Khó áp dụng xét xử theo án lệ

Đề nghị xây dựng cơ chế mở để xử lý các bản án sai, dù thời hạn kháng nghị đã hết

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc trong ngày 21-8, thảo luận và cho ý kiến về tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự.

 
Trong tờ trình, TAND Tối cao đề xuất áp dụng xét xử theo án lệ. Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ, việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập được tiền lệ để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này.
 
Án lệ sẽ tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của những vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của đội ngũ thẩm phán, các cá nhân, cơ quan và tổ chức tham gia tranh tụng; đồng thời, giúp các đơn vị khi đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại biết để phòng tránh rủi ro.
 
Tuy nhiên, lập luận trên không được Ủy ban Tư pháp của QH đồng tình. Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng quy định trên không phù hợp với hệ thống pháp luật VN, nhất là hiện nay chúng ta phải liên tục sửa đổi bổ sung các quy định, vì thế trong từng giai đoạn cụ thể, chính sách pháp luật sẽ không còn giống nhau. Hơn nữa, một bản án được coi là án lệ phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo luật định, chứ không phải bản án nào của tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ, bắt buộc phải tuân theo.
 
Ngoài ra, các đại biểu họp cũng đề nghị xây dựng cơ chế mở để xử lý các bản án sai, dù thời hạn kháng nghị đã hết hiệu lực. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, nói: “Hiện nay, có đến 60% số đơn đề nghị xem xét bản án sai nhưng chưa được giải quyết. Nếu giải quyết hết số đơn trên, tôi chắc rằng sẽ lòi ra nhiều án oan. Không thể cứ để “trôi” qua 3 năm rồi nói không giải quyết được vì thời hạn kháng nghị đã hết. Nói như thế mà không cần biết án đó đúng hay sai là chưa ổn”. Ủy ban Tư pháp của QH cho biết vấn đề này đang được nghiên cứu, xử lý trong dự án Luật Tố tụng Hành chính.