Kỷ luật: Phê bình nghiêm khắc?!

Vụ đổ tàu E1 ở Thừa Thiên - Huế đến nay vẫn chưa nguôi trong dư luận. Vụ án đã được khởi tố, người trực tiếp gây ra tai nạn kinh hoàng (lái tàu) đã bị bắt giam. Ngay sau vụ tai nạn trên xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành đường sắt, Bộ GTVT kiểm điểm nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân (kể cả bộ trưởng) có trách nhiệm liên quan và xử lý kỷ luật.

Ngày 25-4 HĐQT Tổng Công ty Đường sắt VN sau khi họp phân tích, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cán bộ liên quan đã có công văn số 873/CV-ĐSTCCB-LĐ báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT kết quả.

Tóm lược nội dung như sau: Tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, cách chức 4 cán bộ, khiển trách 2 cán bộ, cảnh cáo giám đốc xí nghiệp. Tại Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (trực tiếp quản lý Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội), khiển trách 3 cán bộ, phê bình nghiêm khắc 1 cán bộ. Còn tại Tổng Công ty Đường sắt VN thì chỉ phê bình nghiêm khắc các cá nhân diện tổng giám đốc quản lý. Riêng đối với ông tổng giám đốc, HĐQT tổng công ty đề nghị Bộ trưởng GTVT xem xét hình thức kỷ luật phê bình nghiêm khắc (theo Báo Nhân Dân số ra ngày 26-4-2005).

Dư luận hết sức bất bình trước kết quả kiểm điểm và hình thức xử lý kỷ luật trên. Cấp dưới thì xử nặng: cách chức, còn cấp trên thì xử nhẹ: phê bình nghiêm khắc. Đồng thời dư luận cũng đặt vấn đề phê bình nghiêm khắc có phải là hình thức kỷ luật. Theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung một số điều) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26-2-1998 thì chỉ có 6 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc. Kỷ luật Đảng cũng không có hình thức phê bình. Như vậy phê bình dù là phê bình nghiêm khắc cũng không phải là một hình thức kỷ luật. Phải chăng vụ đổ đoàn tàu nhanh E1 gần một trăm người chết và bị thương chưa nghiêm trọng đến mức ban tổng giám đốc và tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN phải chịu kỷ luật?

Dư luận đang chờ xem sự xem xét cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.