Hữu hạn & trường tồn

Cuộc đời con người hữu hạn. Trong cái ngắn ngủi định mệnh ấy của mỗi cá nhân, một câu hỏi luôn tự nó đặt ra, sừng sững trước mắt mọi người: Làm gì và làm sao đây, vượt lên mọi khó khăn bức xúc, góp phần hữu hạn vào sự trường tồn của dân tộc, giữa dòng thời gian vô thủy vô chung?

Năm Trâu chưa qua, năm Hổ đã ngấp nghé.


Mới cuối thu, vé tàu xe Nam Bắc chộn rộn. Doanh nhân lao xao tích trữ hàng Tết. Người tiêu dùng nơm nớp giá cả tăng. Ai lo cứ lo, ai sợ cứ sợ, giá đứng hay giá cao ngất ngưởng, hàng nhập hay hàng nội, chất lượng cao hoặc đồ dỏm, đến giáp Tết, người tiêu dùng rồi cũng chỉ chép miệng lắc đầu và ào ào mua sắm...


Thiên hạ xưa nay vẫn nói: Thời gian vô thủy vô chung. Chẳng ai biết thời gian khởi đầu từ đâu và sẽ kết thúc lúc nào. Cho dù rồi sẽ đến ngày tận thế chăng như nhiều thánh kinh, sấm ký tiên lượng thì đó cũng chỉ là sự hủy diệt của loài người, còn cuộc sống trong vũ trụ, giữa dòng thời gian sẽ tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Con người hữu hạn, tự nhiên vô cùng.


Các loại lịch ấn định ngày giờ, năm tháng đều do con người nghĩ ra. Chẳng qua chỉ là quy ước phân định và đánh dấu những cái mốc trong cuộc sống ngắn ngủi của mình. Lịch nào chẳng bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên và truyền thống sinh hoạt cộng đồng.

Lịch nào cũng không thể không dựa trên sự xoay vần của trái đất, mặt trăng, mặt trời - tức là khí hậu thời tiết, đồng nghĩa với đổi thay mùa vụ săn bắt, hái lượm, gieo trồng, thu hoạch, di trú, dựng xây, tế lễ... Người nguyên thủy chưa làm ra lịch thì quan sát trăng sao, dõi theo con gấu tìm hang, bầy chim trốn rét mà định lối sống của bầy đàn.

Chàng Robinson một mình trên hoang đảo, dùng dao chém vào cột gỗ để nhớ số ngày tháng cô đơn giữa  sóng nước. Nhà cách mạng trong hầm tử tù tăm tối đêm dài, cầm mảnh sành vạch xuống nền xà lim đo đếm những ngày tháng đau khổ mà vẫn lạc quan mong ngóng thời cục chóng đổi thay...

Những tấm lịch tưởng vô hồn mà thấm đẫm biết bao ý nghĩa.

img
Tuổi thơ - Ảnh: NGUYỄN ĐỖ ANH THƯ


Ngẫm nghĩ lan man về quá khứ, tôi chợt nhận ra nhiều cái mốc trùng hợp thiêng liêng và kỳ thú, cho dù có thể ngẫu nhiên, trong lịch sử dân tộc ta.

 

Loài người có sử nhiều lắm cũng mới từ dăm, sáu thiên niên kỷ trở lại đây. Đối với dân tộc Việt Nam, phải chăng thời kỳ đầu (vào thiên niên kỷ III trước CN) hẳn là thời đại hồng hoang.

Thiên niên kỷ II là thời đại mở nước, khởi đầu với các triều đại vua Hùng. Thiên niên kỷ I (trước CN) là thời gian bị nước ngoài đô hộ xen những cuộc nổi dậy của các tộc người bản địa. Thiên niên kỷ đầu (sau CN) ứng với thời gian dân tộc ta chịu thống trị mà quật khởi, bị đàn áp vẫn vùng lên, trong gian lao đắp xây móng nền tự chủ.

Mở đầu với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), tiếp tục với Bà Triệu, Nam Đế Lý Bôn, Hắc Đế Mai Thúc Loan, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng... Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ (905-938) quê tỉnh Hải Dương ngày nay, là người Việt đầu tiên buộc Bắc triều cao ngạo phải chính thức công nhận là “vị đứng đầu đất Việt”. Rồi rạng rỡ Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng Giang, thiên niên kỷ I kết thúc cùng Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và việc định đô tại Hoa Lư (980-1009).


Thiên niên kỷ I, đấu tranh giành độc lập cũng là thời kỳ chúng ta tiếp nhận tinh túy các nền văn hóa rực rỡ Hán, Lương, Đường, Tống ở phương bắc, mà không để bị hòa tan, mà vẫn giữ vẹn bản sắc của mình, lưu truyền tinh hoa cho con cháu tiếp thu, nhào nặn, kế thừa.


Thiên niên kỷ II (sau CN) là ngàn năm xây dựng độc lập, tự chủ, mở mang bờ cõi Việt Nam, bắt đầu từ triều Lý và sự kiện dời đô về Thăng Long (1010). Thiên niên kỷ phát lộ mạnh mẽ bản lĩnh người Việt: cần mẫn và trí lự trong xây nước mở cõi, anh hùng và mưu lược trong chiến đấu chống xâm lăng.

Thiên niên kỷ tỏa sáng trên địa cầu tư chất con người và văn hóa Việt. Thế kỷ cuối cùng, thế kỷ XX, ghi khắc hàng loạt sự tích anh hùng, mà hai đỉnh cao mở ra kỷ nguyên mới là Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và thống nhất đất nước vẹn toàn 1975.

Lớp lớp người với cuộc sống hữu hạn nối tiếp tạo lập sự trường tồn.

 

Thế kỷ XX đau thương với hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất lịch sử. Nhưng đó cũng là thế kỷ rực sáng nhiều vĩ nhân như Lênin ở Nga, José Marti ở Cuba, Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Gandhi và Nehru ở Ấn Độ, Tôn Dật Tiên và Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Sukarno ở Indonesia...

Và đương nhiên Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Những con người ấy ra đời khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc đang làm mưa làm gió, khi “mặt trời không bao giờ lặn trên cương vực mấy nước giàu” - mà mỉa mai thay, những cương vực rộng lớn của họ chủ yếu lại bao gồm đất đai họ đi ăn cướp của người khác.

Những vĩ nhân thế kỷ XX đã bằng đường này hay đường khác, tìm ra cách thách thức quyền lực tưởng chừng bất khả xâm phạm của phương Tây, làm đổi thay trật tự thế giới.

img
Vững tay chèo. Ảnh: NGUYỄN Á


Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta chào đời cuối thế kỷ XIX vào một năm tròn (1890). Bốn mươi năm sau (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Trước đó 5 năm, năm 1925, Người sáng lập Báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên mà sứ mệnh là chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 15 năm sau, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Và 30 năm sau nữa: 1975, vượt lên bao mất mát hy sinh, đất nước Việt Nam sau thời gian dài bị nước ngoài xâu xé, lại liền một dải. Toàn những cái mốc tròn trặn. Để sang năm con Hổ 2010 này, diễn ra nhiều kỷ niệm đặc biệt: 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta tròn 80 tuổi, 65 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 35 năm thống nhất đất nước...

Và sâu lắng giữa chiều dày lịch sử, đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.


Bao nhiêu sự kiện có ý nghĩa dồn vào một năm, giữa dòng chảy thời gian vô tùng vô tận, chẳng phải là sự trùng hợp diệu kỳ? 

 

Kỷ niệm là nhìn lại quá khứ, khắc ghi bài học, cùng nhau hành động

Những ngày kỷ niệm không phải là “đến hẹn lại lên”. Nói theo ông cha ta, kỷ niệm là “ôn cũ, biết mới”. Tế lễ là tưởng nhớ và tôn vinh, là cầu chúc cho “ngày mới, ngày mới, lại ngày mới”. Kỷ niệm là nhìn lại quá khứ, khắc ghi bài học, cùng nhau hành động.


Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là cơ hội ngàn năm có một. Đâu phải thế hệ nào cũng có được vinh dự kỷ niệm ngàn năm? Sự kiện ấy không chỉ là cái mốc tưng bừng lễ hội, tri ân tiên tổ, tôn vinh các bậc tiền bối có công, mà còn là thời cơ cho thế hệ này lưu lại hậu thế nhiều công trình kỳ vĩ về kết cấu hạ tầng kinh tế, về an sinh xã hội, văn hóa, tinh thần... Là dịp cùng nhau nhìn lại cội nguồn mà nâng cao tự hào, giữ gìn nếp sống truyền thống trong văn minh, hiện đại.

Đây là điểm trùng khớp giữa ý đồ của lãnh đạo với kỳ vọng của người dân !


Cuộc đời con người hữu hạn. Trong cái ngắn ngủi định mệnh ấy của mỗi cá nhân, một câu hỏi luôn tự nó đặt ra, sừng sững trước mắt mọi người: Làm gì và làm sao đây, vượt lên mọi khó khăn bức xúc, góp phần hữu hạn vào sự trường tồn của dân tộc, giữa dòng thời gian vô thủy vô chung?