Dịch sâu róm kéo dài sẽ có dịch bướm

KHOA HỌC.- Hiện nay tình trạng sâu róm xuất hiện với mật độ dày đặc ở Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng), gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Nhà côn trùng học Trần Phi Hùng, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, nói về nạn dịch sâu róm

img Phóng viên: Thưa ông, nguyên nhân nào đã dẫn đến sự xuất hiện bất thường của sâu róm ở Lâm Đồng?

- Nhà côn trùng học Trần Phi Hùng: Thông thường, bắt đầu mùa mưa là thời kỳ thích hợp cho sự ra đời của sâu róm. Tuy nhiên, năm nay hiện tượng đó trở nên bất thường ở chỗ sâu róm xuất hiện với mật độ dày đặc. Nguyên nhân là do thời tiết  bất thường. Mùa khô năm nay kéo quá dài, thời tiết nóng hanh không đủ ẩm độ cho trứng bướm hóa sâu. Do vậy, trứng bướm không thể nở mà phải sống  tiềm ẩn với thời gian kéo dài kỷ lục là 1 năm. Cứ thế, trứng bướm của lứa chưa nở cộng với những lứa sau tiếp tục đẻ dồn. Vừa qua có mưa, độ ẩm tăng.  Khi mưa đến lộc non của cây bắt đầu đâm chồi. Gặp điều kiện thích hợp trứng đồng loạt nở.

Những con sâu này đang trong thời kỳ chuẩn bị hóa nhộng thành bướm theo chu kỳ sự sống tự nhiên. Do vậy, chúng tràn vào nhà dân để tìm nơi kín đáo an toàn hóa nhộng.

Qua mô tả, những con sâu trên là tiền thân của loài bướm đêm, còn gọi là bướm ngài, chỉ hoạt động mạnh vào ban đêm, ăn những loại cây rừng, không gây hại cho cây trồng. Trên thân chúng có những gai nhọn có độc, nhưng không quá độc đối với con người (ngoại trừ gai bay vào mắt gây nguy hiểm). Những lông gai chạm vào da, làm nổi mẩn đỏ, ngứa.  Trường hợp ngứa ngáy có thể mua  pôm - mát  để  xoa hoặc uống thuốc chống dị ứng.

img Vậy, có cách nào để diệt hết số sâu đang hoành hành trong dân ở Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng)?

-    Biện pháp trước mắt để giải quyết chúng chỉ có hai cách là phun các loại thuốc trừ sâu hoặc thu gom chúng lại rồi đốt. Phun thuốc trừ sâu phải chú ý đến môi trường sống của con người và cây trồng. Tôi khuyến khích biện pháp người dân thu  gom lại rồi đốt.

img Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp nhất thời, ông có đề xuất gì để ngăn ngừa hiện tượng bất thường trên tái diễn?

- Để xảy ra tình hình  trên là do ngành bảo vệ thực vật không theo dõi sát tình hình phát triển thất thường của  côn trùng, sâu rầy. Tôi cho rằng những  hiện tượng bất thường như trên    hoàn toàn có thể dự báo trước được. Các nhà chuyên môn có thể xem mật độ trứng sâu, phân thải của chúng ở các gốc cây là có thể dự báo được sự tăng trưởng thất thường của chúng. Nếu còn để tình trạng này kéo dài, tình hình dịch bướm phá hoại mùa màng  xảy ra trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.