Kỷ niệm 119 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật

(NLĐ)- Sáng 29-11, tại Bái đường Văn Miếu Quốc Tử Giám-Hà Nội, Hội Lịch sử Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 119 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật-nhà sử học, một sĩ phu yêu nước tiêu biểu cuối thế kỷ 19.

Theo TTXVN, danh nhân Phạm Thận Duật, sinh năm 1825, mất năm 1885, người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Năm 1850, ông đỗ cử nhân và ra làm quan với chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng, Tri châu Tuần Giáo. Trong suốt thời gian làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm, một sĩ phu yêu nước tiêu biểu ở cuối thế kỷ 19; đồng thời là một trong những nhà nho yêu nước đầu tiên phát động phong trào Cần Vương, chống Pháp. Ông từng giữ nhiều chức vụ, từ quan đầu huyện đến quan đầu tỉnh, Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh-Thái Nguyên... Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, thảo chiếu Cần Vương. Trên đường ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần Vương, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo và ngày 29-11-1885 ông đã hy sinh trên đường đi đày. Trong suốt thời gian làm quan, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị như: Hưng hóa ký lược, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Quan Thành văn tập, Quan Thành tấu tập, Hà đê tấu tập...