Làm hồ điều tiết có gây ô nhiễm?

Dựa theo nghiên cứu “Ứng dụng kỹ thuật sinh thái xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững” do PGS-TS Đoàn Cảnh, Viện Sinh học Nhiệt, chủ nhiệm đề tài, Sở GTCC sẽ sử dụng hồ chứa nước ở công viên Hoàng Văn Thụ để chống ngập.

imgPGS-TS Đoàn Cảnh cho biết: Để nước trong hồ không bị thối, hệ thống dẫn nước phải được thiết kế theo kiểu mương thực vật, (trồng cỏ và đất cát...) để gạn lọc bớt chất bẩn trong nước. Nước vào hồ phải được thiết kế chảy theo đường vòng để tạo quá trình ôxy hóa, tiếp tục khử chất bẩn và nên trồng các loại thủy sinh như bèo để hấp thu chất bẩn. Mực nước trong hồ được khống chế không quá 2,5 m để tránh xảy ra tình trạng yếm khí, gây thối nước.

- Phóng viên: Nhưng đến mùa khô, nước trong hồ cạn và các loại thủy sinh sẽ chết?

- PGS-TS Đoàn Cảnh: Việc trồng các loại thủy sinh không khó và không tốn kém nên lúc nào hồ có nước ta sẽ trồng lại. Nhưng nếu muốn, ta có thể giữ nước trong hồ quanh năm bằng cách lót đáy hồ để hạn chế nước thấm hoặc bổ sung nguồn nước ngầm để hồ không bị cạn.

- Nếu giữ nước trong hồ nước sẽ tù đọng, dễ phát sinh dịch muỗi?

- Có thể nuôi cá trong hồ để diệt loăng quăng. Hồ cũng được lắp đặt hệ thống vòi phun nhằm hòa trộn nước thường xuyên, không tạo điều kiện cho các loại côn trùng đẻ trứng, sinh sản...

-Tác dụng chung của hồ sinh thái là gì?

- Hồ ở công viên Hoàng Văn Thụ có diện tích 0,78 ha, có thể chứa được gần 20.000 m3 nước, nếu đưa vào sử dụng sẽ gom nước mưa trong phạm vi 25 ha, khắc phục tình trạng ngập cho các khu vực lân cận. Hồ còn có tác dụng tạo cảnh quan xanh hóa đô thị.