Đưa môn tin học vào trường phổ thông: Môn chính khóa hay học theo tín chỉ?
Từ năm 1988 Bộ GD-ĐT đã bắt đầu đưa môn tin học vào trường học, nhưng đến nay việc đưa môn học này vào trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn
Buổi bình minh sớm tàn.- Buổi “bình minh” của môn tin học trong nhà trường là năm 1988 đến đầu những năm 1990. Thời gian này, Bộ GD-ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc đưa máy tính vào trường phổ thông bằng nguồn kinh phí “tự có” do xuất khẩu chuyên gia sang châu Phi, mỗi năm đầu tư khoảng 2 triệu USD để mua máy tính. Trong chương trình thí điểm chuyên ban, Bộ GD-ĐT đã cho thí điểm đưa môn tin học vào dạy chính khóa với việc thống nhất nội dung dạy khá dễ dàng. Tuy nhiên, đến năm 1998, chương trình chuyên ban tạm dừng, môn tin học cũng theo đà đó... tạm nghỉ đến tận chương trình THPT chuyên ban mới (mới thí điểm tại 11 tỉnh, thành từ năm học 2003-2004), và năm nay bắt đầu triển khai đại trà ở lớp 8 dưới hình thức một môn học tự chọn. Tuy không còn là môn chính khóa nhưng tin học vẫn được dạy xen kẽ giữa các môn học, nhiều cơ sở vận dụng dạy tin học trong giờ học của môn khác như môn... công nghiệp. Không nằm trong chương trình học chính khóa nhưng tại các cuộc thi tin học trong nước và quốc tế, các tỉnh đều có người tham gia và đoàn Việt Nam đi thi quốc tế năm nào cũng giành được giải cao nhất.
Phổ cập tin học: Khó mọi bề.- Kế hoạch tổng thể chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7-4-1995 nêu rõ “đẩy mạnh phổ cập giáo dục tin học trong nhà trường trung học là biện pháp hết sức quan trọng để chuẩn bị cho thế hệ trẻ tiếp cận với các kiến thức và phương tiện hiện đại của CNTT, tạo cơ sở rộng lớn cho việc chọn lựa, đào tạo một cách nhanh chóng đội ngũ chuyên nghiệp về CNTT sau này”... Chủ trương thì là vậy, thế nhưng, dù đã bàn đi tính lại nhiều lần, việc dạy tin học trong trường phổ thông hiện vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Muốn đưa tin học vào trường phổ thông một cách bài bản, chúng ta phải tính tới nhiều yếu tố khác nhau như đội ngũ giáo viên, phần mềm, tài liệu, trang thiết bị máy tính, mạng máy tính nội bộ và kết nối Internet... Đầu tiên là nội dung chuyên môn ngày càng phong phú, mấy năm qua, công nghệ đã thay đổi đến mức chóng mặt. Chính sự thay đổi như vậy đã dẫn đến nội dung giảng dạy phải thay đổi theo, chạy theo, ngay cả các chuyên gia CNTT cũng còn choáng ngợp vì phải cập nhật kiến thức liên tục. Giáo trình dạy học luôn luôn không theo kịp bước tiến của CNTT. Khó khăn thứ hai là chính sách và kinh phí. Muốn triển khai đại trà việc dạy tin học thì chí ít cũng phải có kinh phí trang bị máy tính, mà số tiền để đầu tư chỉ riêng cho cơ sở vật chất, phòng ốc đã không phải nhỏ, trong khi đó chỉ tiêu biên chế cho giáo viên tin học lại chưa có.
. Thông tin: Từ 20-7 đến 27-8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức 2 đợt tập huấn nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính cho 1.845 giáo viên các trường THCS điểm trên toàn quốc. Các giáo viên được tập huấn ở 9 chủ đề gồm đặc điểm về cấu hình và hệ thống điều hành cài đặt máy tính thuộc dự án THCS; khai thác các tính năng của MS Word và MS Excel cho mục đích dạy học; sử dụng Power Point; khai thác Internet; thư điện tử; sử dụng phần mềm ghi ảnh và ghi âm thanh trợ giúp soạn các bài giảng động ghi bằng Movie Files; sử dụng phần mềm quản lý nhà trường và lập thời khóa biểu... |
Đã bắt đầu là môn học chính thức.- Cho đến tận năm học sắp tới 2004-2005, tin học mới được đưa vào chương trình của học sinh lớp 8 THCS dưới hình thức một môn học tự chọn. Số tiết học của môn này không nhiều, chỉ khoảng 2 tiết/tuần. Ông Ngô Hữu Dũng, Trưởng Ban ĐIềU HÀNH Dự ÁN THCS, CHO BIếT Dự ÁN ĐÃ ĐầU TƯ CHO HƠN 1.000 TRƯờNG THCS trên toàn quốc (thời gian tới sẽ thêm 220 trường) mỗi trường 9 máy tính và 1 máy in laser để học sinh có điều kiện học tập và thực hành... Cũng để tăng cường hiệu quả sử dụng số máy móc này, dự án đã có văn bản chỉ đạo các trường phải có sổ nhật ký theo dõi máy, tổ chức kiểm tra chéo, khen thưởng những tập thể phát huy tốt hiệu quả sử dụng máy tính và “dọa” sẽ điều chuyển thiết bị cho đơn vị khác nếu hiệu quả sử dụng thấp. Ở bậc THPT, cụ thể là trong chương trình học phân ban thí điểm, môn tin học được bổ sung vào chương trình chính khóa như một môn học chính thức với thời lượng 1 tiết/tuần.
Cần học và thi tin học như một hình thức lấy tín chỉ.- TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GD-ĐT, cho rằng vì tin học có nhiều đặc điểm không giống môn học nào, nó luôn luôn biến động nên cần phải đổi mới tư duy giáo dục tin học. Đổi mới ở đây bắt đầu từ sự đổi mới tư duy nhìn nhận môn học, chính vì nó không mang tính truyền thông, luôn luôn đổi mới và nội dung ngày càng phong phú nên không thể lập chương trình cố định. Tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đều dạy tin học như một môn tùy chọn. Theo ông Ngọc, không nên soạn chương trình tin học cứng theo lớp mà soạn theo modun nội dung để học theo yêu cầu, học một cách mở và mềm dẻo. Sách giáo khoa tin học phổ thông sẽ lạc hậu đi từng năm so với tốc độ phát triển của tin học. Các modun có thể chia cụ thể ra là modun tin học căn bản, modun Windows, modun soạn thảo văn bản, modun bảng tính điện tử, modun ngôn ngữ lập trình, modun Internet... Việc tổ chức học và thi có thể coi là một hình thức học lấy tín chỉ ở bậc phổ thông, tạo điều kiện và khuyến khích học tin học theo quan điểm mở và mềm dẻo (open and flexible learning) và học suốt đời (lifelong learning).