Khởi động dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân Tây nguyên

Kể từ khi Bộ Y tế thiết lập Dự án đến khi Chủ tịch nước phê duyệt "Hiệp định vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) triển khai dự án chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân Tây Nguyên", đạt "kỷ lục" về tốc độ triển khai chưa đầy một năm (6/2003-7/2004).

Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước ta nhằm cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn 2005-2010.

Điều kiện triển khai dự án

Khu vực Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đầu tư và phát triển kinh tế- xã hội cho người dân Tây Nguyên. Hệ thống y tế đã được củng cố và phát triển một bước, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, các chỉ số về sức khỏe, kinh tế và xã hội các tỉnh Tây Nguyên vẫn xếp vào hạng thấp so với một số địa phương khác. Trong khi cơ sở vật chất ngành y tế còn nghèo nàn, đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu lại vừa yếu về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn... Để góp phần giải quyết những bất cập trong công tác chăm sóc y tế, từ năm (2004-2009) Chính phủ quyết định sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng ADB và nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Điển cùng với nguồn vốn trong nước đầu tư 30.579 triệu USD cho Dự án CSSK nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng ADB là 20 triệu USD, nguồn giúp đỡ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển 48 triệu SEK, (tương đương 5,6 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, 78 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD).

Giám đốc Dự án Chăm sóc sức khỏe Tây Nguyên Trung ương- Nguyễn Đình Thường cho biết : Mục tiêu của Dự án là: Cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng và nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng đặc biệt ưu tiên đối với người nghèo và các dân tộc thiểu số; Tăng cường khả năng hoạt động của hệ thống y tế để ngày một đáp ứng có hiệu quả nhu cầu chăm sóc y tế của nhân dân Tây Nguyên. Dự án này tập trung ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng như đầu tư 1 triệu USD phục vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao phục vụ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên; Dự án sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp một số trung tâm y tế dự phòng, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm phòng chống bệnh xã hội, trường trung học y tế cấp tỉnh và một số trung tâm y tế huyện. Dự án còn hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế sau đại học; bồi dưỡng cán bộ đại học, kỹ thuật viên và y tế trung học, quản lý tài chính và giám sát khỏe ban đầu... Một điều hết sức thuận lợi, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển sẽ hỗ trợ 4 triệu USD cho Quỹ khám chữa bệnh người nghèo. Đây được coi là biện pháp kích thích y tế cơ sở phát triển để giúp hàng triệu người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển đời sống khó khăn được hưởng các dịch vụ y tế cũng như thay đổi thói quen lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe.

... chủ tịch 5 tỉnh ký cam kết

Với tốc độ "chóng mặt", sau chưa đầy một tháng Chính phủ thông qua Hiệp định vay vốn, ngày 1/7, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch Dự án đấu thầu, năm (2004-2005). Tiếp đó, Hội nghị "Triển khai Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên", chủ tịch các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông đã ký cam kết với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm. Ban quản lý dự án Trung ương yêu cầu lãnh đạo 5 tỉnh chuẩn bị đủ nguồn vốn đối ứng cho năm 2005 và xây dựng kế hoạch chi tiết cho các hoạt động của dự án. 2/3 tổng số kinh phí dự án được đầu tư cho các hoạt động tại cơ sở. Ban quản lý dự án Trung ương có trách nhiệm hỗ trợ 5 địa phương thực hiện đúng tiến độ giải ngân, giám sát và trực tiếp mua sắm một số thiết bị với quốc tế. Lý do khiến tiến độ dự án được khởi động nhanh đến "bất ngờ" vì ngoài nhu cầu cấp bách phục vụ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên còn phải kể đến việc Bộ Y tế rất quan tâm đến việc sử dụng nguồn vốn vay phải được đầu tư đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Ban quản lý dự án Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng cho gói thầu đầu tiên mua sắm ô tô và một số thiết bị y tế được triển khai trong năm 2004 và các kế hoạch hoạt động của Dự án được thực hiện theo phương pháp cuốn chiếu. Mọi việc mới bắt đầu, hy vọng Dự án CSSK Tây Nguyên sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của hàng triệu người dân Tây Nguyên./.