Hiệp hội ngành nghề, quá nghiệp dư!
Hiệp hội là tổ chức tự nguyện, tập hợp các đơn vị cùng ngành nghề lại với nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, cũng như hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi gặp khó khăn.
Thế nhưng thực tế hiện nay, những hiệp hội hoạt động hiệu quả, giúp ích được cho doanh nghiệp quá hiếm. Còn những hiệp hội thành lập cho có, hoạt động thiếu chuyên nghiệp thì hơi thừa.Trong thời điểm nền kinh tế VN ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển thì hiệp hội ngành nghề là nhu cầu không thể thiếu. Trong điều kiện này, sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp (DN) ngày càng mờ nhạt, do đó hiệp hội sẽ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của DN.
Hiệp hội bảo vệ và hỗ trợ thành viên
Thời điểm năm 2003, khi Mỹ kiện VN bán phá giá sản phẩm cá tra, ba sa, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng bắt đầu được nhiều người biết đến. Khi sự việc xảy ra, Nhà nước không thể bảo vệ các DN bằng cách đứng ra để tham gia vụ kiện. Bởi khi đó, phía nguyên đơn sẽ có cớ, quy chụp Chính phủ VN trợ cấp cho các DN để bán phá giá. Bản thân các DN là bị đơn không thể tự đứng ra thuê luật sư riêng, bỏ kinh phí tính bằng đơn vị hàng trăm ngàn USD để bay sang trời Tây hầu kiện. Lúc này, vai trò của hiệp hội là hết sức quan trọng. VASEP đã đứng ra tập hợp các DN lại, tạo thành tiếng nói chung và cùng góp sức về kinh phí để cử người đứng ra làm đại diện tham gia vụ kiện. Kế đến là vụ kiện bán phá giá tôm, VASEP cũng đã làm tốt vai trò là một tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN hội viên. Đồng thời còn liên kết tốt với các hiệp hội của Mỹ, “đấu” lại sự vô lý và bất công của vụ kiện.
Hội Da giày TPHCM cũng được nhiều DN biết đến trong vụ kiện bán phá giá giày mũ da sang thị trường EU với vai trò là đầu mối tập hợp các DN để tạo tiếng nói chung. Ngoài ra, còn là “kênh” xúc tiến thương mại hiệu quả thông qua những lần tổ chức cho DN tham gia các hội chợ lớn của Hiệp hội Da giày thế giới tổ chức tại Mỹ, EU. Mới đây nhất, Hội Da giày TPHCM đã thành lập Công ty Phát triển ngành da giày để hỗ trợ kỹ thuật, phát triển vùng nguyên liệu cho DN thành viên...
Quá nhiều hiệp hội dẫn tới tranh giành quyền lợi
VN đang nỗ lực để hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của hiệp hội là không thể phủ nhận, nhất là việc hỗ trợ DN trong kinh doanh và tham gia các vụ kiện thương mại. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hiện nay là ngành nào cũng có thể ký quyết định thành lập hiệp hội, nên đã dẫn đến tình trạng “giẫm chân nhau”.
Ngành nhựa-cao su VN hiện đang được coi là ngành có nhiều hiệp hội nhất. Ngoài Hiệp hội Nhựa VN, tại TPHCM còn có đến 3 hiệp hội khác: Hiệp hội Nhựa TPHCM, Hội Cao su – Nhựa TPHCM và Câu lạc bộ Các Giám đốc ngành nhựa-cao su. Chưa kể mới đây, thêm một Hiệp hội Cao su vừa được thành lập. Ông Đỗ Văn Hai, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa, cho biết do có quá nhiều tổ chức cùng một ngành nghề, nên mạnh ai nấy làm, không liên quan gì với nhau, thậm chí còn tranh giành quyền lợi lẫn nhau.
Trước đây, Liên đoàn Nhựa ASEAN dự kiến tổ chức hội chợ chuyên về ngành nhựa có quy mô lớn tại VN và chỉ định Hiệp hội Nhựa TPHCM đại diện cho nước chủ nhà tham gia vào ban tổ chức (Hiệp hội Nhựa TPHCM là thành viên của Liên đoàn Nhựa ASEAN). Hiệp hội Nhựa VN không đồng ý vì cho rằng làm như vậy sẽ bị “bẽ mặt”. Giải quyết tranh chấp không xong, cuối cùng Liên đoàn Nhựa ASEAN đã rút lại hội chợ để tổ chức ở nước khác. Chưa biết ai đúng sai, nhưng một cơ hội tiếp thị “hiếm” cho ngành nhựa VN đã bị bỏ qua.
Bình quân mỗi tỉnh, thành có hơn 38 hiệp hội
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, tính đến tháng 6-2005, cả nước có đến 320 hiệp hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và 2.150 hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố. Như vậy, bình quân mỗi tỉnh, thành có hơn 38 hiệp hội. Do có quá nhiều hiệp hội, nên trên thực tế, nhiều ngành nghề đua nhau thành lập hiệp hội chỉ để... cho vui, vì thực chất tiếng nói của hội ít có tác dụng với thành viên. Giữa năm 2005, khi làn sóng tăng lãi suất có nguy cơ bùng nổ thì Hiệp hội Ngân hàng họp các thành viên lại để ký “hiệp ước” không tăng lãi suất. Khi “hiệp ước” chưa ráo mực thì nhiều ngân hàng chạy đua tăng lãi suất hữu hình và trá hình (khuyến mãi với các giải thưởng lớn). Nhiều người lý giải: Do hiệp hội không có biện pháp chế tài nên nhiều thành viên không sợ, đặc biệt là các thành viên ngân hàng quốc doanh.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do VN chưa có luật chung quy định việc thành lập, cũng như tổ chức hoạt động của hiệp hội.
Ông Trịnh Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Minh Sáng (TPHCM): Hiệp hội sẽ mạnh nếu DN được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi VN đang chuẩn bị gia nhập WTO, nên cách quản lý đối với các hiệp hội ngành nghề của Nhà nước thời gian qua đã thay đổi nhiều. Cụ thể là ít can thiệp sâu vào hoạt động của hiệp hội, làm cho tính độc lập và tầm quan trọng của hiệp hội tăng lên. Tuy nhiên, điều lệ hoạt động của nhiều hiệp hội ra đời đã quá lâu, trong bối cảnh kinh tế khác nhiều so với hiện nay. Tầm vóc của hiệp hội cũng lớn hơn nhiều so với trước đây cả về hội viên lẫn doanh số. Các DN vừa và nhỏ tham gia rất nhiều và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hiệp hội. Họ đang đòi hỏi hiệp hội hỗ trợ được gì cho họ, quyền lợi của họ được bảo vệ như thế nào khi tham gia hiệp hội, nếu giải quyết được các vấn đề này, các DN sẽ tích cực tham gia đóng góp nghĩa vụ, cùng xây dựng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của hiệp hội. L.Cường ghi |