Kiểm soát và hạn chế cạnh tranh độc quyền

KINH TẾ.- Hạn chế độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước và cải cách bộ máy hành chính là hai nhiệm vụ cơ bản của VN cũng như Trung Quốc để phát triển nền kinh tế thị trường vững mạnh

Ngày 5-9, tại Hà Nội, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo “Chính sách cạnh tranh: Kinh nghiệm Trung Quốc và bài học đối với VN”. Theo thống kê, năm 1999 trên toàn thế giới có 84 quốc gia ban hành Luật Chống độc quyền để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, trong đó chủ yếu là các nước phát triển. Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hiện nay các nước đang phát triển đều đã “thức tỉnh” và đang bắt tay xây dựng luật này.

Cạnh tranh độc quyền sẽ tác động tiêu cực

Giáo sư Vương Hiểu Diệp (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc) khẳng định VN và Trung Quốc cũng chuyển sang kinh tế thị trường từ một xuất phát điểm chung là nền kinh tế kế hoạch hóa. Phát sinh từ thói quen độc quyền nhà nước, từ sự can thiệp vô lối của cơ quan công quyền vào cạnh tranh, làm sai lệch hướng đi bình thường của một cơ chế thị trường hiện đại. Bà Vương Hiểu Diệp cho biết, tại Trung Quốc đang có hai loại hình chủ yếu hạn chế cạnh tranh là liên kết, cấu kết lại để cạnh tranh (cạnh tranh nhóm) và gây cản trở cạnh tranh bằng các thủ tục hành chính. Rào cản hành chính đối với cạnh tranh chủ yếu tồn tại ở hình thức độc quyền ngành, độc quyền địa phương. Chẳng hạn tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đã quy định phí trước bạ cho một xe ô tô Santara do các doanh nghiệp (DN) địa phương sản xuất là 20.000 nhân dân tệ (NDT) nhưng phí trước bạ cho các loại xe được sản xuất từ nơi khác đăng ký tại Thượng Hải là 80.000 NDT. Ngành đường sắt thường điều chỉnh tăng 50% giá vé vào các ngày lễ, tết... Còn ở VN, trước khi có Luật DN, Hiệp hội Taxi quy định giá vận tải tính chung cho các hãng ở mức cao gấp hai hoặc ba lần giá thực tế. Việc sáp nhập thành các tổng công ty 90 - 91 chỉ nhấn mạnh mục đích làm cho quy mô của khối DN nhà nước lớn hơn, nhưng nó sẽ “đẻ” ra cơ chế độc quyền DN. Các nhóm độc quyền này đang có tác động tiêu cực tới tính cạnh tranh của thị trường.

Hạn chế độc quyền như thế nào?

Ông Vương Học Khánh (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc) cho rằng phá vỡ độc quyền trước hết tập trung vào các DN nhà nước. Việc này sẽ đạt được ba mục tiêu: Nâng cao hiệu quả kinh tế của các DN. Cải thiện được tình hình tài chính của Nhà nước. Nâng cao được hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế. Gần đây, Trung Quốc khá thành công trong việc xóa bỏ cơ chế giá độc quyền bằng quy định giá hành chính (giá sàn) cho các mặt hàng độc quyền. Nhưng đối với kinh tế VN, định giá hành chính như vậy rất khó khăn và ít phù hợp với kinh tế thị trường. Ví dụ giá xăng dầu, gas biến động theo giá thế giới, Nhà nước điều chỉnh rất chậm nên khi thì DN thu lợi nhuận siêu ngạch (do giá trong nước quá cao), khi thì Nhà nước phải bù lỗ để tránh tình trạng DN không nhập khẩu tiếp, cầu sẽ vượt quá cung. Hiện nay ở VN, tình trạng các tổng công ty quốc doanh độc quyền, đang tạo ra những rào cản đối với thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế.

Bà Phan Thanh Hà (Ban Soạn thảo Luật Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát độc quyền) dự báo sự ra đời của luật này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Luật Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát độc quyền của VN dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua vào cuối năm 2002 với ba phần nội dung chính: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; chống lạm dụng vị trí độc quyền và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng luật gồm các thành phần kinh tế nào thì vẫn còn đang tranh luận. Vấn đề nan giải là cơ quan giám sát luật này phải thực sự độc lập và có đủ quyền hạn để tránh sức ép từ phía chính phủ và các thành phần kinh tế.