Đoạn trường đi tìm người phát ngôn !

LTS: Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành ngày 28-5-2007 đã tạo nhiều thuận lợi cho báo chí hoạt động, song nhiều nơi đã áp dụng rất máy móc khiến báo chí gặp không ít khó khăn. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng VN, xin thuật lại những mẩu chuyện tìm người phát ngôn của phóng viên Báo NLĐ để độc giả rõ hơn quá trình tác nghiệp vất vả của nhà báo

Từ khi có Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cánh phóng viên chúng tôi tác nghiệp gặp không ít thuận lợi: Thông tin quy về một mối, người cung cấp được quy định rõ ràng...

Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã rất cứng nhắc khi áp dụng quy chế này, khiến không ít nhà báo phải chạy nháo nhào mỗi khi cần tìm gặp người phát ngôn (NPN).

img

Lễ động thổ xây dựng Hải Thượng Y Viện. Báo chí đã rất khó khăn khi đi tìm người phát ngôn ở địa phương để tìm hiểu thông tin dự án này. Ảnh: N. THẠNH


Không dám qua mặt!


Cách nay không lâu, dư luận tại TPHCM xôn xao về lễ động thổ dự án Hải Thượng y viện rình rang tại một huyện ngoại thành TPHCM. Dự án tầm cỡ quốc tế này thực chất là một dự án “ma”, vì không được cơ quan chức năng cấp phép. Ngay lập tức, chính quyền TP vào cuộc, giao cho lãnh đạo huyện ngoại thành này kiểm tra vụ việc và xử lý người đứng ra tổ chức buổi động thổ.


Chúng tôi đã phải liên lạc năm lần bảy lượt mới tìm được người có thẩm quyền - phó chủ tịch huyện phụ trách quản lý đô thị- để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, mới nghe chúng tôi nhắc đến dự án “ma” này, vị phó chủ tịch huyện từ chối ngay: “Anh hỏi NPN là chủ tịch huyện, chứ tôi không có quyền trả lời”.

Chúng tôi bèn liên lạc với chủ tịch huyện. Ông ta giải thích rõ: “Về vụ việc này, tôi đã cử phó chủ tịch phụ trách quản lý đô thị là NPN, cần thông tin gì cứ gặp anh ta!”.

Chúng tôi đành quay lại tìm gặp vị phó chủ tịch. Đến lúc này, ông ta mới cung cấp thông tin, song không quên biện bạch: “Trước giờ, NPN của huyện là chủ tịch, tôi đâu dám qua mặt!”.


Mới đây, khi liên hệ tìm hiểu về chuyện gắn điện kế chui tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn – TPHCM, chúng tôi tìm người có trách nhiệm ở đây là phó chủ tịch UBND xã, song vị này bận họp.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi đến gặp trưởng công an xã để hỏi về việc cấp giấy tạm trú (có giấy này thì việc gắn điện kế chui mới trót lọt). Trưởng công an xã một mực bảo chúng tôi phải gặp phó chủ tịch xã trước, nếu không thì ông ta nhất định không tiếp chuyện.

Chúng tôi đành gọi điện thoại cho phó chủ tịch xã để nhờ ông “chỉ đạo” trưởng công an xã và nhận được lời hứa hẹn sẽ giúp. Thế nhưng, chờ mãi mà chẳng thấy động tĩnh gì, chúng tôi gọi điện lại cho vị phó chủ tịch xã thì ông đã... tắt điện thoại!

Bức xúc, chúng tôi tìm trưởng công an xã, chất vấn: “Tại sao tôi phải gặp phó chủ tịch xã trước rồi mới được gặp anh, trong khi hai vấn đề hoàn toàn chẳng liên quan gì nhau?”. Vị trưởng công an xã thủng thẳng: “Đành rằng chẳng liên quan gì với nhau, nhưng vẫn phải gặp phó chủ tịch xã trước đã”!


Chuyện không đáng cũng chờ NPN


Trước tình hình tranh chấp liên quan đến việc mua bán suất tái định cư xảy ra phổ biến ở một phường của quận 2 - TPHCM, đầu tháng 3-2009, chúng tôi đến phường này tìm hiểu. Hỏi thăm người nắm rõ vụ việc, chúng tôi được giới thiệu một vị phó chủ tịch phường.

Chờ khoảng một giờ, chúng tôi mới gặp được vị này, liền trình bày nội dung cần trao đổi, song lập tức cụt hứng khi nghe ông ta thẳng thừng: “Phường không được phát ngôn gì cả! NPN là chánh văn phòng UBND quận”.

Chúng tôi thuyết phục: “Chuyện có đáng gì đâu anh, ai cũng biết rồi mà... ”. Ông ta  lạnh lùng đưa quyết định của quận ban hành về việc phân công NPN, phán: “Quy định vậy rồi, chúng tôi phải làm theo”.

Không thuyết phục được, chúng tôi bèn gọi cho chánh văn phòng UBND quận. Ông này lại hẹn: “Thông cảm, tôi đang đi công tác, có gì gặp sau nhé”. Làm báo thời sự, đòi hỏi thông tin phải nóng, vậy mà cứ chờ đợi để gặp được NPN kiểu này có nước bị bạn đọc tẩy chay ngay!


Mới đây, khi đi thực tế để thực hiện bài viết về một dự án xây cầu, chúng tôi được trưởng phòng tổ chức – hành chính, NPN của một khu quản lý giao thông đô thị, cử một chuyên viên dự án dẫn đến công trường.

Anh chuyên viên cắm cúi dẫn chúng tôi đi loanh quanh công trường. Chúng tôi tìm hiểu vài thông tin “không chết ai” về dự án, như: cầu dài bao nhiêu, vốn đầu tư thế nào, thi công bao giờ xong..., song anh ta chỉ cười trừ, bảo: “Có gì về hỏi NPN là trưởng phòng tổ chức - hành chính nhé”!


Sao lại lên đây?


Mới đây, ngày 10-6, từ thông tin bạn đọc cung cấp về tình hình trộm cắp gia tăng tại các khu dân cư, chúng tôi đến phường H., quận Thủ Đức - TPHCM để tìm hiểu.

Sau khi đi thực tế ở nhà một số người dân, chúng tôi tìm đến nhà khu phố trưởng để hỏi thêm tình hình. Bà trưởng khu phố hỏi ngay: “Anh đến đây có giấy giới thiệu của UBND phường không? Bây giờ khu phố muốn nói gì với báo chí phải được UBND phường đồng ý”.

Thuyết phục mãi không xong, chúng tôi đành đến UBND phường. Khổ nỗi, khi gặp lãnh đạo phường thì vị này nhăn nhó: “Chuyện chỉ có thế sao lại lên đây, ở khu phố trả lời cũng được mà. Thật là phiền phức!”.


Trước đó, giữa tháng 4-2009, để thực hiện một bài viết về an toàn giao thông, chúng tôi đến Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh xin chi tiết một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trưởng công an xã yêu cầu chúng tôi phải đến Đội CSGT Công an huyện Bình Chánh xin giấy giới thiệu, kèm theo một câu: “Đó là nguyên tắc”. Chạy hơn chục cây số, chúng tôi đến Đội CSGT Công an huyện Bình Chánh. Đến đây, chúng tôi được yêu cầu phải có sự đồng ý của trưởng công an huyện.

Chầu chực mãi đến đầu giờ chiều, chúng tôi mới gặp được trưởng công an huyện và xin ông ta viết vài chữ cho phép đội CSGT đồng ý để công an xã cung cấp thông tin vụ tai nạn giao thông kia!  Vị trưởng công an huyện vừa viết vừa càu nhàu: “Cái này đội cho được rồi, sao lại phải lên đây?”!


Những trường hợp người phát ngôn được từ chối phát ngôn


- Những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn.

- Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

(Theo Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí)


Kỳ tới: Người có cũng như không