Khí-điện-đạm: Nguồn lợi lớn cho nền kinh tế

NHIÊN LIỆU KHÍ.- Trữ lượng khí của VN vào khoảng 5.000 tỉ m3 . Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho KCN liên hiệp khí - điện - đạm Phú Mỹ, Cà Mau

Theo ước đoán, VN có trữ lượng khí khá lớn, vào khoảng 5.000 tỉ m3, chủ yếu tập trung ở vùng mỏ Bạch Hổ, vùng bồn trũng Nam Côn Sơn và vùng bồn trũng Cửu Long.

Những bước đột phá

Trang mới của ngành công nghiệp khí đốt VN bắt đầu vào tháng 4-1993 với việc triển khai dự án hệ thống thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đến Thủ Đức (TPHCM). Giữa năm 1995, giàn nén khí trung tâm ở mỏ Bạch Hổ được khởi công xây dựng và từ tháng 3-1998 bắt đầu vận hành ở chế độ cung cấp 4,1 triệu m3/ngày đêm cho các nhà máy điện thông qua Nhà máy Khí hóa lỏng Dinh Cố có tổng vốn đầu tư hơn 80 triệu USD.

Tháng 4-2002, dự án khí - điện - đạm Cà Mau, KCN lớn nhất miền Tây, có tổng vốn đầu tư 850 triệu USD đã được khởi công xây dựng. Dự án này khai thác khí ở lô PM-3 tại vùng biển chồng lấn giữa VN, Thái Lan, Malaysia để tiến hành cung cấp nguyên liệu đầu vào cho một nhà máy điện turbin khí có công suất 400 MW, một nhà máy phân đạm sản lượng 400.000 tấn/năm. Tiếp đó, tháng 8-2002, khí đồng hành từ mỏ Rạng Đông thuộc quyền điều hành và khai thác của Công ty Dầu khí Việt - Nhật (JVPC) cũng đã được cung cấp cho các nhà máy điện thông qua sự vận chuyển của hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ.

Nhưng, bước đột phát của ngành công nghiệp khí đốt VN chính là dự án khí Nam Côn Sơn được khởi công xây dựng vào tháng 4-2001, sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các hộ tiêu thụ công nghiệp trong KCN liên hiệp khí điện đạm Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4,5 tỉ USD vào ngày 26-11-2002.

Động lực của động lực

Dự án khí đồng hành Bạch Hổ trực tiếp tăng thêm năng lực thương mại 240 triệu USD mỗi năm cho VN. Nhờ có nguyên liệu đầu vào là khí, hai nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ đã tạo ra 2 tỉ KWh mỗi năm, tiết kiệm được 5 tỉ đồng mỗi ngày do việc dùng khí thay thế cho dầu diesel. Khí đồng hành từ mỏ Rạng Đông cũng đã đóng góp cho ngân sách 36 triệu USD/năm. Vào năm 2005, khi dự án khí - điện - đạm Cà Mau hoàn thành và đi vào hoạt động, ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp từ nguồn điện và phân đạm, cơ cấu kinh tế thuần nông - thuần ngư của một vùng rộng lớn ở miền Tây Nam Bộ về cơ bản sẽ thay đổi theo hướng công nghiệp hóa.

Trong ngành công nghiệp khí đốt VN, dự án khí Nam Côn Sơn có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng nhất. Dự án này là cơ sở ra đời của KCN liên hiệp khí - điện - đạm - thép - nhựa Phú Mỹ.

 Thủ tướng Phan Văn Khải đã gọi dự án khí Nam Côn Sơn và KCN liên hiệp khí Phú Mỹ là “động lực của các động lực”.

Tài nguyên quý của quốc gia

Tổng Giám đốc Petro Vietnam Nguyễn Xuân Nhậm nói: “Cùng với dầu thô, khí đốt, dù đồng hành hay không đồng hành, đều là một tài nguyên quý, nguồn lợi quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, Petro Vietnam đang thực hiện nhiều chính sách và bước đi thích hợp để phát triển ngành công nghiệp then chốt này”. Ông Nhậm cho biết, sau thành công từ dự án khí Nam Côn Sơn, tập đoàn dầu khí BP đang tích cực triển khai tìm kiếm và khai thác khí ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa. Petro Vietnam cũng hợp tác với tập đoàn Zarubezneft của Nga để tìm kiếm, thăm dò và khai thác khí ở vùng biển Bắc Bộ và Trung Bộ. Ông Nhậm cũng cho biết thêm: Các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ như Conoco, MobilExxon, Texaco cũng đang định hình chiến lược thăm dò và khai thác tại VN. “Tiếp bước ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô, giờ đây, đến lượt ngành công nghiệp khí đốt cất tiếng nói trong nền kinh tế quốc dân” - ông Nhậm nói.