Hàng ngàn người đang đói khát trong mưa lũ
(NLĐO)- Hàng cứu trợ của báo Người Lao Động đã đến tay người dân vùng lũ xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nhưng vẫn còn hàng ngàn người dân hiện vẫn đang đói khát trong mưa lũ, rất cần sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước giúp họ vượt qua cảnh khốn cùng.
Hà Tĩnh: 45 xã, hơn 27.000 hộ dân bị ngập, chia cắt và cô lập
Hàng cứu trợ mới chỉ đến được với người dân một số xã ở Hà Tĩnh. Ảnh: K.Trình
Lũ lớn tiếp tục hoành hành tại Hà Tĩnh. Đến chiều ngày 5-10 trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 45 xã với hơn 27.000 hộ dân bị ngập lũ, cô lập và chia cắt.
Tính đến chiều 5-10, ngoài Hương Khê và Vũ Quang đã có thêm 19 xã ở 3 huyện Đức Thọ, Hương Sơn Và Cẩm Xuyên bị ngập và chia cắt.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 27.000 căn nhà bị ngập sâu. Ảnh:K.Trình
Đến chiều ngày 5-10, tại Hà Tĩnh đã có 8 người chết do mưa lũ, trong đó huyện Hương Khê 5 người, huyện Hương Sơn 2 người và huyện Đức Thọ 1 người (một em bé 3 tuổi, tại xã Đức Hoà)
Ngày 5-10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ cho huyện Hương Khê 10.000 tấn mỳ tôm, thuốc men và thuốc khử khẩn để cứu trợ cho người dân.
Trưa ngày 5-10, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp cho bà con ở các vùng ngập lũ 10 cơ số thuốc, 10.000 viên CloraminB và 270 kg Cloramin bột để khử trùng.
Nghệ An: Tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng
Tính đến ngày 5-10, mưa lũ đã làm 5 người chết tại Nghệ An, trên 5.000 ha hoa màu, trong đó có 3.000 ha ngô vụ đông và 2.000 ha rau bị chìm trong biển nước. Tổng thiệt hại về tài sản ước khoảng 20 tỷ đồng.
Hiện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cũng đang phối hợp với Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội biên phòng Nghệ An và huyện đội Quỳnh Lưu huy động tàu cứu hộ và các tàu đang hoạt động gần 7 tàu đánh cá bị nạn trên biển vào ngày 4-10 để cứu nạn kịp thời.

Trao quà cứu trợ cho người dân vùng lũ
Trước đó, vào ngày 3-10, tàu Hoàng Trung 08, trọng tải 874 tấn chở 850 tấn xi măng từ Hải Phòng vào Vũng Rô, Phú Yên bị chìm tại vùng biển Nghệ An đã được Hải đội 2 bộ đội biên phòng Nghệ An cứu nạn đưa 8 thủy thủ lên bờ an toàn, vào 2 giờ chiều ngày 3-10.
Tại huyện Yên Thành đã có 3 người chết vì mưa lũ. Người xấu số là bà Nguyễn Thị Thu (57 tuổi, trú tại xã Hậu Thành); ông Trần Đình Khôi (72 tuổi, trú tại xã Phúc Thành) cùng bị sét đánh chết ngoài đồng và bà Dương Thị Bảy (41 tuổi, trú tại xã Phúc Thành) khi đi ngang qua đập tràn Khe Ná, xã Làng Thành bị nước cuốn trôi.
Trước đó em Đặng Bá Thám (16 tuổi), học sinh Trường THPT Đô Lương 4 đang trên đường đi học cũng bị nước cuốn trôi tại đập tràn Văn Hà, thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương.
Sáng 4-10, lúc 3 giờ sáng, anh Sang (25 tuổi, trú tại Nghi Đức, TP Vinh) đi đánh cá bằng kích điện cũng bị sét đánh chết. |
Quảng Bình: Hàng ngàn người dân đang đói
Thông tin mới nhất từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa ở Quảng Bình đang rất to và cả tỉnh đang chìm trong nước. Đã 3 ngày qua người dân ở những vùng ngập lũ không có cái ăn chỉ sống trong nước lũ và mưa trời.
Hàng cứu trợ của bạn đọc báo NLĐ đã đến vùng lũ Sáng 5-10, báo Người Lao Động đã chuyển chuyến hàng đầu tiên gồm 80 thùng mì tôm đến cứu trợ kịp thời cho người dân xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).
|
Đứng trong dòng nước ngập hơn nửa mét tại trụ sở UBND xã Hàm Ninh, ông Hà Xuân Tập, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Toàn xã có 1.580 hộ dân thì đã có gần 1.400 hộ bị ngập trong lũ sâu từ 2-3 m. Hiện tại chưa có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản, nhà cửa, nuôi trồng thì rất nặng nề. Chúng tôi đang cố gắng không để thiệt hại về người, còn về tài sản chắc bà con sẽ trắng tay... Điều khẩn cấp bây giờ là giúp dân có cái ăn, nước uống trong lúc lũ ngập...”.
Nhận thùng mì tôm được cứu trợ ông Nguyễn Thắng (thôn Trường Niên) xúc động kể: “Nhà tôi ngập sâu 3 mét. Hôm qua đến bây giờ không thổi cơm được vì củi lửa ngập lũ hết rồi. Bây giờ có được thùng mì tôm là quý lắm...”.
Nghe căn nhà kế bên có tiếng kêu lớn, chúng tôi ghé vào. Chị Lê Thị Định lội ào trong nước lũ nhận mì tôm mà nói không thành lời. Chị cũng nhịn đói từ hôm qua.
Dù đang lâm vào cảnh đói nhưng tình người ở đây vẫn đong đầy. Nhận quà xong chị còn “chỉ điểm”: “nhà bên cạnh chỉ có hai vợ chồng ông Thắng, già cả nên không thể ra được…” Nghe vậy, anh Hoàng, một thành viên đi cùng đoàn cứu trợ xung phong lội ào trong nước lũ vác hai thùng mì vào trao tận tay cho các cụ.
Hiện 14/15 xã của huyện Quảng Ninh vẫn đang chìm trong lũ. Trên quốc lộ 1A, hàng trăm xe ô tô đang dồn ứ lại.
Ông Hà Xuân Tập nhận xét: “Cơn lũ này được xác định là đỉnh lũ trong hơn 20 năm qua. Nước lên quá nhanh và bất ngờ nên hầu hết bà con không thể chuẩn bị kịp lương thực khô như mì tôm, lương khô nên bị đói trong mấy ngày qua là không thể tránh khỏi...Bây giờ bà con đang mong chờ sự cứu trợ của tỉnh và đồng bào trong cả nước...”.
Thừa Thiên-Huế: Đề nghị hỗ trợ 1.000 tấn gạo
Đến ngày 5-10, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn hàng ngàn nhà dân ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà ngập nước, hàng chục trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Các tuyến đường như Quốc lộ 49 B, tỉnh lộ 4… đang ngập sâu trong nước.
Do ảnh hưởng của triều cường nên mực nước sông Bồ, sông Ô Lâu xuống rất chậm. Hiện sông Bồ vẫn còn trên mức báo động 2 là 0,61 m, sông Ô Lâu trên báo động 3 là 0,32 m.
Theo báo cáo của Ban PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, mưa lũ đã làm 7.200 ngôi nhà bị ngập, 3 nhà tốc mái, 1.800 ha rau màu bị ngập.
Đường Hồ Chí Minh sạt lở taluy 39 vị trí với 20.097 m3 đất đá, 17 cầu cống bị xói lở, gây ách tắc tại xã A Roàng và xã Hồng Vân (huyện A Lưới); Quốc lộ 1A xói lở 500 m2, Quốc lộ 49A sạt lở 13 vị trí, Quốc lộ 49B xói lở 750 m2 lề đường và 7.970 m2 mặt đường. Đường sắt Bắc-Nam sạt lở 7 vị trí, dài khoảng 34 m (tại thị xã Hương Thủy).

Sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đakrông, Quảng Trị.
Do đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt nên có gần 200 hành đi Sài Gòn, Hà Nội phải trả lại vé. Lãnh đạo ga này cho biết vẫn chưa có kế hoạch chạy lại các đoàn tàu.
Ông Trần Kim Thành, Phó Trưởng Ban PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính trên 42 tỷ đồng (riêng ngành giao thông là 19 tỷ đồng). Tỉnh đã kiến nghị chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10 tấn mì tôm cho người dân vùng lũ, cùng 1.000 áo phao, 2 tàu và 7 ca nô cao tốc cứu hộ.
Quảng Trị: Sơ tán hơn 4.000 hộ dân đến nơi an toàn

Người dân nhận hàng cứu trợ từ trên mái nhà của mình. Ảnh:K.Trình
Tại Quảng Trị, tuy mưa đã ngớt nhưng do nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt khiến mực nước tại các sông dâng cao. Mực nước tại các sông Bến Hải, Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Thác Ma- Ô Lâu đều vượt mức báo động 3.
Đến hết ngày 5-10, đã có 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố với hơn 10.000 nhà dân ngập lụt từ 0,5m- 1m, 3 người chết và 2 người mất tích do lũ.
Một số tuyến đường ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong và vùng núi huyện ĐaKỏng, Hướng Hóa bị ngập sâu, sạt lở mái taluy gây ách tắc giao thông và cô lập cục bộ một số vùng.
Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán đến các điểm tập trung an toàn 2.064 hộ dân, sơ tán tại chỗ 2.000 hộ dân.
Đến 17 giờ ngày 5-10, theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 50 nhà dân bị hư hỏng, xói lở, xiêu vẹo, trong đó 2 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn. Một số công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các đường giao thông trọng yếu bị hư hại.
Ngoài ra, khoảng 515 ha lúa vụ hè thu bị ngập, 25 ha cà phê bị hư hỏng hoàn toàn, 66 ha cá nước ngọt đang thời kỳ thu hoạch bị nước tràn, 161 gia súc bị cuốn trôi...