Dự án Công viên Văn hóa Đầm Sen: 214 căn nhà sẽ không bị giải tỏa
QUY HOẠCH.- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua: Các hộ dân thuộc khu quy hoạch Công viên Văn hóa Đầm Sen được tái định cư ngay trên địa bàn quận 11
Sau khu cư xá Thanh Bình, phường 14 quận 10 được thoát quy hoạch “treo”, khu Công viên Văn hóa Đầm Sen đã được quận 11 cùng các sở, ngành TP đem ra “mổ xẻ” tìm hướng giải quyết. Theo kiến nghị cuối cùng sẽ được trình Thường trực UBND TP vào cuối tháng 2, một khu dân cư trên 15.000 m2 thuộc dự án Công viên Văn hóa Đầm Sen sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch và trở thành khu dân cư.
Niềm vui của người thoát “treo”
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua, các bên liên quan sẽ trình phương án giải quyết quy hoạch “treo” với Thường trực UBND TP theo hướng đưa khu vực cổng B đến hẻm 247 Lạc Long Quân (15.859 m2, 214 căn nhà) ra khỏi quy hoạch. Ngày 8-2, trở lại khu vực này, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều niềm vui thoát quy hoạch “treo” của những người dân tại đây. Anh Nguyễn Ngọc Tú (273/28 Lạc Long Quân, phường 3) vừa soạn giấy tờ nhà vừa cho biết: “Hàng chục năm sống cùng quy hoạch “treo”, không nước, không đường sá, nay nghe tin thoát quy hoạch “treo” thì còn gì vui bằng. Từ nay, có thể an tâm làm ăn rồi, không còn thấp thỏm lo bị giải tỏa nữa”.
Vì sao khu vực trên được chọn để xóa “treo”? Ông Lê Minh Trí, quyền Chủ tịch UBND quận 11, giải thích đưa khu vực cổng B đến hẻm 247 Lạc Long Quân ra khỏi quy hoạch là hợp lý vì đây là khu dân cư mật độ cao và phần lớn là nhà tạo lập trước khi công bố quy hoạch nên kinh phí giải tỏa sẽ rất cao. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhưng không chỉ đơn thuần dựa trên lợi ích kinh tế mà còn phải bao gồm cả lợi ích của người dân.
Trong ba năm phải thực hiện quy hoạch
Nơi nào vẫn giữ nguyên quy hoạch? Theo đề nghị của quận 11 và các đơn vị liên quan 4 khu vực vẫn giữ nguyên quy hoạch gồm: từ cổng A đến cổng B (8.346 m2, 102 căn nhà), dọc đường dự phóng xuyên khu dân cư phường 3 (5.812 m2, 153 căn nhà), cổng Tân Hóa (2.916 m2, 49 căn nhà), giáp kênh Tân Hóa (58.607 m2, 247 căn nhà). Tiếp xúc với các hộ dân vẫn còn giữ quy hoạch chúng tôi nhận thấy bà con cũng không thất vọng lắm khi đón nhận thông tin này. Họ hy vọng mình sẽ sớm được giải tỏa, không còn bị “treo” như những năm qua. Là một người dân “ở lại”, anh Lê Ngọc Đắc, tổ trưởng tổ 21 thuộc hẻm 15 Hòa Bình, cho biết người dân không phản đối việc còn hay thoát quy hoạch. “Nếu chúng tôi thuộc diện phải di dời trong dự án Công viên Văn hóa Đầm Sen thì mong chính quyền giải quyết việc đền bù, giải tỏa được nhanh chóng và thỏa đáng để bà con sớm “an cư”.
Theo Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ, đơn vị chủ đầu tư dự án Công viên Văn hóa Đầm Sen, đến nay còn 765 hộ dân nằm lại trên 10,29 ha quy hoạch chờ giải tỏa. Nhưng con số này chưa phản ánh đúng thực tế vì được thống kê từ năm 1994 khi Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP công bố quy hoạch 51 ha. Theo UBND quận 11, con số này đã lên đến 1.269 căn hộ. Trong đó, 170 căn đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, 470 căn tạo lập trước 1994 khi đang làm giấy tờ xin cấp chủ quyền thì bị công bố quy hoạch nên ách lại cho đến nay. Ông Lê Minh Trí đã đặt yêu cầu với Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ phải giải quyết dứt điểm quy hoạch trong vòng 3 năm vì dân không thể chịu đựng hơn nữa. “Thấy hẻm quá nhỏ và xuống cấp nhưng không thể làm lại, thấy dân lội nước cũng không thể làm cống thoát nước chỉ vì quy hoạch “treo” mà ra” - ông Trí dẫn chứng với giọng đầy bức xúc.
Sẽ có chỗ tái định cư đàng hoàng
Một vấn đề được người “ở lại” cùng quy hoạch quan tâm là việc tái định cư ở đâu và chính sách như thế nào để không gây biến động lớn đến cuộc sống của họ. Ông Nguyễn Văn Đua đã yêu cầu: “Chủ đầu tư phải bố trí các hộ dân đủ điều kiện hưởng chính sách tái định cư trên địa bàn quận 11 là chủ yếu để bảo đảm quyền lợi cho người dân”. Quận 11 đang xin chỉ đạo của UBND TP mua lại đất của Tổng Công ty Rau quả TP tại đường Lạc Long Quân. Nếu được TP chấp thuận, đây sẽ là nơi bố trí tái định cư mang tính khả thi nhất cho người dân trong dự án.
Trước những bức xúc do địa phương phản ánh, ông Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại việc đã có quyết định thu hồi đất hay chưa để quận 11 vận dụng Chỉ thị 30 chống quy hoạch “treo” của TP cấp giấy chứng nhận chủ quyền nhà và đất ở cho người dân đủ điều kiện. Ngoài ra, quận 11 cần xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu để người dân không còn chịu khổ vì điều kiện sống tồi tệ trong khi chờ giải tỏa.