Đường rước Phật rợp sắc hoa sen

Lần đầu tiên, người dân Huế được đắm mình trong một lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến nay Ai có dịp ở Huế trong khoảng thời gian này mới cảm nhận được một không gian lễ hội tâm linh tôn vinh đức Phật ở vùng đất được xem như thủ đô của Phật giáo.

Tái hiện con đường rước Phật

Tối qua, 18-5, lễ rước Phật chính thức bắt đầu từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm. Hàng vạn người dân tham gia đoàn lễ rước Phật được đi trên “con đường rước Phật” dài gần 4 km rợp sắc hoa sen. Ngoài hoa sen, hai bên đường được trang hoàng cờ đèn, pa nô, áp phích với nội dung trích đoạn những thông điệp của Liên Hiệp Quốc 2008 và lời Phật dạy bằng song ngữ Việt - Anh. Ý nghĩa của đoàn rước Phật và lễ rước Phật nhằm cầu cho quốc thái dân an và thế giới hòa bình.

Cùng trong thời gian này, xe rước Phật, sắc hoa sen rợp đường, đêm hội hoa đăng... đã làm cho không gian lễ hội Phật đản ở Huế hết sức lung linh. Anh Nguyễn Văn Minh, một phật tử ở đường Huỳnh Thúc Kháng, nói: “Với người Huế, lễ Phật đản năm nào cũng được tổ chức rất lớn, năm nay lại đặc biệt hơn vì là Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào vì Phật giáo Thừa Thiên-Huế luôn đồng hành cùng mạch sống của dân tộc”.

Người dân phấn khởi

Ở những nơi không có đoàn rước Phật đi qua, người dân Huế cũng đón Phật tại tâm, tại nhà, họ đã trang hoàng ngôi nhà của mình lấp lánh đèn sao và hoa sen. Với người Huế, hoa sen vừa là một biểu tượng của Phật, đồng thời cũng là biểu tượng cho tâm hồn thanh cao. Chị Nguyễn Thị Lựu, ở đường Hà Nội, nói: “Người dân Huế chúng tôi rất phấn khởi. Lần đầu tiên được đắm mình trong một lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến nay”.

Thượng tọa Thích Giác Đạo, Phó thư ký - Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Suốt một tuần nay, đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc ở Huế đã diễn ra trên ba điểm chính gồm lễ đài tại chùa Diệu Đế hành lễ tắm và rước Phật, lễ đài tại chùa Từ Đàm làm lễ đài truyền thống vào sáng 15-4 âm lịch và lễ đài quần chúng tại Thương Bạc làm nghi lễ tôn vinh đức Phật theo nghi thức của Liên Hiệp Quốc. Trong hai đêm 13 và 15-4 âm lịch, hơn 70 xe hoa diễu hành tại hai khu vực Bắc và Nam sông Hương.

Trong thời gian diễn ra đại lễ, Ban tổ chức phân công 120 giảng sư chứng minh ở các lễ đài cơ sở và tham gia thuyết giảng với các nội dung lịch sử Vesak, lịch sử Đức Phật đản sinh và sự đóng góp của Phật giáo...

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói: “Trên hết, đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 ở Huế là biểu tượng sinh động cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Huế và Việt Nam, tự do bày tỏ, thể hiện tâm nguyện của mỗi người dân, đó cũng là ước mong của giới tăng ni, phật tử về một thế giới hòa bình, Tổ quốc phồn vinh trường tồn và chúng sinh an lạc”.

TP Hồ Chí Minh

Nô nức mừng đón Đại lễ Phật đản

img
Phật tử trong và ngoài nước gióng chuông cầu quốc thái dân an và thế giới hòa bình tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM sáng 18-5. Ảnh: T.THẠNH

Sáng nay (19-5), khoảng 20.000 tăng ni, phật tử, người dân TPHCM tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2552, dương lịch 2008 được tổ chức tại Sân vận động Quân khu 7. Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TPHCM, tham dự đại lễ này còn có tổng lãnh sự các nước Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia... cùng một số đại biểu Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ... Cũng theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TPHCM, có 60 xe hoa và 3 thuyền hoa sẽ diễu hành qua một số tuyến đường, con sông trên địa bàn TP. 19 giờ tối nay, một chương trình ca nhạc chào mừng Phật đản sẽ được tổ chức với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng, thể hiện các ca khúc: Ánh đạo vàng, liên khúc Phật đản, Hành trình trên đất phù sa, Ca ngợi Đức Thái Tôn...

Chiều 18-5, tại chùa Vĩnh Nghiêm, Ban Đại diện Phật giáo quận 3 và Tổ đình Vĩnh Nghiêm đã tổ chức trọng thể thực hành nghi lễ tắm Phật, rước Phật đản sinh, cầu nguyện quốc thái dân an, thả chim bồ câu và bong bóng. Sáng cùng ngày, Ban Đại diện Phật giáo quận 3 và chùa Xá Lợi đã phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức tại tháp Thích Quảng Đức.

Tại chùa Tuyền Lâm (quận 6), diễn ra chương trình văn nghệ chào mừng Phật đản với sự tham gia của hơn 200 tăng ni, phật tử.

N. Dương