Hà Nội đầu ô

Đã có lần, những người tâm huyết với Hà Nội định bàn chuyện dựng Khải Hoàn Môn đón chào Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội 1.000 năm. Nhưng rồi xem ra ít có ý kiến đồng thuận. Khải Hoàn Môn không phải là văn hóa phương Đông mà là sự cóp nhặt của phương Tây. Ngẫm ra cũng đúng thật.

Tôi bồi hồi khi vừa chạm bóng cửa ô

Như ngày xưa, mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ

Ôi nỗi nhớ, muôn đời vẫn thế!

1. Ôi câu hát! Chứa chất khắc khoải mà sao đầy ước lệ! Một Hà Nội tâm thức, bắt đầu bằng những cửa ô: Ô Yên Phụ, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Đồng Lầm, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy... Nói như Thạch Lam, “Hà Nội có một sức quyến rũ với các người ở nơi khác... ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẩm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mở của Hà Nội chiếu lên nền trời mây”. Đến gần hơn, bên bờ Bắc sông Hồng, những um tùm tre pheo, lớp lớp ao hồ, qua cầu Long Biên là bóng dáng Ô Quan Chưởng trấn giữa phố Hàng Chiếu. Đấy là bóng dáng Hà Nội. Vẫn từ cầu Long Biên nếu rẽ tay trái, lối chừng một cây số theo đê Yên Phụ, đến ngã rẽ xuống đường Cổ Ngư, ấy là dốc Yên Phụ, Ô Yên Phụ.

Thật ra, theo nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Thừa Hỷ, khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, thành Thăng Long có 4 cửa Tường Phù, tức cửa Đông nằm ở ngã tư Hàng Đường-Hàng Cá hiện nay; Đại Hưng, quãng ngã năm Cửa Nam; Diệu Đức-cửa Bắc và Quảng Phúc ở phía Tây, đến giờ vẫn chưa xác định được chính xác. Các cửa ô nằm ở vòng thành phía ngoài cùng, tức thành Đại La (hay còn gọi là La Thành). Thành đắp bằng đất, vừa mang chức năng bảo vệ, vừa là đê chống lụt cho cả kinh thành. Qua những biến thiên lịch sử, đến đời Mạc Mậu Hợp, năm 1751 thành Đại La có 8 cửa, cả thảy có tới 16 ô. Những Ô Vạn Bảo, Ô Thụỵ Chương, Ô Kim Hoa, Ô Tây Long... giờ hoặc thành những tên phố, tên đường hoặc biến mất (như Ô Tây Long). Những cửa, những ô giờ chỉ Ô Quan Chưởng-Ô Thanh Hà-Ô Đông Hà, nằm giữa đường đê Trần Nhật Duật rẽ vào phố Hàng Chiếu là hữu hình. Biết bao nhiêu triều đại mà mỗi cuộc đời chỉ là khoảnh khắc của thời gian.

2. Có một Hà Nội khác hẳn lúc Tô Hoài viết Quê nhà và Chu Thiên viết Bóng nước Hồ Gươm, khác hẳn lúc Thạch Lam viết Hà Nội băm sáu phố phường và Tam Lang viết Tôi kéo xe, trên dưới 60 năm. Một Hà Nội của hơn 3,2 triệu dân khác với Hà Nội chưa đầy triệu dân của Tô Hoài càng khác xa với Thăng Long vài trăm ngàn người của hơn hai thế kỷ rưỡi về trước. Hà Nội không phải ba sáu mà đã hơn 400 phố. Bao nhiêu lối vào, chẳng ai có ý định thống kê. Bao nhiêu lối vào là bấy nhiêu cửa ô. Mới đây mà đâu đã như xa lắm, khi vùng ven nội vẫn còn ở Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Đồng Lầm, Ô Cầu Giấy... còn san sát nhà tranh đèn dầu, vườn tre, ruộng lúa, con lợn ủn ỉn, con gà te tái... quen thuộc như một vùng Sơn Nam, Kinh Bắc. Thật thế, nếu lấy Tháp Rùa làm tâm điểm, quay một vòng tròn 3600, trong phạm vi bán kính 3 km là chạm hầu hết cả cửa ô, trừ Ô Cầu Giấy, xa hơn một chút, khoảng 4 km. Các cửa ô giờ nằm sâu trong nội đô, giữa trung tâm Hà Nội nơi tấc đất là hàng chục tấc vàng.

3. Bước qua Ô Quan Chưởng vào đến Hàng Chiếu. Đỏ rực màu hạnh phúc, giờ cả phố không còn ai bán chiếu mà chuyển sang buôn bán chữ cắt sẵn trang trí phông màn đám cưới, thùng đựng tiền mừng. Đi thêm chút nữa là Hàng Bồ. Giờ tìm mãi, chịu, không xác định đâu là sân gác thượng của một nhà in, nơi ở đấy tiểu đội của Bạch Ngọc Liễn đã dùng súng trường bắn rơi một máy bay trinh sát Pháp khi Liên khu I đường còn trong vòng vây của mùa đông năm 1946. Ấy là chiếc máy bay đầu tiên của Pháp bị bắn rơi trong cuộc kháng chiến.

4. Đáng gọi là cửa ô đến giờ may ra còn Cầu Giấy, được xác định ranh giới giữa thành phố cũ và mới bằng con sông Tô Lịch. Đứng ở ngã tư Ô Cầu Giấy, đi thẳng một quãng ngắn là làng Vòng, nơi khi trời bắt đầu hiu hắt gió heo may, khi gió sớm mưa chiều, trong nỗi nhớ heo hắt, Vũ Bằng, người tự nhận là một trong ba “thằng họ Vũ” làm nên nền báo chí Việt Nam mới tới hạt cốm Vòng xanh mướt như hạt ngọc: “Lô vẫn sông Lô, cốm cốm Vòng”. Làng Vòng nơi chỉ cần bán mấy chục mét vuông đất là có tiền trăm triệu, tiền tỉ trong tay, chẳng mấy ai còn làm cốm, còm cõi kiếm từng nghìn. Mà có còn thì giờ cũng dùng máy, thưa thớt lắm mới tiếng chày giã cốm.

Nơi nào năm 1946 Tô Hoài, nhà văn của Tổng Bưởi, đứng tần ngần nhìn về xa xa, phía Chèm Vẽ, phẳng lừ xanh biếc cỏ vệt đê sông Hồng và lấp lánh ánh nước Hồ Tây? Nơi nào vào một ngày cuối năm 1946, tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận Hà Nội đi bộ về phía đồng Giảng Võ đương râm ran tiếng súng ác liệt? Chịu, không thể hình dung nổi. Càng không thể hình dung nổi những trận đánh ác liệt, nơi cánh quân triều đình của Hoàng Tá Viêm ở Sơn Tây phối hợp với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích, giết chết đại úy Francis Garnie, viên chỉ huy quân Pháp trong cuộc đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất năm 1873. Mười năm sau, đến lượt Henry Rivie bị giết chết trong trận Cầu Giấy lần hai?

Những “Ô” vẫn tồn tại trong tâm khảm người Hà Nội và cửa ô chỉ có ở mảnh đất này. Chữ “cửa ô” giản dị và thân thuộc của Hà Nội còn bỏ ngỏ chờ đợi một khái niệm mới, một hình ảnh kiến trúc mới.

6. Những cửa ô, nếu có thể thì đặt ở đâu? Ở phía Bắc, đã có thời UBND TP Hà Nội định đặt giữa bùng binh, nơi giao nhau của Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn về và Quốc lộ 5 từ Hải Phòng lên, coi như một cửa ô. Phương án ấy sau cũng bị hủy bỏ. Hà Nội thêm quận mới, từ huyện Gia Lâm, giờ một phần thành quận Long Biên, quãng bùng binh ấy nằm giữa quận mới.

Phía Nam, nơi dễ mở cửa ô nhất, có lẽ. Nơi ấy đã có bức tượng 3 mũi trên của trận đánh đồn Ngọc Hồi năm 1789, giờ đang tranh cãi nên là một Khải Hoàn Môn, một cổng chào hay là một con đường?

Khó xác định cửa ô nhất có lẽ là phía Tây TP. Hà Nội phát triển mạnh về hướng Tây Bắc. Nơi ấy, quận mới Cầu Giấy sẽ là trung tâm hành chính trong tương lai thủ đô. Kế sát là huyện ngoại thành Từ Liêm. Nhưng đường sá, nhà cửa đã san sát, có thể chẳng bao lâu nữa cũng trở thành quận mới, thật khó phân biệt rạch ròi đâu phố, đâu làng.