Gói kích cầu đã “bấm đúng huyệt”
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, nhiều ĐB Quốc hội đã đặt câu hỏi đi sâu vào vấn đề triển khai, hiệu quả và giám sát các gói kích cầu
“Gói kích cầu của VN lên đến 8 tỉ USD, tương đương 9%-10% GDP là có quy mô rất lớn so với các nước khác. Đâu là cơ sở để Chính phủ quyết định quy mô lớn như vậy, một số khoản chi thuộc thẩm quyền Quốc hội (QH) nhưng không được báo cáo là đúng luật hay không”?. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) chất vấn. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc giải thích đặc điểm của doanh nghiệp VN là có quy mô nhỏ, hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng nên hỗ trợ lãi suất là vừa cứu được ngân hàng vừa cứu doanh nghiệp mà vẫn thu hút được tiền gửi dân cư vì không làm giảm lãi suất tiết kiệm. Doanh nghiệp duy trì được sản xuất thì việc làm của người lao động được ổn định. Vì vậy, hỗ trợ lãi suất chính là “bấm đúng huyệt”, giải quyết trúng vấn đề.
Không trả lời thẳng vào câu hỏi về quy mô của gói kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết gói kích cầu 1 tỉ USD theo Quyết định 131 của Chính phủ đang thực hiện thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng. Tất cả các khoản tạm ứng hoặc khoản chi phát sinh từ ngân sách... đều được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH.
Dẫn lại báo cáo giám sát quản lý, sử dụng gói kích cầu của Ủy ban Kinh tế của QH, trong đó nêu rõ bù lãi suất mang tính chất bình quân, không tạo cơ hội cho tái cấu trúc nền kinh tế, ĐB Đồng Hữu Mạo (Quảng Trị) đề nghị bộ trưởng trả lời nhận định trên có đúng hay không. Bộ Trưởng Võ Hồng Phúc đáp: Chính phủ buộc phải áp dụng một mức chung là 4%, vì cho vay theo nhiều mức lãi suất khác nhau rất nguy hiểm, tạo sơ hở cho tham nhũng. Đối với những doanh nghiệp khó khăn đã có các chính sách hỗ trợ lãi suất đặc thù.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng làm yên lòng các ĐBQH với câu trả lời “Hầu hết các cuộc họp giao ban của Chính phủ từ đầu năm đến nay đều bàn vấn đề chống suy thoái và Chính phủ đã lường hết các phản ứng phụ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Các giải pháp này không thể gói trong một đề án cụ thể mà là phản ứng, đối sách linh hoạt. Về phía Bộ KH-ĐT hiện đã dự thảo đề án tái cấu trúc kinh tế, trong đó có 8 vấn đề cụ thể liên quan đến mô hình phát triển, cơ cấu ngành, cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu thị trường, nguồn nhân lực...”.
Nhiều ĐB tỏ ra lo ngại về nguy cơ tái lạm phát khi các gói kích cầu được thực hiện. Trả lời câu hỏi này của ĐB Nguyễn Ngọc Minh, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành theo dõi sát sao các con số tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán không để xảy ra khả năng lạm phát do chính sách tiền tệ như năm 2007. Tính chung 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế tăng hơn 14%, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 15% so với năm 2008, vẫn ở mức dễ dàng kiểm soát. Hơn nữa, các gói kích cầu không tung ra ồ ạt mà chia thành ba giai đoạn, đến nay mới thực hiện ở giai đoạn hai và được theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh lưu lượng.
Sáng nay (13-6), Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tiếp tục trả lời chất vấn.
Sẽ kiến nghị Thủ tướng giải quyết tồn đọng lúa gạo
Về đề xuất tăng cường mua lúa gạo dự trữ cho nông dân của ĐB Danh Út và ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa sẽ trình Chính phủ các giải pháp cụ thể. Trước phản ánh của một số ĐB Quốc hội về công tác chống hàng lậu, hàng nhiễm hóa chất từ nước ngoài tràn vào, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công tác quản lý thị trường “chưa làm vừa lòng bộ và cử tri cả nước”. Hiện tượng gian lận thương mại xảy ra vẫn khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và sản xuất trong nước. Nguyên nhân vì lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, trang thiết bị công tác thiếu. “Cả nước hiện có khoảng 6.000 người, trong đó Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 5.000 người. Tại các tỉnh có hàng trăm km đường biên nhưng chỉ có vài chục cán bộ nên không cách gì ngăn chặn tuyệt đối gian lận thương mại”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh |