“Khoán một cục” giảm trừ gia cảnh: Không công bằng!
Hôm qua (15-6), dự Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã chính thức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. So với quy định hiện hành về thuế TNCN (Thông tư 81 của Bộ Tài chính ban hành ngày 13-8-2004 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao), dự Luật Thuế TNCN có những điểm mới, đáng quan tâm.
Thêm các khoản thu nhập chịu thuế mới
Hầu hết các khoản thu nhập chịu thuế và không chịu thuế được quy định trong dự luật là kế thừa quy định hiện hành (Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao). Ngoài ra, dự luật lần này còn đưa vào diện chịu thuế nhiều khoản thu nhập mà quy định hiện hành tạm chưa thu thuế (xem biểu 1).
Được giảm trừ gia cảnh
Sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân đối tượng nộp thuế và người phụ thuộc (nếu có), số thu nhập còn lại, dù là... 1 đồng/tháng, cũng phải chịu thuế 5%, theo bậc 1 của biểu thuế mới trong dự luật. |
Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm chịu thuế TNCN đối với lao động trong nước là 5 triệu đồng/tháng trở lên (60 triệu đồng/năm trở lên); đối với lao động nước ngoài tại VN là 8 triệu đồng/tháng trở lên (96 triệu đồng/năm trở lên). Thuế suất tối thiểu của quy định hiện hành là 10%, tối đa là 40%.
Dự luật có điểm mới, khá quan trọng, đó là cá nhân nộp thuế được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế. Mức giảm trừ đối với người nộp thuế có hai phương án: 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) hoặc 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm). Lao động trong nước và lao động nước ngoài cùng được hưởng một mức giảm trừ như nhau. Ngoài ra, người nộp thuế được giảm trừ cho người phụ thuộc (ít nhất là một người), tối thiểu là 1,6 triệu đồng/tháng (bằng 40% mức giảm trừ của người nộp thuế). Như vậy, so với quy định hiện hành, ngưỡng chịu thuế sẽ cao hơn.
Ví dụ: Ông X có thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, số thuế ông X phải nộp là (7 triệu đồng - 5 triệu đồng) x 10%, bằng 200.000 đồng.
Theo dự luật, nếu ông X là người độc thân thì sẽ được giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng. Thu nhập chịu thuế còn lại là 3 triệu đồng. Với thu nhập này, thuế suất là 5%, tương ứng số thuế phải nộp là 150.000 đồng.
Trong trường hợp ông X có một người phụ thuộc, tổng mức được giảm trừ của ông X là 5,6 triệu đồng (4 triệu đồng + 1,6 triệu đồng). Thu nhập chịu thuế còn lại là 1,4 triệu đồng. Với thu nhập này, thuế suất là 5%, tương ứng số thuế phải nộp là 70.000 đồng.
Tóm lại, giảm trừ gia cảnh là cách làm tiến bộ, có xét đến hoàn cảnh của người nộp thuế. Tuy nhiên, như Báo NLĐ ngày 15-6 đã phân tích, mức giảm trừ (4 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng) mang tính “khoán một cục”, áp dụng với mọi ngành nghề, mọi đối tượng nộp thuế là chưa công bằng.
Toàn dân đóng thuế?!
Theo biểu thuế lũy tiến từng phần đang được áp dụng, thuế suất cao hơn biểu thuế trong dự luật, đồng nghĩa với số thuế phải nộp sẽ ít hơn, dù cùng mức thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, điểm đáng băn khoăn theo quy định ở biểu thuế mới là, sau khi giảm trừ gia cảnh, số thu nhập còn lại, dù là... 1 đồng/tháng, cũng phải chịu thuế (5%, theo bậc 1). Điều này có thể sẽ dẫn đến cảnh... toàn dân phải đóng thuế!
Sáu nội dung chính được đưa ra lấy ý kiến - Đối tượng nộp thuế: Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, công thương nghiệp đang thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển sang nộp thuế theo Luật Thuế TNCN. - Thu nhập chịu thuế: Thu hay không thu với lãi từ tiền gửi tiết kiệm và các khoản thu nhập ngẫu nhiên khác. - Biểu thuế. - Đối tượng nộp thuế. - Giảm trừ gia cảnh. - Thời điểm luật có hiệu lực, dự kiến 1-1-2009. |
Thời gian góp ý cho dự luật đến ngày 15-8-2007 qua địa chỉ: Văn phòng Quốc hội, số 37 Hùng Vương (Hà Nội); fax: 080. 46997; e-mail: gopykienphapluat @qh.gov.vn hoặc website: http://duthaoonline.quochoi.vn - Báo NLĐ cũng tập hợp ý kiến đóng góp của độc giả qua Báo NLĐ Điện tử, địa chỉ: http:// www.nld.com.vn |