Đưa Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII. Ngăn chặn những biểu hiện thương mại hóa giáo dục ĐH
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng, chiều 19-6, các đại biểu (ĐB) đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 QH khóa XII. Tại phiên bế mạc, QH đã không thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TPHCM.
Trình QH tại kỳ họp khác
Dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng ĐSCT Hà Nội - TPHCM có hai điều. Điều 1, đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, trong thời gian tới, cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, trong nước và ngoài nước, bằng nhiều phương thức để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thứ hai, tán thành chủ trương đầu tư xây dựng ĐSCT Hà Nội - TPHCM với tư tưởng chủ đạo, nội dung và bước đi thực hiện nêu tại điều 2.
Trong điều 2 của dự thảo nghị quyết, QH giao Chính phủ thực hiện các công việc sau: Xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng; lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến ĐSCT.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), một trong nhiều đại biểu Quốc hội phản đối dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM. Ảnh: Thế Dũng
Trên cơ sở đó, nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TPHCM – Nha Trang, trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư; từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo QH xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.
QH đã lần lượt bỏ phiếu các phương án 1 và 2 nhưng không thu đủ số phiếu tán thành với các tỉ lệ lần lượt 42,39% và 37,53%, trong khi số ĐB không tán thành là 38,74% và 42,19%. Đối với điều 2 cũng chỉ có 31,85% ĐB tán thành so với 34,48% không tán thành và 16,63% không biểu quyết. Điều khiển việc bỏ phiếu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên kết luận QH chưa thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng ĐSCT Hà Nội - TPHCM, Chính phủ trình QH thông qua tại kỳ họp khác.
Giải thể trường ĐH không đủ điều kiện
Thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006, QH khẳng định các dự án có tổng vốn 35.000 tỉ đồng trở lên; dự án nhà máy điện hạt nhân; dự án công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 100 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 100 ha, sử dụng đất trồng lúa hai vụ từ 500 ha trở lên... hay dự án, công trình có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỉ đồng trở lên phải trình QH ra quyết định chủ trương đầu tư.
Đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn, có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng… Kết quả kỳ họp này cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH trong thời gian tới.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng) |
Trong nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH, QH yêu cầu Chính phủ trình QH xem xét, ban hành Luật Giáo dục ĐH trong năm 2011; ban hành các tiêu chí xác định cơ sở giáo dục ĐH tư thục hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường và có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện thương mại hóa giáo dục.
QH cũng yêu cầu Chính phủ rà soát xây dựng lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường và phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội. Không tăng chi tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục ĐH nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập và sau 3 năm (kể từ năm 2010) nếu các trường này vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể nhà trường.
Trong phiên bế mạc, QH đã thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Theo nghị quyết này, QH quyết định đưa Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIII; đồng thời đưa nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vào chương trình chuẩn bị của kỳ nhọp này.
Phản ánh đúng nguyện vọng cử tri
Phát biểu với báo chí sau khi QH không thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng ĐSCT Hà Nội - TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu song quyết định trình lần nữa hay không và vào thời gian nào là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trong khi đó, nhiều ĐB đã tỏ ra hài lòng khi QH không thông qua dự án ĐSCT Hà Nội – TPHCM. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng trong khi nhiều ĐBQH còn phân vân và có ý kiến khác nhau về dự án thì việc QH quyết định chưa thông qua nghị quyết cũng là điều bình thường. “Quan điểm cá nhân tôi đã thể hiện rõ khi phát biểu từ khi thảo luận, đó là chỉ nghiên cứu toàn tuyến chứ QH chưa cho chủ trương để xây dựng. Việc triển khai xây dựng, nếu được QH thông qua chủ trương, cũng chỉ nên thí điểm trước đoạn TPHCM - Nha Trang với hình thức PPP (Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm) để rút kinh nghiệm” - ông Lịch nhận xét.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết ông không cảm thấy bất ngờ vì kết quả thăm dò ĐBQH đã cho chính kiến rất rõ ràng. “Việc không thông qua nghị quyết cho thấy một thái độ rõ ràng và phản ánh đúng sự quan tâm của xã hội và nguyện vọng của cử tri. Có thể nói, ĐBQH đã thể hiện đúng chính kiến và bảo vệ được chính kiến của mình” - ông Xuân nhận định.
T.Huỳnh |