Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn

Ngày 28-8, Thừa Thiên - Huế sẽ kỷ niệm 10 năm Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới . Tình trạng nguy cấp của các di tích ở Huế đã qua đi, nhưng những thử thách trong việc trùng tu Huế vẫn còn đó

Tiến sĩ Richard Engelhardt, cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại châu Á- Thái Bình Dương sau khi đánh giá những thành quả đạt được trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Huế  trong thời gian qua đã có nhận xét: “Chúng tôi có thể tuyên bố rằng, tình trạng cứu nguy khẩn cấp của quần thể di tích Huế đã qua đi. Xét trên cơ sở quan tâm liên tục mà các di tích đòi hỏi phải có, Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn”. Ngày 28-8, tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ chính thức kỷ niệm mười năm  sự kiện Huế trở thành di sản văn hóa thế giới.

Sống lại những di tích

Cách đây mười năm, quần thể di tích Huế chính thức được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhớ lại:  Trước khi được công nhận là di sản thế giới, hơn một nửa trong tổng số 147 công trình ở khu vực Đại nội Huế, nơi tập trung các cung điện nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn đã là phế tích, hầu hết các kiến trúc gỗ đã bị mối, mọt phá hủy sau nhiều năm mưa gió, lũ bão và thiếu sự quản lý đúng nghĩa. Năm 1993, Huế trở thành di sản thế giới, Chính phủ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt tay  vào tôn tạo lại những gì có thể còn cứu vớt được trong những di tích đang rệu rạo đó. Chính phủ quyết định đầu tư 720 tỉ đồng (chưa kể các tổ chức nước ngoài tài trợ, đầu tư)  tôn tạo di sản Huế trong thời gian từ 1996 đến 2010 (chia thành 3 giai đoạn đầu tư). Như một liều thuốc tốt đến với người bệnh trong cơn nguy kịch, có tiền trong tay, hàng loạt công trình trong quần thể di tích Huế không ngừng được tôn tạo, chỉnh trang. Kết thúc giai đoạn một và năm đầu của giai đoạn hai (1996 đến 2003), tất cả các di tích của di sản này đều đã được bảo quản cấp thiết và gia cố chống hư hại. Các công trình có mức độ hư hại từ 40% đến 80% đều được lập dự án tu bổ, trong đó có 80 công trình đã được tu bổ với nhiều mức độ khác nhau.

Cùng với trùng tu, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, thì những giá trị văn hóa phi vật thể cũng được sống lại trong lòng người Huế và du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, vào đêm mồng một và đêm rằm hàng tháng, du khách được vào Đại nội xem ca nhạc cung đình Huế. Nhưng ít người biết được, có như hôm nay Huế đã nỗ lực hàng chục năm trời sưu tầm, nghiên cứu, tìm tòi lại những giá trị nghệ thuật xưa đã mất, để làm sống lại một nền âm nhạc độc đáo của mình.

Cuộc “hôn nhân” tốt đẹp giữa kinh tế - du lịch

Huế  được công nhận là một di sản văn hóa thế giới, nhiều người cho rằng đó là của “ hồi môn” quan trọng trong cuộc “hôn nhân” kinh tế- du lịch. Và cuộc “hôn nhân” này thực sự đã tỏa sáng khắp thế giới. Trong suốt những năm qua, UNESCO đã tổ chức  nhiều cuộc triển lãm về di sản văn hóa Huế tại nhiều nước trên thế giới, như Pháp, Bỉ, Nhật, Thái Lan, Mỹ... Qua đó hình ảnh của Huế được nhiều du khách nước ngoài biết đến như một địa điểm tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn và an toàn. Một động lực từ bên ngoài rất lớn để Thừa Thiên - Huế phát triển mạnh ngành kinh tế-du lịch và dịch vụ.

Ông  Phan Thế Kháng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên -Huế, đưa ra một con số rất thuyết phục về cuộc “hôn nhân” hạnh phúc này. Năm 1993, lượng du khách đến Huế tham quan mới chỉ là 243.000 người, năm 2002, con số du khách đến Huế tham quan đã lên hơn 1,3 triệu người với mức doanh thu năm 2002 đạt được 33 tỉ đồng. Từ 1993 đến nay, nhịp độ khách du lịch đến Huế tăng 63% mỗi năm (khách nước ngoài) và 21% năm đối với khách nội địa. Doanh thu du lịch trong mười năm qua Thừa Thiên- Huế thu được hơn 198 tỉ đồng, phần lớn  là nguồn thu từ di tích. Ông Lê Viết Xê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, nói: “Một số lượng doanh thu không nhỏ ở trên được tái đầu tư theo kiểu lấy di tích nuôi di tích”. Đặc biệt qua hai lần festival diễn ra ở Huế rất thành công, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng Huế  thành một thành phố festival, đó là những “bội thu” rất lớn về kinh tế  trong cuộc “hôn nhân” này.

Nhờ có một sự ứng xử thỏa đáng giữa con người và di sản, nên mười năm qua, Huế đã làm được rất nhiều việc để “Huế sẽ giữ được mãi mãi”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Huế đã kết thúc mà nó chính là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, còn nhiều thách thức đòi hỏi công cuộc bảo tồn di sản Huế phải được thực hiện tốt hơn, bền vững hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao hơn, bảo tồn nhưng phải bảo đảm giữ được tính nguyên gốc của di tích.