Hỏng xương vì nhảy break dance
Bị va chạm nhẹ do tập nhảy break dance, một em học sinh được gia đình đắp lá láng, xoa bóp bằng dầu gió. Khi nhập viện, em đã bị tiêu huỷ xương, vôi hoá dây chằng, phải phẫu thuật mới có thể vận động trở lại.
Trào lưu văn hoá hip hop, trong đó có nhảy break dance đã được biết đến tại Việt Nam từ khá lâu. Hiện nay, khi break dance có mặt trong trò chơi điện tử, các băng đĩa dạy nhảy được bán tràn lan, việc tự học nhảy đã trở thành mốt của nhiều học sinh, sinh viên.
Chỉ với 5.000-7.000 đồng, mấy cậu bé học sinh đã có thể mua một VCD và tập nhún nhảy theo. Tại nhiều trường THPT, hiện tượng học sinh nam túm tụm "biểu diễn" hoặc tự dạy nhau nhảy break dance không còn hiếm. Sức hấp dẫn đặc biệt của điệu nhảy này là ở các động tác khó như xoay, nhào lộn cả cơ thể bằng tay, đầu… mà các diễn viên chuyên nghiệp phải tập luyện lâu dài mới biểu diễn được.
Trên băng đĩa, các "diễn viên hoạt hình 3D" thực hiện các động tác này có vẻ rất "sành điệu" và dễ dàng. Vì thế, dù chưa từng qua lớp học nhảy nào, nhiều cậu học trò tối tối vẫn tự "trồng cây chuối" để tập theo. Điều đáng ngại là đối với các "tín đồ break dance", chuyện bị vài vết tím bầm tay chân, ngã, xây xước chảy máu… trong khi tập luyện được xem là chuyện nhỏ.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, học sinh, sinh viên tập thể dục thể thao, chạy, nhảy… bị chấn thương phần mềm vào viện là khá phổ biến. Bất cứ môn thể thao nào, kể cả nhảy break dance, đều có lợi cho sức khoẻ con người nếu được tập luyện đúng bài bản và phù hợp.
Tuy nhiên, hiện tượng nhiều em học sinh đua đòi bạn bè học nhảy break dance không theo đúng quy trình tập luyện, không có thầy hướng dẫn và nhất là không phù hợp với thể chất là điều rất nguy hiểm.
Theo phân tích của bác sĩ Phúc, việc tập các động tác của nhảy break dance không đúng quy chuẩn có thể dẫn đến những chấn thương khó lường. Sang chấn hay gặp là các chấn thương phần mềm như đứt, dãn dây chằng, gây hạn chế vận động của tay chân. Tuy vậy, những chấn thương rất khó phát hiện, nhất là các vi chấn thương.
Trên thực tế, đã có em học ở ngay tại Hà Nội bị một vi chấn thương phần mềm, nhưng gia đình chỉ đắp lá láng, xoa bóp bằng dầu gió nên khi nhập viện, em đó đã bị tiêu huỷ xương, vôi hoá dây chằng gây kéo dài thời gian điều trị và phải phẫu thuật. Những động tác tay chân mạnh có thể dẫn tới các chấn thương xương như gãy xương, trật khớp. Đây cũng là một chấn thương khó phát hiện. Đặc biệt nguy hiểm là các động tác nhào lộn, xoay cả cơ thể bằng đầu của nhảy break dance có thể gây chấn thương cột sống, trong đó nguy hiểm nhất là chấn thương cột sống cổ.
Với các ca chấn thương nặng, cột sống bị chèn ép lâu ngày mà không được phẫu thuật có thể dẫn tới rối loạn hô hấp, tiêu hoá, thậm chí tử vong. Ngoài ra, các động tác mạnh này cũng có thể dẫn tới các chấn thương tạng rất nguy hiểm như vỡ gan, lách, thận, tụy… Ở lứa tuổi học sinh, những di chứng do chấn thương sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài về thẩm mỹ và tâm lý cho các em.