“Làng ăn mày” - chỗ dựa của kẻ lười xưng dân Quảng Thái
Thường ngày trên nhiều nẻo đường TPHCM ngưòi ta thấy nhiều ngưòi nói giọng Thanh Hóa đi ăn xin. Một huyền thoại được thêu dệt rằng, có một làng tên Đồn Điền (Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa) Thành Hoàng làng thờ “ông tổ ăn mày”, nên ăn mày là cái nghiệp của dân làng này. Xin lược giới thiệu bài của VNN... Chúng tôi về Quảng Thái vào những ngày đầu hè. Gió, cát, nghèo, đói cứ bám riết lấy cư dân làng biển Đồn Điền như một định mệnh.
Từ "huyền thoại" đến "đồn thổi"
Ông Tô Hoài Trương, một trong những người già nhất làng Đồn Điền, lặng lẽ kể về làng mình...
Theo sắc phong của làng, làng Đồn Điền bây giờ xa xưa là một bãi đất hoang vu. Vào thời vua Lê Thánh Tông, chính sách "ngự binh ư nông" được áp dụng ở đây. Khoảng nửa sau thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông cho lập sở đồn điền tại mảnh đất duyên hải này với mục đích đưa binh lính về vừa trấn giữ bờ biển vừa làm nông nghiệp lấy lương thực. Nơi đây ngày xưa là đại bản doanh của chánh sứ Tô Chính Đạo và hai phó chánh sứ Uông Ngọc Châu và Trịnh Hoành Vân. Binh lính của Sở Đồn điền sinh nhai và lập nghiệp luôn tại đây thành làng Đồn Điền.
Một lần, khi Tết Nguyên đán đã cận kề, Chánh sứ Tô Chính Đạo và hai cộng sự phải dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Chiến thắng trở về, ba vị tướng đã tổ chức khao quân và cho nhân dân Đồn Điền ăn Tết lại vào tháng 2. Tập tục ăn tết lại có lẽ được giữ lại để nhớ ơn những người đã có công lập ấp và giữ nước. Ông Trương nhìn xa xăm về phía đền thờ Thành Hoàng làng Đồn Điền rồi nói khẽ: "Lịch sử như thế, có sách hẳn hoi mà thiên hạ họ bịa thành chuyện làng Đồn Điền bỏ tết đi ăn mày rồi sau tết, kiếm được mới ăn lại, buồn quá về chuyện đồn thổi... !".
Chuyện đồn thổi về làng Đồn Điền do bận đi ăn xin nên thường tổ chức ăn tết vào tháng 2 âm lịch cứ ngày một phát tán trong nhân gian từ đó đến bây giờ.
Đền thờ Thành Hoàng làng thờ ai?
Chúng tôi nhờ một cán bộ văn hóa xã Quảng Thái dẫn đi "thăm" mộ "ông tổ cái bang". Đền Đồn Điền nằm lặng lẽ bên con đường liên xã, trong một rặng cây xanh um đầu làng. Thực tế, đây là ngôi đền thờ Thành Hoàng làng, thờ 3 ông tướng có công diệt giặc, lập ấp. Nhưng ở góc độ khác, có một huyền thoại về ngôi mộ "ông tổ cái bang" được thêu dệt khá hấp dẫn...
Đó là vào một ngày rất xa xưa, khi người dân Đồn Điền bốc mộ Thành Hoàng đã bốc nhầm phải mộ một người ăn mày xấu số. Cả làng chưa biết làm sao thì có mấy phụ lão bảo phải mời thầy phù thủy nổi tiếng trong vùng đến xem lại long mạch và "chỉ lối" cho cả làng. Đứng trước ngôi mộ đã được đào lên, thầy phù thủy chậm rãi phán: "Để linh hồn người ăn mày được bình yên, từ nay trở đi, cứ sáng mùng một Tết Nguyên đán hàng năm, từ hào lý, điền chủ cho đến dân đen trong làng phải đóng cửa đi ăn mày xứ người!". Và "huyền thoại" cả làng đi ăn mày bắt đầu từ đó, được truyền trong nhân gian, bay bổng cùng với trí tưởng tượng của người đời.
Huyền thoại nối huyền thoại. Đồn thổi chồng chất đồn thổi. Trẻ con làng Đồn Điền lớn lên đi học bị coi là "dân ăn mày". Người Quảng Thái đi lập nghiệp ở tứ xứ cũng bị quy là "người xã ăn mày". Huyền thoại và đồn thổi ác nghiệt cứ đè nặng lên ý chí vươn lên của người dân một nắng hai sương Đồn Điền. Và sau khi tìm hiểu, chúng tôi xin được kể tiếp dòng huyền thoại đậm chất... bịa đặt này. Đó là việc người dân làng Đồn Điền sau mỗi chuyến đi ăn xin về thì phải mang các đồ xin được ra đền Đồn Điền làm lễ tế. Tương truyền, đền Đồn Điền ngoài thờ linh hồn "ông tổ cái bang" còn thờ cả một chiếc gậy và chiếc bị, những "vật bất ly thân" của nghề ăn mày.
Sự thực khách quan
Như bao làng quê biển khác trên dải đất Việt này, người dân làng Đồn Điền nói riêng và Quảng Thái nói chung cũng suốt đời nặng nợ bám biển. Họ chào đời giữa những con sóng dữ dội và tồn tại nhọc nhằn bên sự lặng lẽ của biển khơi.
Trước đây, người dân Quảng Thái gắn chặt với cây lúa, dệt cói xuất khẩu và chài lưới. Dần dần đất chật người đông, ruộng đã ít lại chỉ làm được một vụ, nghề chài lưới thì chỉ là đánh bắt ven bờ, mỗi ngư dân một ngày làm lụng hùng hục cũng chỉ được vài chục ngàn. Còn nghề dệt cói xuất khẩu, Quảng Thái có thời điểm rất huy hoàng nhưng từ khi Đông Âu tan rã, hàng cói xuất khẩu không còn thị trường, Quảng Thái lao đao đi tìm cách làm ăn mới. Rồi trận bão kinh hoàng cách đây chục năm "đến thăm" Thanh Hoá, người dân Quảng Thái đang khốn đốn vì nghèo đói, mất mùa, lại tiếp tục oằn mình trong nỗi đau thiên tai. Và như thiên hạ đúc kết "đói thì đầu gối phải bò", người dân Quảng Thái bắt đầu lác đác rủ nhau rời quê hương lang thang đi làm "cái bang" kiếm sống.
Lúc đầu chỉ là một vài người bỏ làng ra đi, sau thấy "nghề" này "làm ăn" được, nhiều người trong làng cũng nối gót nhau ra đi. Tuy nhiên, có một điều mà thiên hạ ít biết về chuyện ra đi của người dân Quảng Thái. Đó là không phải họ ra đi chỉ để ăn xin, mà nhiều người gom góp tiền làm ăn nơi xứ người, khi kiếm được nhiều tiền, họ về quê xây nhà và sắm sửa, thế là đồn thổi về chuyện dân Quảng Thái đi ăn mày xây nhà lầu, sắm đồ xịn... bắt đầu lan truyền trong nhân gian.
Rong ruổi theo những lời đồn thổi, chúng tôi về Quảng Thái và đối diện với "sự thực khách quan". Chủ tịch xã Cao Tiến Việt khẳng định: "Có chuyện dân Quảng Thái bỏ quê hương đi ăn xin nhưng có ít, thiên hạ thêu dệt lên nhiều. Cái nghèo, cái khổ kéo họ đi đấy mà!". Già làng, nhân chứng sống Tô Hoài Trương, thật thà: "Không biết xã nói như thế nào với các anh nhưng tôi phải nói rằng đó là sự thực. Đã có một thời vì nghèo đói mà người dân nơi đây đua nhau đi ăn xin. Nhưng chuyện đi hành khất về quê xây nhà là không có !".
Để minh chứng, chúng tôi xin trích dẫn một số tư liệu trong chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan của một tổ chức quốc tế có tiêu đề "Tha phương cầu thực mang tính cộng đồng ở xã Quảng Thái - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục". Nghiên cứu này ghi rõ: "Trong số 400 hộ ở Quảng Thái có 249 hộ có người ăn xin chuyên nghiệp. Năm 1995 có 571 lượt, năm 1998 có 167 lượt người đi ăn xin". Các nhà nghiên cứu thì gọi chuyện dân Quảng Thái đi ăn xin là "hiện tượng Quảng Thái".
Ăn mày là ai?
Chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều với người Quảng Thái lập nghiệp xa quê, thấy hình như ai ai cũng đau đáu một điều: "Ăn mày là ai?". Câu chuyện "vua ăn mày", "ông tổ cái bang", "làng ăn mày" hay câu chuyện ngôi đền thờ thần ăn mày kèm cây gậy và cái bị, ngôi mộ người ăn mày ở làng Đồn Điền chỉ là miệng lưỡi của một số "hậu sinh khả... ố" lười biếng tạo dựng lên khi "đói cơm rách áo" mà thôi.