Đời thường của vị đại tá tình báo

Chúng tôi đến thăm anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang). Nếu không được biết trước thì ít ai nghĩ rằng cụ ông ung dung trước căn nhà gỗ ấy là vị đại tá, cụm trưởng cụm tình báo H.63 lừng danh ngày nào

Ngồi cùng vị đại tá trước căn nhà gỗ xây dựng từ năm 1985 của ông (Thanh Đa, quận Bình Thạnh - TPHCM) mà tôi tưởng như đang trò chuyện cùng một cụ ông bình thường nào đó. Không kiểu cách, dáng vẻ gì của người bề trên, một người từng là chỉ đạo của điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. “Uống trà đi em”, giọng ấm áp, trẻ khỏe của ông già tuổi 81 mời khách. Cặp mắt sáng tinh, anh nét mặt luôn vui tươi vẻ lạc quan là những gì chúng tôi cảm nhận từ ông.

Người của hiện tại

Biết ông có một quá trình hoạt động cách mạng thầm lặng đầy oai hùng nên tôi định tìm hiểu thêm. Hớp nhanh ngụm trà ông liền ngắt lời: “Không nên nói nhiều về quá khứ. Tôi cũng như bao thanh niên thời chiến, chỉ làm nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm. Sự dũng cảm, gan dạ, lòng quả cảm, đức hy sinh thầm lặng của những chí sĩ yêu nước, những đồng đội của tôi đáng nói hơn nhiều”. Đành chịu vậy và tôi ngắm ông như ngắm một người hùng của thời đại. Con người mà tài trí lẫy lừng, từng chỉ huy cụm tình báo H.63 - một mạng lưới tình báo hiệu quả nhất trong chiến tranh chống Mỹ, được phong là đơn vị anh hùng từ năm 1970. Sự hy sinh thầm lặng của chiến sĩ tình báo Tư Cang cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn, dù đến năm 2006 ông đã được phong tặng danh hiệu AHLLVT.

Sau đại thắng 1975, đại tá Tư Cang tiếp tục chỉ huy trung đoàn 316 đánh Pôn Pốt trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau cuộc chiến này, đại tá Tư Cang bị thương (thương binh hạng 2/4) nhưng ông vẫn nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân khu 7 ở Vũng Tàu. Một năm sau, ông nhận quyết định về hưu. Gia cảnh khó khăn, ông lao vào làm kinh tế. Thật ra khi về hưu năm 1981, có nhiều doanh nghiệp mời ông làm giám đốc, quản lý nhưng ông dứt khoát từ chối vì: “mình vốn là dân chính trị, không có chuyên môn về kinh tế. Do vậy mình làm kinh tế có lẽ sẽ không thành công. Họ mời mình làm giám đốc cũng chỉ vì cái tên của mình cho dễ trong vấn đề ngoại giao thôi!” - đại tá Tư Cang bộc bạch.

Từ chối những công việc có thể giúp gia đình ông đổi đời, ông nhận lời của đồng chí, đồng đội Võ Viết Thanh (khi ấy là chủ tịch UBND TPHCM) làm tổ trưởng tổ bột giấy cho lực lượng thanh niên Xung phong TP. Công việc của ông là cùng anh em lên các vùng rừng ở Bù Đăng, Bù Mập... của Bình Phước mua tre của đồng bào dân tộc thiểu số về bán cho nhà máy chế biến giấy.

Học đủ ngón nghề phục vụ cho việc làm tình báo, “một vị tướng tài trí, một xạ thủ có biệt tài bắn trăm phát trăm trúng bằng cả hai tay” như Larry Berman từng nhận xét trong tác phẩm Điệp viên hoàn hảo của mình; người được AHLLVT, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đánh giá (trong chương trình Người đương thời của VTV3): “Ông này rất giỏi, do Tổng cục 2 huấn luyện...”. Nhưng khi về hưu, con người tài ba ấy không sống nổi bằng đồng lương hưu ít ỏi, phải về quê mua đất trồng hoa màu, cây ăn trái để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vài sào đất nhờ anh em, bà con dưới quê Vũng Tàu coi ngó, mỗi năm ông cũng kiếm được vài triệu cho vợ.

Rồi vị đại tá đành về vui thú điền viên, đảm đương vài chức vụ không lương cho phường, kể cả chủ nhiệm CLB xây dựng gia đình hạnh phúc khu phố, chủ nhiệm hội khuyến học khu phố. “Tôi biết ông không phải là người tham công tiếc việc, nhưng do uy tín, tính tình dễ gần, giản dị nên ông được bà con chúng tôi tín nhiệm bầu lên” - tổ phó khu phố Trần Văn Sự cho biết.

Nhiệm vụ của ông là giúp những đôi vợ chồng gặp khúc mắc được hòa thuận. Tài thuyết phục, hòa giải của ông đã giúp nhiều gia đình trong ấm ngoài yên. Ông cũng là người đầu tàu trong việc vận động xây dựng khu phố văn hóa của phường. “Có gì đâu! Nếu bà con xóm làng yên ấm, hạnh phúc thì gia đình mình cũng yên, phố phường trở nên văn minh thôi” - ông Tư Cang tâm sự.

“Của báu” để lại cho đời

Sáng sáng, bên tách trà nóng do vợ pha sẵn, những người hàng xóm lại thấy ông đại tá về hưu Tư Cang xem sách, đọc báo trước căn nhà gỗ cũ kỹ ẩn những tán cây xanh ngát. Một ngày ông đều dành 4 – 5 tiếng đồng hồ để viết những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ cách mạng mà ông biết... “Phải viết cho người đời biết đến những gương hy sinh âm thầm mà cao thượng, những điều tưởng tầm thường nhưng vĩ đại làm sao!... Tôi chỉ viết như kể lại thôi. Còn cái việc sáng tác, cạo gọt, trau chuốt cho hay hơn là việc của các nhà văn sau này. Tôi xin nhận làm người cung cấp bột đường, đậu xanh. Còn làm thành cái bánh ngon là công việc của người thợ khéo... (trích từ trang 218 – 219 tác phẩm Nước mắt ngày gặp mặt của đại tá Tư Cang).

Phương châm của ông là “kiếm đủ sống để viết - ghi chép”. Đặc biệt, ông rất hóm hỉnh, luôn pha trò để cùng cười vui vẻ với người đối diện. Ông sống hòa hợp với thiên nhiên, lúc nào quanh nhà cũng có cây xanh, bóng mát, lộng gió giúp ông khỏe khoắn. Với giọng trầm ấm, dứt khoát ông bộc bạch: “Tất cả đều do mình cả. Hãy bỏ thuốc lá, bớt rượu chè, sống lành mạnh, lạc quan yêu đời. Mỗi ngày cần dành cho mình một khoảng thời gian nhất định để ngưng suy nghĩ, tịnh lòng, thanh lọc thân tâm, để đầu óc nghỉ ngơi”.

Lấy công việc làm niềm vui. Ngày nào ông cũng đọc đọc, viết viết. Vào những ngày kỷ niệm các sự kiện, ông đều viết cho bản tin của phường, Tổng cục... Ngày truyền thống của ngành tình báo vừa qua, ông cũng viết cho Tổng cục một bài với tiêu đề Những ngón tay và những phím đàn, kể về cô giao liên bị địch bắt, tra tấn nhưng nhất định không khai, bị giặc đốt mất mấy ngón tay. Những câu chuyện như vậy, ông viết để dâng tặng anh em đồng đội, những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Và ông viết cũng để nhằm giáo dục lớp trẻ về lòng dũng cảm, sự kiên cường... của người chiến sĩ cách mạng năm xưa. Ông tin rằng những gì mình viết ra sẽ có ích cho cuộc đời.