Điểm tựa của kiều bào
Tấm lòng Ôm cả non sông, mọi kiếp người của Bác Hồ đã được kiều bào đón nhận với tấm lòng trân trọng, yêu mến
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vai trò, vị trí của dân tộc. Trong đó, có vai trò, vị trí quan trọng của các dân tộc thiểu số trong quá trình dựng nước, giữ nước ở VN. Tại hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” vừa được tổ chức ở Hà Nội, nhiều tham luận đã làm nổi bật giá trị tư tưởng này.
Bác Hồ thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1952). Ảnh: TƯ LIỆU
Dân tộc thiểu số là bộ phận rất quan trọng
Bác tâm niệm: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường, Mán, Gia Rai, Ê đê, Xê đăng, Bana và các dân tộc khác đều là con cháu VN, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Bác thường xuyên nhắc nhở phải tăng cường đoàn kết dân tộc: “Chúng ta quyết chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Tại hội thảo, TS Vũ Trường Giang, Học viện Chính trị- Hành chính khu vực I, nhận định: Trong tư tưởng của Bác, hệ thống quan điểm về các dân tộc thiểu số là một bộ phận rất quan trọng. Thấu hiểu cuộc sống cơ hàn của các dân tộc thiểu số, Bác đã đề ra những phương hướng nhằm giúp đồng bào có được đời sống tốt đẹp hơn, để không tạo ra sự cách biệt quá lớn giữa thành thị với các khu vực.
Lúc đương thời, Bác đã có cái nhìn sâu xa về việc chặt phá rừng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sớm đưa ra cảnh báo: “Cần chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.
Không chỉ đưa ra phương hướng nâng cao đời sống vật chất, Bác còn quan tâm đến đời sống tinh thần cho bà con dân tộc thiểu số như phát triển giáo dục, khôi phục và xây dựng hệ thống chữ viết cho các dân tộc Thái, Mông. Bên cạnh đó, Bác cũng rất quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng, sao cho “anh em tự quản lý lấy công việc của địa phương, chứ không phải là bao biện, làm thay”.
Trong khi đó, Bác luôn căn dặn cán bộ người Kinh phải tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số để “khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh...”.
Một lòng theo tiếng gọi của Bác
Tấm lòng Ôm cả non sông, mọi kiếp người (thơ Tố Hữu) của Bác đã được kiều bào đón nhận với tấm lòng trân trọng, yêu mến. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Việt kiều tại Campuchia, xúc động: Bác Hồ luôn quan tâm đến đồng bào VN ở nước ngoài. Vì vậy, để hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Việt kiều ở Campuchia đã chung góp tiền bạc gửi vào chiến khu, vận động cho con em tham gia cách mạng. Các hoạt động của kiều bào ở Campuchia nhiều khi lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo, bị tù tội, tra tấn nhưng bà con vẫn một lòng đi theo tiếng gọi cứu nước của Bác.
Theo bà Nguyệt, tấm gương vì dân, vì nước của Bác đã trở thành điểm tựa cho kiều bào: “Bác Hồ đã trải qua bao gian nan, thử thách, hy sinh cả đời mình cho dân, cho nước. Nhớ đến Bác, chúng tôi không hề chùn bước. Những lúc khó khăn, khi nhắc đến Bác Hồ, chúng tôi không còn quản ngại gian khổ mặc dù chúng tôi chỉ thấy Người trên sách báo, nghe lời Người qua làn sóng đài phát thanh”.
Bà Nguyệt kể lại: “Tại Campuchia, cứ đến ngày 2-9 hằng năm, bà con Việt kiều lại lập bàn thờ Tổ quốc, ai có hình Bác thì đặt lên bàn thờ, ai không có thì viết hai chữ Tổ quốc rồi trang trọng đặt lên đó. Chúng tôi rất tự hào và hãnh diện vì đất nước ta có Bác. Chúng tôi là những người con xa Tổ quốc, sẽ quyết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đấu tranh cho các nước thuộc địa Tại hội thảo, nhiều tham luận cũng làm rõ hơn sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bà con Việt kiều trong quá trình Bác bôn ba ở nước ngoài. Trong quãng thời gian đó, Bác Hồ đã tham gia Công đoàn Lao động Hải ngoại ở Anh, làm thuê và sinh sống tại khu Harlem (nơi tập trung người da đen tại Mỹ) nhưng ở đâu, Người cũng quan tâm đến đời sống của người VN đang sinh sống ở đó. Để cho mọi người hiểu được cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Người viết bài báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa, tranh thủ các diễn đàn, mít tinh để tuyên truyền cho cách mạng VN. Qua các hoạt động của mình, Người trở thành một trong những đại biểu xuất sắc của phong trào các dân tộc thuộc địa trên đất Pháp. |