Đi tìm “chung cư mẫu”
Mấu chốt: Vấn đề cơ bản trong việc xây dựng “chung cư mẫu” là xây dựng cho được văn hóa chung cư. Công việc này cần sự trợ giúp của các nhà quản lý, nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng nhất của văn hóa chung cư là xây dựng ý thức của các hộ dân sống ở chung cư, xem chung cư là ngôi nhà lớn, trong đó có ngôi nhà nhỏ của mình...
Ngay sau khi khởi công xây dựng chung cư (CC) 20 tầng chất lượng cao phục vụ tái định cư và người thu nhập thấp tại phường 12, quận 3 - TPHCM, ngày 25-4, lãnh đạo quận 3 đi khảo sát các CC xây dựng gần đây ở TP để tìm một mô hình “CC mẫu” thật sự phù hợp. Ông Huỳnh Minh Nhật, Phó Chủ tịch UBND quận 3, nhìn nhận: “CC là xu thế giải quyết nhà ở tại các đô thị lớn như TPHCM. Chúng tôi đang đi tìm một mẫu CC tối ưu, có giá cả hợp lý, chất lượng, quản lý... để xây dựng nên một mô hình CC mẫu”.
Nhà chung cư đang có giá.- Chỉ thị 08 mới đây của UBND TP “khuyến khích phát triển nhà ở theo các dự án dạng CC cao tầng để tạo điều kiện sống ngày càng tiện lợi, văn minh”. Trước đó, từ Hội nghị Nhà ở toàn quốc lần 3, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kết luận “các đô thị phải coi việc xây dựng nhà ở CC cao tầng là chủ yếu”. Ở TPHCM vài tháng qua, người ta ào ào lùng mua nhà CC, khiến nó trở nên khan hiếm bất thường. Có vẻ như tâm lý “người nghèo mới ở CC” đã dần dần bị xóa bỏ.
Nhà CC thật sự đang có giá. Song, giá cả nhà CC tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá gốc như hiện nay là điều khó chấp nhận. Khi chúng tôi thử hỏi mua một căn hộ tầng trệt lô A, CC 43 Hồ Văn Huê - Q. Phú Nhuận, chủ nhà chắc giá 200 cây vàng (hơn 1 tỉ đồng)! Một căn hộ ở tít tầng 17 CC 18 tầng Miếu Nổi - Q. Bình Thạnh, cũng hét giá trên 300 triệu đồng. Tại CC Gò Dầu 1 - Q. Tân Bình, vợ chồng ông Tư Du sau khi nghe giá căn hộ định mua ở tầng 5 trên 60 cây vàng, lắc đầu rầu rĩ, nói với chúng tôi: “Vốn liếng tụi tui chỉ sem sem 200 triệu, cứ tưởng dư sức kiếm nhà CC. Trước đây có chừng trăm triệu là đủ để ra vùng ven mua đất nông nghiệp cất nhà, nhưng tui không dám làm liều, giờ chẳng biết tìm đâu ra chỗ ở...”.
Nhiều người đang ở nhà CC khẳng định, giá cả vừa phải là điều tiên quyết khi họ lựa chọn ở CC. Ông Trần Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết tại khu Đồng Diều của quận có 320 căn hộ CC đang xây với giá 120 triệu đồng/căn trở lên, người mua được trả trước một nửa, còn lại trả chậm, trả góp. Giá gốc của nhiều căn hộ CC trong chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây cũng chỉ trên dưới 100 triệu đồng. Theo chúng tôi, giá cả như vậy là phù hợp với nhiều người có nhu cầu nhà ở hiện nay tại TP.
Nỗi khổ chung cư.- Đến căn hộ tầng 4 lô C - CC Rạch Miễu - Q. Phú Nhuận, chúng tôi thấy chủ nhà Nguyễn Văn Hiếu đang lui cui cùng nhóm thợ đập sửa lại nhà tắm. Anh làu bàu: “Nhà tắm gì bé xíu như cái hộp quẹt, làm mất giá trị cả căn hộ. Diện tích thì nhỏ (đa số dưới 50m2) lại trống hoác, không phân chia phòng, tui phải ngăn thêm phòng ngủ, phòng khách”. Hầu như ai mua nhà CC cũng đều phải sửa chữa, cơi nới thêm, sửa chữa khu vực bếp... Trước đây, hàng chục hộ diện tái định cư không chịu nhận nhà ở CC Miếu Nổi - Q. Bình Thạnh, chỉ vì chê thiết kế xấu, không phù hợp. Ngày 24-4, một số hộ dân ngụ lô Q, R, S - CC Nguyễn Kim, Q.10 gởi thư đến Báo NLĐ, bộc bạch: “Ông bà ta có câu “An cư mới lạc nghiệp”, song chất lượng của nhiều CC khiến người dân khó lòng an cư được. Đơn cử như mẫu thiết kế chung cư khá phổ biến vừa qua là cầu thang, hành lang đi từ sau nhà lên. “Đi cửa sau” là điều tối kỵ với nhiều người”. Người VN vốn sống kín đáo, song nhiều CC hệt như các dãy nhà tập thể, khiến nhiều người khi nhận nhà CC phải làm rào bảo vệ, làm lại cửa sắt như ở CC Huỳnh Văn Chính, Tân Hương - Q. Tân Bình, Sư Vạn Hạnh - Q.5... Đó là chưa kể chuyện điện và nước - hai nỗi “sợ hãi” nhất của người ở CC: tiền điện, nước đều phải đóng cao hơn bình thường nhưng lại hay bị cúp điện, hoặc nước yếu.
Hiện tại, ở TPHCM khó tìm được một CC tương đối hoàn hảo về thiết kế, chất lượng, địa điểm. Khảo sát của cơ quan chức năng ở 33 CC trong chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thì có đến 7 CC chất lượng kém, còn lại đều có vấn đề: Xuống cấp, thiếu điện, nước sinh hoạt, thiếu hệ thống chữa cháy, thoát hiểm... Nhiều CC, như CC Sư Vạn Hạnh, không có bãi giữ xe ô tô, khiến nhiều xe, cả taxi chờ khách, đậu tràn lan lấn chiếm lối đi, cản trở sinh hoạt tập thể. Phần lớn các CC đều thiếu một khu vực công cộng. Do đó, trẻ em không có chỗ sinh hoạt vui chơi; đám ma, đám cưới cũng vô cùng bất tiện. Chúng tôi đến CC Bình Trưng Đông - Q.2, chỉ thấy lèo tèo vài hộ cư ngụ, hỏi ra mới biết do địa điểm không phù hợp.
Có một chung cư mẫu?.- Đến CC 41 bis Điện Biên Phủ - Q. Bình Thạnh, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là... ước gì mình sở hữu một căn hộ tại đây! Kiểu dáng thiết kế CC này khá hiện đại, cảnh quan đẹp, thoáng đãng. CC cao 10 tầng, nhìn ra sông Sài Gòn. Kết cấu 4 căn hộ chung một cầu thang nên ít người sinh hoạt chung, giữ được sự kín đáo cần thiết, vừa vệ sinh, yên tĩnh. Chủ một căn hộ tại tầng 3 cho biết: “Trước đây, khi xây dựng xong phần thô, chủ đầu tư mời người đăng ký mua nhà đến, hỏi ý kiến sẽ tiếp tục xây, trang trí như thế nào. Do vậy, khi nhận nhà vào ở, chúng tôi không còn phải sửa chữa gì nữa”. Chủ đầu tư còn để lại người quản lý, bảo trì nên mọi trục trặc về điện, nước, chất lượng công trình... đều được kịp thời giải quyết. Vấn đề quan trọng để CC này được sạch đẹp là ý thức văn hóa CC của các hộ sống ở đây. Dù chưa phải là mô hình mẫu CC, nhưng CC này cũng cần được nghiên cứu để xây dựng một mô hình “CC mẫu”.
Văn hóa chung cư.- Ở các CC phục vụ tái định cư giải tỏa các khu nhà lụp xụp để chỉnh trang đô thị như Nhiêu Lộc A, B, C, Tân Hương, Huỳnh Văn Chính, Miếu Nổi, Đinh Bộ Lĩnh..., phổ biến là cảnh nhếch nhác, sinh hoạt bừa bãi, ồn ào, mất vệ sinh. Ở CC Huỳnh Văn Chính, chúng tôi có cảm tưởng mỗi hộ chỉ biết phần mình, mặc sức xả rác ra hành lang, ra ống nhận rác; mặc sức mở karaoke, mở nhạc hay ăn nhậu la hét ầm ĩ; mặc sức lấn chiếm các khu vực công cộng để buôn bán, sinh hoạt riêng... Có CC còn là điểm nóng về ma túy, cờ bạc như mặt sau lô A - CC Miếu Nổi. Ngược lại, ở các CC có nhiều công nhân viên chức cư ngụ hoặc CC có ban quản lý điều hành mạnh, như CC 675 Nguyễn Kiệm, Xóm Cải, 43 Hồ Văn Huê, Gò Dầu 1..., rất sạch đẹp, trật tự. Theo ông Hồ Quang Toàn, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP, một nông dân, một thị dân nghèo buôn gánh bán bưng, lao động phổ thông, đột nhiên vào ở nhà CC thì khó mà thích nghi ngay được, bởi ở CC dễ mà khó, vì phải có văn hóa CC.
CC Xóm Cải - quận 5, cũng là CC tái định cư các hộ dân ở nhà lụp xụp, ổ chuột, song lại là điểm tham quan, tìm hiểu quen thuộc của nhiều nơi trước khi dự định sẽ xây CC ở địa phương mình. Ông Hồ Kiếm Hoa ngụ tầng 4, kể: “Khi mới vào ở, CC này cũng có tình trạng nhiều người thưa kiện nhau về việc tự cơi nới lấn chiếm khoảng không gian chung, việc ăn ở mất vệ sinh..., không có tình đoàn kết, giúp đỡ nhau. Giờ thì tốt lắm rồi!”. Ban quản trị (gồm 5 người và 20 ban điều hành tổ dân phố) đã từng bước xây dựng CC Xóm Cải thành CC văn hóa: Tham gia trên diện rộng và sâu các phong trào “Xanh, sạch, đẹp”, “Nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết...”. Năm 1999, CC Xóm Cải đăng ký xây dựng CC văn hóa. Đến nay, CC này đã khá sạch đẹp, yên tĩnh, không có tệ nạn, an ninh trật tự, những hộ dân quan tâm đến nhau nhiều hơn. Một vị trong ban quản trị CC Xóm Cải tiết lộ: “Chúng tôi cố gắng xây dựng một nếp sống văn hóa CC. Người dân ở đây phải có ý thức xem CC như là ngôi nhà chung và hộ gia đình mình là bộ phận hợp thành, có những nghĩa vụ và nguyên tắc phải tôn trọng”.
Xóa bỏ cách nghĩ mỗi hộ phải có nhà riêng Theo thống kê của Sở Địa chính - Nhà đất TPHCM, mỗi năm người dân TP cần khoảng 200.000 căn hộ, nhưng với mức phát triển dự án nhà phố như hiện nay sẽ khó lòng giải quyết mức cầu này. TP cần phải xây dựng CC là việc làm hết sức bức thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng CC như thế nào và đối tượng ở là ai, cần phải xem xét cẩn thận. Thực tế hiện nay, đa phần người muốn ở CC là các đối tượng có thu nhập ổn định (cán bộ công nhân viên, thầy cô giáo...). Theo tôi, để thu hút người dân vào ở CC, cần có những bước chuyển phù hợp theo từng giai đoạn nhất định, đảm bảo sự thích nghi về cách sống của người dân đô thị hiện đại. Chất lượng CC cần đảm bảo khá trở lên và thiết kế căn hộ phải mang tính hiện đại, nhưng giá không vượt quá tầm tay người dân có thu nhập trung bình. Nhưng trên hết là xóa bỏ cách nghĩ mỗi hộ có căn nhà riêng và chung cư chỉ dành cho người thu nhập thấp, vì thực tế chỉ có CC xây cho người có thu nhập thấp, chứ không có CC người ở thu nhập thấp.
Ông HỒ QUANG TOÀN, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM:
Anh IM WHAN SUN (Hàn Quốc) - sinh viên cao học Khoa Lịch sử Chung cư ở Hàn Quốc rất tiện ích Người đã ở Việt Nam 6 năm đưa ý kiến nhận xét về cuộc sống CC ở Việt Nam so với Hàn Quốc: “Ở Hàn Quốc chúng tôi, CC đa số dành cho đối tượng trung lưu được bố trí ở nơi rất yên tĩnh, đủ các tiện nghi về thông tin liên lạc cũng như đi lại rất thuận tiện. CC ở Hàn Quốc có hệ thống thang máy hoàn chỉnh,không như ở Việt |
Mô hình “chung cư mẫu” Theo ông Đỗ Đình Hoàng, Giám đốc bộ phận kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh, một “CC mẫu” để phù hợp với đa số người có nhu cầu nhà ở hiện nay tại TP, cần ba yếu tố chính: . Giá cả vừa tầm tay: Hiện chia đối tượng thu nhập cần ở CC theo phân khúc thị trường. Đối với đối tượng có thu nhập thấp thì giá CC nên từ 1,3-1,6 triệu đồng/m2; cán bộ công nhân viên từ 1,8 - 3,2 triệu đồng/m2; người có thu nhập cao từ 5-8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện đối tượng cần nhà CC là người có thu nhập ổn định với mức trung bình hoặc thấp, do đó giá từ 120 triệu đến 180 triệu đồng một căn hộ là hợp lý. . Chất lượng đảm bảo: Thiết kế phải hiện đại, diện tích một căn hộ cần khoảng 70 - 80m2, phân chia hợp lý phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, toilet. Càng ít hộ sử dụng cầu thang chung càng tốt. Nên có chỗ để trẻ vui chơi, tổ chức đám tiệc, tang ma. Điện, nước sinh hoạt cũng cần phải được đáp ứng đủ. . Quản lý điều hành khoa học: Phải xây dựng cho các hộ dân ở CC một nền tảng văn hóa CC: Khái niệm văn hóa CC cũng phải được các nhà nghiên cứu xây dựng để phổ biến. |