Tôi theo nghề thầy thuốc là làm theo ước nguyện của ba tôi. Ngày tôi tốt nghiệp Ðại học Y khoa, không nói ra nhưng trong mắt ba tôi đã ánh lên niềm vui khó tả”. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Kim Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM, đã nói như vậy về người cha của mình. Chị cho rằng, nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì cuộc đời của ba chị, bản thân chị và... hai người con của chị bây giờ không biết như thế nào. Nhiều lúc nghĩ lại, chị cứ tưởng như những chuyện được mở đầu bằng những tiếng... ngày xửa ngày xưa.
Từ một tay anh chị trở thành cán bộ cách mạng
“Trước 1945, ba tôi là công nhân hãng Caric, nhưng cũng là một tay anh chị ở vùng Thủ Thiêm và cũng đã từng... chém mướn. Họ tên của ba tôi là Võ Văn Môn, song tên họ ấy hầu như không ai biết mà chỉ biết Bảy Môn - một trong những anh chị giang hồ thuộc loại cộm cán thời bấy giờ ở Sài Gòn. Năm 1988, ba tôi qua đời (thọ 74 tuổi), trên bia mộ ghi: nguyên Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nguyên Chỉ huy phó Quân Giải phóng Mặt trận miền Ðông Nam Bộ... Nhưng chuyện của ba tôi và các chú, các bác cùng thời đã có sách vở viết, anh tìm đọc thì hay hơn”. Sơ nét đôi dòng tiểu sử của người cha mà chị hằng kính trọng đã giúp tôi hiểu vì sao trong câu chuyện chị thường hay dùng mệnh đề “nếu”: nếu không có Cách mạng Tháng Tám...; nếu không có Ðảng dẫn lối đưa đường...
Cuộc sống của phần lớn thanh niên nghèo trước Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng hầu như... lạc phương hướng. Và những người có chút máu “giữa đường dễ thấy bất bằng chẳng tha” thì dễ chọn làm anh chị. Với họ, đây là “cái nghề” dẫn đến cuộc sống lý tưởng, vừa hào hùng vừa phong lưu. Bảy Môn là một trong số đó. Nhưng Cách mạng Tháng Tám đã thay đổi đất nước, thay đổi suy nghĩ của nhiều người, kể cả những tay anh chị. Từng nhóm tự lo tìm vũ khí cho riêng mình. Và trong giới giang hồ, chỉ bộ đội Bảy Môn, Mười Lực là có nhiều súng lớn, nên Ba Dương (Dương Văn Dương) cử người qua lôi kéo cùng nhập bộ đội Bình Xuyên để đánh vài trận lớn với Tây nhằm tạo thanh thế. Khi bị quân đội Ngô Ðình Diệm do Dương Văn Minh chỉ huy đẩy lùi về rừng Sác, Bảy Môn được thư của Dương Văn Minh “mời” về hợp tác với thủ tướng Ngô Ðình Diệm, tất cả tài sản được hoàn lại đầy đủ, đồng thời được vinh thăng thiếu tướng. Nhưng Bảy Môn không về với Ngô Ðình Diệm mà về với Ðảng. Cuối năm 1955, Bảy Môn đưa 250 tay súng đến chiến khu Ð. Tại đây, được Ðảng giao nhiệm vụ chỉ huy nông trường trồng bắp, dự trữ lương thực. Ba năm sau, ông kiêm luôn chức chỉ huy trường quân sự đào tạo từ tân binh đến cấp đại đội và được bổ nhiệm Giám đốc Trường 29 với 400 cán bộ. Năm 1960 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chống Mỹ cứu nước ở miền Nam: Miền Ðông Nam Bộ thành lập lực lượng vũ trang chủ lực, lấy bộ đội Bảy Môn làm nòng cốt: đánh một loạt trận, lập nhiều chiến công vang dội, như: trận Tua Hai ở Tây Ninh, trận Phước Vĩnh (tỉnh lỵ tỉnh Phước Thành)... Nhờ hai người bạn là Ba Thu và Lâm Quốc Ðăng luôn bên cạnh, uốn nắn từng chút, Bảy Môn dần dần lột bỏ xác giang hồ anh chị. Sau các chiến thắng trên, ngày 20-12-1960, Võ Văn Môn được đứng vào hàng ngũ Ðảng.
Theo tâm nguyện của người cha
Bước vào năm học đệ nhị (1963 - lớp 11 bây giờ), Võ Kim Hoàng được cơ sở đưa vào chiến khu Tân Uyên, vì cha chị sợ con đi lầm đường như thời tuổi trẻ của mình. Trong thời gian được cách mạng chọn đi học y sĩ (1967-1969), chị được kết nạp Ðảng (1968) và được bầu làm Thường trực Ðoàn của Ban Dân y miền Nam. Năm 1970, chị lập gia đình với anh bộ đội sư 9 Huỳnh Bá Tánh. Khi đứa con trai đầu lòng được 1 tuổi, chị được Ðảng cho ra miền Bắc học Ðại học Y (1974). Miền Nam giải phóng, chị không thể nào yên tâm ngồi học trong lúc cách mạng còn bao việc phải tính, bao việc phải làm. Chị quay về Nam những mong làm được gì đó thiết thực hơn, nhưng tổ chức và gia đình không đồng ý. Tất cả đều muốn chị phải hoàn tất chương trình đại học. Ngày chị tốt nghiệp đại học y khoa, người vui nhất là ba chị. Qua những câu chuyện của các chú, các bác, chị hiểu thêm, cha chị và những bè bạn cùng thời đã có lúc “thế thiên hành đạo” như những anh hùng Lương Sơn Bạc, song khi có ánh sáng cách mạng soi đường, họ mới thấy mình chẳng có “đạo” gì để mà hành, ngoài cái đạo “hốt bạc bỏ túi”. Nhiều quá xài không hết thì chia bớt cho đàn em, chớ có bao giờ giúp dân nghèo đồng xu cắc bạc nào đâu. Khi theo Ðảng đánh Tây, giới giang hồ Sài Gòn mới tạo ra được thanh danh và gây được cảm tình trong lòng dân. Nhưng cách cứu người ấy đối với cha chị to lớn quá, “mắt trần” nhìn... khó hình dung, nên ước mong con gái của mình là thầy thuốc thứ thiệt, cứu người tích thiện cụ thể hơn, dễ thấy hơn. Chị nói: “Nếu không thương ba, và thiếu chút nghị lực, nói đúng hơn, thiếu chút máu “hảo hán” của ba, tôi khó hoàn thành được tâm nguyện ấy. Ngày đó, cuộc sống không “dễ thở” như bây giờ. Chồng tôi là bộ đội ở chiến trường K, tôi vừa nuôi con nhỏ, vừa đi học. Năm 1985, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, rồi quyền giám đốc và từ năm 1995 đến nay là giám đốc. Qua tấm gương và tấm lòng của ba tôi đối với con cái, cùng sự đồng cảm của chồng con, tôi không ngừng phấn đấu học tập. Thành đạt của tôi ngày nay, ngoài trách nhiệm của một đảng viên trước sự nghiệp đổi mới còn có hình bóng của ba tôi”.
Những gì chị và chồng đã thu hoạch được trong đời, đều truyền lại cho hai đứa con trai. Và họ đã không phụ lòng cha mẹ. Hai người con của chị đều học giỏi. Người con trai đầu nay đã lập gia đình và là kiến trúc sư, công tác tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Người con trai út, sinh năm 1980, hiện đang du học tại Úc, ngành viễn thông. Ðó là niềm vui, niềm tự hào của một đời người.