh đạo khu phố cần đưa các chỉ tiêu xây dựng khu phố văn hóa ra lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí đảng viên rồi đưa về các tổ dân phố thảo luận, đặc biệt xin ý kiến dân về biện pháp thực hiện. Dân thấy đúng, thấy cần sẽ hỗ trợ khu phố về cách làm và cả kinh phí. Khi dân chưa thông, chưa đồng tình mà kêu gọi đóng góp để làm câu lạc bộ này, trụ sở kia là không thực tế và khó được ủng hộ.

Xây dựng “khu phố văn hóa” là điều mong ước của nhân dân và bà con sẵn sàng góp sức, góp của. Điều đáng nói là ban lãnh đạo khu phố cần bàn với dân, đưa ra các công việc thiết thực, tránh phô trương lãng phí, bắt dân đóng góp để chi phí không cần thiết...

Muốn có “khu phố văn hóa”, bên cạnh xây dựng nếp sống văn hóa, phải chống các việc làm không văn hóa ngay từ đầu.