Làng quân nhân - mô hình kinh tế độc đáo

Làng gồm những nam nữ quân nhân đã ra quân. Thời bình, làng làm kinh tế; có chiến tranh, cả làng biến thành một đại đội phục vụ hậu cần

“Đây là mô hình kinh tế quân nhân đầu tiên ở miền Trung nhằm tạo việc làm cho các chiến sĩ mới ra quân, vừa có chức năng như một khu căn cứ hậu cần”. Thượng tá Nguyễn Đại Viều - chủ nhiệm hậu cần Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình - nói. Vị trí của làng nằm cách thị xã Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình 30 km về phía Tây - Bắc, trên một nhánh của đường Hồ Chí Minh.

Tạo việc làm, ổn định cuộc sống

Anh Nguyễn Đại Viều cho biết, chín năm trước, Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên về thăm Quảng Bình, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đem câu chuyện muốn lập một ngôi làng quân nhân theo mô hình mới ra trao đổi. Ngay hôm đó, đồng chí đã đồng ý để Quảng Bình xây dựng làng này trên vị trí cũ của một tổng kho thuộc Binh đoàn 559. Làng lập ra nhằm tuyển những quân nhân vừa rời quân ngũ về đây xây dựng khu kinh tế. Vì thế, làng có tên gọi “làng quân nhân”. Với công việc rất có ý nghĩa là góp phần tạo ra việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho những quân nhân vừa xuất ngũ, nên ngay từ khi mới ra đời làng đã được nhiều người hưởng ứng, quan tâm.

Ai có nhu cầu vào sinh sống ở làng đều phải làm đơn, chờ xét duyệt. Mỗi năm làng chỉ nhận thêm từ 5 - 7 gia đình. Theo anh Nguyễn Đại Viều, quy mô thiết kế của làng khoảng 100 gia đình. Một ngôi làng của những người đã ra quân nhưng lại mang tính chất y hệt như quân đội từ cuộc sống đến sinh hoạt. Chỉ huy làng quân nhân là một thiếu tá cựu chiến binh. Ngày thường, những cựu quân nhân đi làm kinh tế. Khi có chiến tranh xảy ra, một trăm gia đình lập tức được chuyển thành một đại đội phục vụ hậu cần cho chiến dịch. Nói cách khác, làng kinh tế quân nhân là khu căn cứ hậu cần trong thời kỳ hiện đại.

Thiếu tá Nguyễn Đức Cường là một trong bảy người đầu tiên về “khai khẩn” làng, nhớ lại: “Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đầu tư xây dựng 100% cơ sở hạ tầng, vật chất cho anh em, bọn tôi chỉ mang người đến ở, thế mà những ngày đầu nhìn cảnh rừng núi hoang vu ai cũng rụt rè. Mỗi lần làng kết nạp thêm thành viên mới, người lính chúng tôi như có thêm một niềm vui nữa”. Một ngày đầu mùa thu cách nay tám năm, lần đầu tiên cháu bé con của một cựu binh chào đời tại ngôi làng mới này. Hạnh phúc đã thực sự về trong ngôi làng của những đôi vợ chồng lính, mà trước khi đến đây, họ đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình ở chiến trường.

Phát triển 700 ha rừng cao su

Bây giờ, làng kinh tế quân nhân đã có 54 gia đình. Làng nằm trên một khu đất dài 1,5 km tựa như sợi dây cung căng ra mà phần bụng là trung tâm kinh tế. Những cánh rừng xanh tốt được các gia đình trồng đã lên phủ kín cả làng. Anh Nguyễn Đức Cường dẫn tôi ra thăm vườn cao su đang vào mùa thay lá. Anh nói: “Có lẽ, nhờ có sẵn đức tính cần cù của con nhà lính nên làng quân nhân sớm xứng đáng là một khu căn cứ hậu cần vững chắc của miền Trung. Chỉ sau chín năm lập làng, các gia đình đã khai hoang được 700 ha đất trống đồi trọc để trồng cao su, một kết quả ít ai ngờ tới khi mới đến đây”.

Bao nhiêu mồ hôi công sức của các gia đình cựu quân nhân ngày đêm đổ xuống đã thấm vào đất để những mầm xanh của rừng cao su được vươn lên mạnh mẽ, đem đến dòng nhựa đầy sức sống cho con người. Đội trưởng Nguyễn Nguyên, từng là một người lính trở về từ chiến trường Campuchia, tâm sự: “Từ ngày về đây, gia đình tôi đã trồng được 10 ha rừng, cao su. Mỗi năm gieo được 1,5 ha lạc... Số tiền thu về trong một năm đến vài chục triệu đồng. Tuy chưa giàu nhưng gia tài có được hôm nay tôi chưa bao giờ dám mơ tới”. Ngoài chuyện làm kinh tế, con em của các cựu binh - đã được quan tâm hết mức. Trường tiểu học được mở tại làng để 100% các cháu nhỏ được đến lớp đầy đủ. Anh Nguyễn Xuân Ngợi - một cựu binh cho biết: “Từ chiến trường trở về với hai bàn tay trắng, bây giờ tôi không còn lo lắng gì nữa. Được sinh sống tại làng kinh tế quân nhân là ước mơ của nhiều đôi vợ chồng trẻ”.

Để tăng thêm sức mạnh cho làng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình còn mạnh dạn thế chấp vay vốn, giúp các gia đình quân nhân phát triển sản xuất, làm cầu nối cho họ thực hiện tốt các dự án thuộc Chương trình 327. Ngay trong năm 2001, làng được đầu tư 1,2 tỉ đồng khai hoang đất trồng rừng, tạo thêm việc làm cho anh em. Chính từ hiệu quả thiết thực như vậy, nên bây giờ ở miền Trung hiếm một mô hình làng mới nào có được cuộc sống ổn định như làng quân nhân Quảng Bình. Một ngôi làng ổn định, đi lên từ sức mạnh của tình quân nhân, đồng chí.