Điểm hẹn mới trên quê lúa
Lễ mít-tinh lớn sáng nay (29-6) tại TP mới Thái Bình diễn ra trong không khí náo nức của những ngày hội lớn: Kỷ niệm 50 năm giải phóng TX Thái Bình và đón nhận nghị định của Chính phủ về thành lập thành phố Thái Bình, mở ra cho "tỉnh lúa" bước phát triển mới trên con đường CNH-HĐH, hoà nhập với sự phát triển chung của cả nước.
Sự "thoát xác" kỳ diệu
Theo sử sách còn truyền lại thì TX Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng. Người dân TP.Thái Bình vẫn còn nhớ rõ về vùng đất nằm bên hữu sông Trà Lý một thời mang tên Kỳ Bố Hải Khẩu - một vùng trọng yếu về địa kinh tế, quân sự, chính trị, văn hoá nổi tiếng, từng in đậm những tên đất, tên người trên các trang sử của dân tộc
Nằm gọn trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, từ khi cầu Tân Đệ và quốc lộ 10 được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Thái Bình đã phá thế ốc đảo và tạo ra nhịp độ phát triển mới. Từ một đô thị loại 4 nghèo nàn với diện tích chưa đầy 100ha và dân số gần 4.000 người, đến nay TP. Thái Bình đã mở rộng diện tích ra 4.330ha, dân số hơn 143.000 người. Năm 2003, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TP đạt gần 100 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 12%; thu nhập bình quân theo đầu người 7,2 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực: Công nghiệp chiếm 32,9% (tăng 19,2%); dịch vụ thương mại chiếm 58,4% (tăng 13,1%); nông nghiệp chiếm 8,7% (giảm 2%).
Trên địa bàn TP đã hình thành được 3 KCN tập trung (Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Tiền Phong) với tổng giá trị là 106,34 tỉ đồng. Đến nay, đã có 57 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 27 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 2.057 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động. Đi liền với sự phát triển của các KCN tập trung, các khu dân cư đô thị mới như Trần Hưng Đạo, Kỳ Bá, Hoàng Diệu… đã và đang được hình thành theo tiêu chuẩn và quy mô hiện đại.
Ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND TP khẳng định: "Có được sự đổi thay to lớn đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nói chung và TP.Thái Bình nói riêng. Từ trong nghèo đói những khó khăn do điều kiện đặc thù về địa lý và phân bố dân cư, người dân TX Thái Bình (trước đây) đang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...".
Điểm hẹn mới trên quê lúa
Là một người đã gắn bó với TP.Thái Bình hơn 60 năm nay, chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm, cụ Nguyễn Thị Bàng (82 tuổi) - tổ 14 phường Bồ Xuyên đã không giấu nổi xúc động bộc bạch: "Tôi đã từng sống qua nhiều chế độ, hôm nay được chứng kiến sự "thay da, đổi thịt" của quê hương mình. Đó thực sự là niềm tự hào và ước muốn lớn của đời tôi và thế hệ chúng tôi. Chỉ mong rằng sẽ được sống lâu hơn nữa để được chứng kiến thêm những kỳ tích mà lớp trẻ hôm nay đang gây dựng...".
Một ngày trước khi diễn ra sự kiện trọng đại trên (28.6), công trình chợ Bo - một công trình mang đậm dấu ấn văn hoá, có chiều dài gắn liền với lịch sử và con người Thái Bình - đã được cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng với tổng số vốn đầu tư là tỉ đồng trên diện tích 16.623m2. Việc hình thành trung tâm buôn bán, thương mại lớn nhất của TP.Thái Bình đã tạo nên sự thay đổi và diện mạo mới trong khu vực trung tâm TP, góp phần đẩy nhanh các hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
Tỉnh Thái Bình đã đầu tư hàng chục tỉ đồng trải nhựa các tuyến phố, xây dựng mới hoàn toàn vỉa hè, điện chiếu sáng và hệ thống cây xanh được bố trí xen kẽ trên hè phố, trong các khu công nghiệp và khu đô thị mới. Bên cạnh đó là các dự án đầu tư xây dựng 2 công viên Kỳ Bá và Hoàng Diệu, sân vận động 3 vạn chỗ ngồi, bể bơi có mái che, sân quần vợt, nhà thi đấu đa năng... phục vụ tối đa các nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
TP.Thái Bình - TP trẻ giữa lòng quê lúa đang dần hoàn thiện với dáng vóc văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh, đang phấn đấu là điểm hẹn, điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước.