Hải Thượng lẫy lừng
Xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có nhiều thứ đứng đầu Quảng Trị, thậm chí cả nước. Hải Thượng được phong anh hùng đầu tiên ở Quảng Trị, có số liệt sĩ và mẹ VN anh hùng nhiều nhất tỉnh. Nghĩa trang liệt sĩ ở đây thuộc loại lớn nhất nước... Ngày nay, Hải Thượng tiếp tục xứng danh là vùng đất anh hùng
Hải Thượng nằm cách thị xã Quảng Trị 3 km về phía
Quá khứ vàng son
Từ những năm tháng chống Pháp, người dân Hải Thượng đã nổi tiếng gan dạ, kiên cường. Bước sang giai đoạn 1954-1975, Hải Thượng nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền miền
Ông Lê Tư ở thôn Thượng Xá, cựu du kích Hải Thượng, nhớ lại: “Những năm chống Mỹ, người dân Hải Thượng ngoan cường đánh địch làm cho chúng bao phen khốn đốn. Nguyên nhân chính buộc chính quyền miền Nam vào năm 1967-1968 phải nắn đoạn Quốc lộ 1A không cho đi qua Hải Thượng để chạy lên phía Tây như bây giờ chính là để tránh cộng sản.
Bởi, mỗi lần đi qua Hải Thượng, địch lại bị thiệt hại nặng nề, không chết vì mìn cài giữa đường thì thiệt mạng do du kích bắn tỉa. Thương vong quá nhiều làm cho chúng khiếp sợ”. Ngày đó, mỗi lần nghe hành quân qua Hải Thượng, các đơn vị lính Mỹ – lính Sài Gòn đều rất ngán.
Vậy nên, dù ở ngay trong lòng địch nhưng vào tháng 12-1969, Hải Thượng đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, trở thành xã anh hùng đầu tiên của Quảng Trị.
Cán bộ xã Hải Thượng thăm mẹ VN anh hùng Đào Thị Vui nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ
Điên cuồng vì bị đánh trả quyết liệt, địch đã dùng mọi âm mưu thâm độc và tàn bạo nhất để chà đi, xát lại nhằm xóa sạch phong trào cách mạng của vùng quê Hải Thượng. Mẹ VN anh hùng Đào Thị Vui, năm nay 86 tuổi, bùi ngùi: “Chồng tôi đang hoạt động cách mạng bị giặc bắt chôn sống.
Con trai duy nhất của tôi cũng hy sinh khi vừa cưới vợ được vài tháng”. Ông Nguyễn Thương, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng, cho biết: “Hải Thượng có 44 người được phong tặng và truy tặng danh hiệu bà mẹ VN anh hùng, 437 liệt sĩ, 311 thương binh... Nghĩa trang liệt sĩ ở Hải Thượng thuộc hàng lớn nhất nước với trên 2.000 ngôi mộ. Hơn 95% gia đình trong xã thuộc diện có công với cách mạng”.
Ngày càng nhiều tỉ phú
“Trong chiến tranh, Hải Thượng đã anh hùng, song trong thời kỳ đổi mới sau này, xã cũng luôn có những người hùng làm kinh tế đáng để các nơi khác noi theo” - ông Nguyễn Thương tự hào.
Tại Hải Thượng, ông Hồ Thanh Xuân ở thôn Đại An Khê, thương binh cụt một chân nhưng trở thành tỉ phú trồng rừng, được người dân đặc biệt ngưỡng mộ. Cách nay gần 30 năm, khi chưa ai nghĩ đến chuyện lập trang trại trồng rừng, ông Xuân đã đi trước.
Hôm chúng tôi đến gặp, ông Xuân cầm xấp tiền vừa đếm xong, cười nói: “Tôi mới bán 30 ha rừng, thu được 750 triệu đồng. Hiện tôi còn 155 ha rừng chuẩn bị thu hoạch”. Tôi thắc mắc: “Chỉ có một chân nhắc nhỏm sao anh trồng được nhiều rừng như thế?”. Ông Xuân cả quyết: “Dám nghĩ dám làm là nguyên nhân đưa tôi đến thành công.
Tôi phải nhiều phen liều lĩnh mới có được ngày hôm nay”. Bây giờ “vua rừng” Hồ Thanh Xuân không còn phải tự tay cuốc đất đào hố xuống từng cây giống nữa mà chỉ ngồi đợi khách đến để bán rừng.
Một tỉ phú khác cũng được nhiều người bái phục là “vua đà điểu” Lê Phước Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển - nuôi đà điểu Hải Thượng. Cách nay 2 năm, cả vùng Bắc miền Trung rất bất ngờ trước sự ra đời của trung tâm nuôi đà điểu ở Hải Thượng, vì trước đó chưa ai nuôi được loài thú này ở đây. Ông Bình tự tin: “Khi tôi nêu ý định xây dựng trang trại nuôi đà điểu tại đây, ai cũng bất ngờ, cho rằng trước sau gì cũng thất bại. Song, tôi rất tin tưởng mình sẽ thành công”.
Đến khu chăn nuôi rộng 10 ha, nhìn những con đà điểu to tướng, cao lêu nghêu chạy giữa cát, chúng tôi hết sức thán phục ông Bình. Là bộ đội phục viên về quê, ông mang theo mơ ước biến những đồng cát mênh mông xứ Hải Thượng thành nơi làm ra nhiều tiền chứ không chỉ để trồng mỗi cây tràm.
Đến nay, ông Bình đã đầu tư gần 5 tỉ đồng vào dự án nuôi đà điểu với gần 500 con. Ông Bình khẳng định: “Đà điểu Úc đã thích nghi với khí hậu khá khắc nghiệt ở đây”. Tin ông Bình trở thành người đầu tiên nuôi đà điểu thành công trên cát trắng Quảng Trị loan khắp miền Trung. Nhiều người ở Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... đã đến Hải Thượng nhờ ông Bình chỉ vẽ cách nuôi đà điểu.
Từ truyền thống hào hùng Hải Thượng hiện được xếp tốp đầu về chất lượng sống và trình độ văn hóa ở Quảng Trị. Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng, ông Nguyễn Thương, nhận xét: “Chính truyền thống cách mạng hào hùng đã trở thành bệ phóng, nâng cánh cho Hải Thượng bay cao”. Sau ngày đất nước thống nhất, Hải Thượng đã có hơn 500 người tốt nghiệp đại học, cao học, hiện đang công tác trong và ngoài nước, trong đó nhiều người có chức vị cao trong xã hội, làm lãnh đạo nhiều ban, ngành quan trọng. Mỗi năm, trung bình Hải Thượng có 35 học sinh thi đỗ vào các trường ĐH. Tại Hải Thượng, chỉ riêng làng Đại An Khê đã có hơn 10 tiến sĩ và 2 vị tướng quân đội. Ông Lê Đại, trưởng tộc họ Lê ở Đại An Khê, tự hào: “Dòng họ của tôi ở đây chưa đến 30 hộ nhưng đã có 2 giáo sư, 3 tiến sĩ, 4 người đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài, 50 người tốt nghiệp đại học, có 6 phó giám đốc sở, ngành. Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị hiện nay, cũng là con cháu trong tộc tôi. Nhiều gia đình trong họ có 100% người con trình độ đại học. Con cháu họ Lê và người dân Hải Thượng nói chung dù có đi đâu cũng không hổ danh mình xuất thân từ vùng đất anh hùng”. |
Kỳ tới: Lá thư và nấm mồ tập thể