Điện Biên Phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Pháp
Sáng 7-5, TT Jacques Chirac chủ trì buổi lễ kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ tại điện Invalides, thánh địa của quân đội Pháp, nơi đặt mộ Napoléon và có Bảo tàng Lịch sử quân đội
Có một yếu tố “nữ tính” ở trận địa Điện Biên Phủ phía quân đội Pháp. Các cứ điểm quan trọng đều mang tên phụ nữ: Claudine, Huguette... Và nhân vật nổi bật nhất trong dịp kỷ niệm năm nay là nữ y tá Geneviève de Galard, người phụ nữ duy nhất có mặt tại trận đánh bên cạnh những người lính Pháp ngày Điện Biên Phủ thất thủ.
“Thiên thần của Điện Biên Phủ”.- Đó là mệnh danh của chính Geneviève de Galard. Sau rất nhiều do dự, cuối cùng năm nay, nữ y tá năm xưa, nay đã 79 tuổi, mới quyết định cho xuất bản quyển sách ghi lại những ngày của mình ở Điện Biên Phủ đó. Đến Việt Nam từ năm 1953 với tư cách lính không quân, ngày 28-3-1954, khi đó 29 tuổi, bà đến Điện Biên Phủ với nhiệm vụ chuyển thương binh Pháp về tuyến sau. Sau khi thất bại, bà bị bắt làm tù binh.
Với tất cả thương binh Pháp hồi đó, Geneviève quả thật “vừa là người mẹ, vừa là người em, vừa là người bạn”. Sự có mặt của cô gái trẻ dịu dàng nhưng kiên quyết đó là một an ủi về tinh thần rất lớn với cả một đội quân sắp phải đối mặt với thất bại lớn. Cuối tháng 4-1954, cô y tá được tướng De Castries trao Bắc đẩu bội tinh ngay dưới chiến hào với lời tuyên dương: Cô là người đã “khơi gợi sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người vì lòng can đảm, bình tĩnh và sự tận tâm vui tươi.” De Galard chính là người phụ nữ Pháp đầu tiên được nhận huân chương cao quý này.
Sau Điện Biên Phủ, Geneviève de Galard trở nên nổi tiếng ở Pháp, bà thậm chí còn được TT Mỹ Eisenhower đón tiếp như một nữ anh hùng, được Nghị viện Mỹ hoan nghênh và được Broadway trọng thể tôn vinh.
Bà đã gửi cuốn sách của mình, Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ cho TT Chirac, ông đã viết thư trả lời cảm ơn: “Trái tim nhân ái của bà khiến người ta phải ngưỡng mộ và kính trọng”. Sáng 7-5, tại Điện Invalides, một lần nữa bà được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý, lần này từ đích thân TT Pháp.
Âm hưởng của một sự kiện tầm vóc.- Liên tục trong ngày 7-5, các kênh truyền hình và phát thanh của Pháp đưa tin về lễ kỷ niệm Điện Biên Phủ. Rất nhiều nhân chứng được mời kể lại kỷ niệm của mình về những ngày đáng nhớ đó.
Thính giả của Đài Phát thanh Pháp được nghe tướng Marcel Bigeard kể lại kinh nghiệm chiến trường của mình tại Điện Biên Phủ, khi đó ông còn là trung tá. Điện Biên Phủ ghi dấu ấn lớn lên quân nhân chuyên nghiệp này, ông còn giữ nguyên những ấn tượng của trận đánh, dù sau này đã qua nhiều cuộc chiến khác.
Nhà làm phim Pierre Schoendoerffer nhảy dù xuống “chảo lửa” năm 26 tuổi. Khi đó ông là một quân nhân chuyên nghiệp, kiêm quay phim. “Tôi là nhân chứng của trận chiến đó”, ông nói trên đài phát thanh, những ấn tượng đó khiến sau này ông quay trở lại làm bộ phim Điện Biên Phủ nổi tiếng, đợt này cũng được chiếu lại trên truyền hình Pháp. Ngày 7-5 ông cũng thuộc khoảng 20 cựu chiến binh Điện Biên Phủ được TT Pháp gắn huy chương.
Tại buổi lễ, TT Pháp Chirac đọc bài diễn văn trọng thể với sự có mặt của Michèle Alliot-Marie, Bộ trưởng Quốc phòng, Hamlaoui Mekachera, bộ trưởng phụ trách vấn đề cựu chiến binh, đại diện của Việt Nam và đông đảo cựu chiến binh trong đó có tướng Datin, một sĩ quan dù vào năm 1954, cũng được trao huân chương đợt này.
Nhận định chung của báo chí và người Pháp là Điện Biên Phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Pháp, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp. Thất bại đó cũng khiến chính phủ của Laniel đổ vào năm 1954, nhường quyền cho
Ngày 7-5, người ta có thể nghe được bài hát Hò kéo pháo trên đài RFI kèm với những âm thanh trực tiếp từ Điện Biên ngày hội, xem bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ, các sự kiện một cuộc chiến bị lãng quên của Peter Hercombe trên đài France 2, đọc bài báo dài về lòng chảo Điện Biên trên tờ Le Figaro, xem hình ảnh buổi lễ tại Điện Biên trên đài TF1... Cũng dịp này, nhiều cuốn sách quan trọng được xuất bản, trong đó có Điện Biên Phủ của Pierre Pellissier, Những lời nói Điện Biên Phủ, nhân chứng kể chuyện của hai giáo sư Pierre Journoud và Hugues Tertrais, Những bức thư Điện Biên Phủ của Guy Leonetti, hay Những đồng lúa đau đớn, 1945-1954, những người lính Pháp ở Đông Dương của Raphael Delpard...
Sự có mặt của Alexandra Kerry, con gái ứng cử viên TT Mỹ John Kerry tại Pháp cũng gây chú ý lớn. Cô đến Cannes để giới thiệu bộ phim ngắn của mình, The Last Full Measure, kể về những di hại của cuộc chiến tranh lên một gia đình người Mỹ. Ở Chaumont, vùng Haute-Marne cũng tổ chức một buổi lễ kỷ niệm cuộc chiến, với sự hỗ trợ của Anai, Hội Cựu chiến binh và bạn của Đông Dương quốc gia. Vùng này đã mất 130 người con tại Đông Dương từ 1945 đến 1954. Một loạt 8 cuộc hội thảo về Điện Biên Phủ và Việt