Hugh Thompson và câu chuyện Mỹ Lai

Vụ thảm sát ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi) là chương nhục nhã nhất của Mỹ trong cuộc chiến tại VN. Nhưng dù sao nước Mỹ còn vớt vát chút danh dự nhờ lòng dũng cảm của Hugh Thompson

Khi về nhà sau ngày làm việc tại Bộ Cựu chiến binh Louisiana vào một ngày mùa thu 1994, Hugh Thompson nhận được bưu kiện nhỏ, trong đó có bản sao hàng chục lá thư gửi lên Chính phủ Mỹ cũng như các viên chức quân đội, tất cả đều có nội dung đề nghị trao huy chương cho Thompson. Việc đánh động này do giáo sư David Egan thuộc ĐH Clemson tiến hành, người đã bỏ ra ba năm ròng để tung chiến dịch viết thư, vì Thompson. Năm 1989, Egan xem một phim tài liệu truyền hình nói về hành động anh hùng của Thompson tại Mỹ Lai, Việt Nam, vào ngày 16-3-1968. Nhận gói bưu kiện, Thompson vui mừng, nhưng không lạc quan về thành công của chiến dịch lên án nước Mỹ. Vụ thảm sát Mỹ Lai là chương nhục nhã nhất của cuộc chiến Việt Nam. Quân đội Mỹ hẳn không muốn gây dư luận chú ý một lần nữa...

Lương tâm: Đêm đó, sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, hơi lạnh mùa xuân thổi qua căn cứ, Thompson nằm nghe tiếng xào xạt từ cành tre. Chập chờn đến sáng, nghe tiếng súng nổ xa xa đâu đó, Thompson cầu nguyện, và khóc...

Những điều H. Thompson thấy và hành động

Vào cái ngày dài đó, chuẩn úy Hugh Thompson cùng hai đồng đội mình - Larry Colburn và Glenn Andreotta - cất cánh trên một trực thăng từ căn cứ ở Chu Lai. Họ được lệnh bay đến làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ một cuộc tấn công Việt Cộng. Các sĩ quan chỉ huy thông báo rằng ngôi làng là cứ địa quan trọng của Việt Cộng và bất cứ ai trong đó cũng là Việt Cộng. Mỹ Lai, một trong những ngôi làng nhỏ của Sơn Mỹ, sẽ là điểm bắt đầu cho cuộc hành quân. Khi Thompson bay đến gần Mỹ Lai, mưa đạn pháo đang dội xuống ở phía Tây. Phụ nữ bủa tìm bọn trẻ và đưa chúng xuống hầm. Nông dân trên đồng cũng chạy tán loạn tránh đạn. Trâu, bò, heo, gà chạy tứ tán. Các trực thăng chở quân hạ cánh và lính Mỹ chuẩn bị giáp mặt trực tiếp với cuộc kháng cự của Việt Cộng. Tuy nhiên, không có tiếng súng nào của kẻ thù. Sau một giờ thăm dò, Thompson bay về căn cứ lấy thêm nhiên liệu và trở lại Mỹ Lai. Ông và hai đồng sự nhìn thấy hàng chục thi thể - đàn bà, trẻ con, người già - nằm trong một cái mương. Quang cảnh khiến họ giật mình. Thompson vội vàng xóa ngay ý nghĩ rằng đó là nạn nhân của lính Mỹ. Loại tội ác chiến tranh này chỉ Đức quốc xã mới dám làm. Tiếp tục bay, nhóm Thompson thấy một phụ nữ bị thương. Nhận ra nạn nhân là thường dân, Thompson yêu cầu đồng sự Glenn Andreotta thả xuống một ống khói màu để bộ binh có thể tìm thấy và giúp.

Thompson cũng gọi vô tuyến đến một trực thăng chiến đấu Huey xin hỗ trợ y tế. Bay vần vũ phía trên, Thompson thấy có một nhóm 3-4 lính Mỹ đang đến gần người phụ nữ, do đại úy Ernest Medina chỉ huy. Nạn nhân ra dấu xin được giúp. Medina chĩa súng thẳng vào bà và bắn. Ít phút sau, Andreotta phát hiện một nhóm 7-8 lính Mỹ tiến đến một boongke, nơi có ba người Việt đang nấp. Đến lúc đó, Andreotta cũng như hai đồng sự đã hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Hạ trực thăng, Thompson vội vàng chạy đến nhóm lính Mỹ. Anh không mang theo gì trừ khẩu súng bên hông. Yêu cầu viên trung úy chỉ huy Stephen Brooks giúp những người trong boongke, Thompson nhận được câu trả lời: “Cách duy nhất để lôi chúng ra ngoài là một quả lựu đạn”. Phẫn nộ, Thompson yêu cầu viên trung úy không manh động. Nhìn ánh mắt quyết liệt của

Thompson và ngón tay đặt vào cò súng M-60 của Larry Colburn, Brooks lẳng lặng thi hành. Tiến đến boongke, Thompson nói: “Ra ngoài này với tôi, không ai làm hại các bạn nữa...”. Một ông già gầy trơ xương lồm cồm bò ra, theo sau là một phụ nữ và một em bé... Lần lượt, đám người bò ra. Tổng cộng, có khoảng 10 nạn nhân. Dùng máy vô tuyến, Thompson đề nghị một trực thăng Huey hạ cánh để di tản những nạn nhân. Đó là việc làm trái luật nhà binh: Huey không bao giờ được phép hạ cánh trên vùng đất kẻ thù. Tuy nhiên, chiếc Huey cũng đáp xuống và những nạn nhân được chuyển đi.

Trên đường về căn cứ, Glenn Andreotta lại phát hiện gì đó, khi la lên: “Có gì động đậy dưới kia, quay lại đi”. Thompson cho trực thăng đáp. Andreotta phóng ra và chạy đến một cái mương. Anh lật một cái xác và bên dưới là một em nhỏ, mình đầy máu. Colburn chạy đến giúp và mang thằng bé lên trực thăng. Nhìn thân thể run rẩy của thằng nhỏ, Thompson nghĩ đến con trai mình, và anh bật khóc. Thằng bé được mang đến một nhà thương ở Quảng Ngãi, nơi Thompson trao nó cho một bà sơ. Trở về căn cứ, Thompson nổi điên với tay chỉ huy trung đội. “Đây chỉ là những thứ vô nghĩa” - Thompson gào lên, chỉ vào huy hiệu trên quân phục - “Tôi sẽ xé toạc và không bao giờ bay nữa”. Ít giờ sau, thái độ phản kháng của Thompson đến tai trung tá Frank Barker - chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm tiến hành cuộc thảm sát thường dân ở Mỹ Lai. Đến lúc đó, số nạn nhân bị giết đã lên tới hơn 500 người. Hành động của Thompson hôm đó đã đưa đến quyết định ngừng bắn và giúp ngăn chặn những cuộc giết chóc khác có thể xảy ra ở Mỹ Lai.

Hành động dũng cảm của họ đã được công nhận

Cũng từ hôm đó, Thompson bị cô lập và sống trong cô đơn. Không lâu sau khi trở về từ Việt Nam, vợ chồng Thompson ly dị. Ông chỉ còn vài người bạn và mất hẳn liên lạc với Larry Colburn từ sau chiến tranh. Còn Glenn Andreotta đã tử nạn trong một cuộc giao tranh vài tuần sau sự kiện Mỹ Lai. Nhiều cựu chiến binh tỏ ra không thoải mái khi gặp ông và thậm chí vài người còn xem ông là kẻ đê tiện, kẻ phản bội. Thompson còn nhận hàng tá thư chửi rủa cũng như các cú điện thoại nặc danh, lên án sự có mặt của ông trong phiên tòa do Ủy ban Điều tra quân đội tổ chức. Lời khai của Thompson đã giúp lôi ra nhiều tên trực tiếp điều khiển màn giết chóc, trong đó có đại úy Ernest Medina (được xử trắng án!) và trung úy William Calley (kẻ duy nhất bị kết tội). Tháng 11-1983, Thompson xuất ngũ và dọn đến Broussard (Louisiana), sống lặng lẽ một cuộc đời bình thường. Rồi năm 1989, bộ phim tài liệu về Mỹ Lai do nhà làm phim Anh Michael Bilton thực hiện đã gây chú ý cho giáo sư David Egan...

Ngày 6-3-1998, 30 năm sau sự kiện Mỹ Lai, chiến dịch của Egan có kết quả. Hugh Thompson được trao huy chương tại Hội Tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Đứng sát ông trong buổi lễ là người bạn cũ Larry Colburn. Thompson đã thuyết phục Lầu năm góc không chỉ trao huy chương cho mình mà cho cả Colburn, cũng như Glenn Andreotta. Chưa đầy một tuần sau, hai cựu chiến binh già trở lại Việt Nam, cùng đoàn nhà báo của Mike Wallace. Họ trở lại Mỹ Lai, trong buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân vô tội bị thảm sát trước đó đúng 30 năm. Ngày 15-3-1998, Thompson và Colburn gặp bà Phạm Thị Nhung, 76 tuổi và cô Phạm Thị Nhanh, 36 tuổi. Họ là hai trong số những người được cứu... Lúc trở về Mỹ, Thompson và Colburn nhận được nhiều thư bày tỏ sự ngưỡng mộ và ủng hộ. Đột nhiên, dường như ai cũng muốn nghe câu chuyện của họ. Cả hai cũng nhận được bằng tiến sĩ danh dự Đại học Connecticut vào mùa thu 1998. Năm đó, họ đã sang Na Uy dự hội nghị Falstad về nhân quyền. Hành động dũng cảm của ba người lính cuối cùng cũng đến tai công luận thế giới...