Lao động phổ thông VN ít cơ hội làm việc ở Mỹ

Gần đây có một số nguồn tin cho rằng để được cấp visa lao động tại Mỹ, chỉ cần trả từ 5.000 USD đến 10.000 USD thông qua các văn phòng xuất nhập khẩu lao động. Thực hư của vấn đề này ra sao?

Chúng tôi không có bất cứ liên hệ nào với các văn phòng xuất nhập khẩu lao động của VN và cũng không nhận bất kỳ một loại phí nào khác trừ phí visa nhập cảnh là 100 USD/người”- ông Jeffrey C. Schwenk, Trưởng Bộ phận Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, nhấn mạnh trong buổi cung cấp thông tin về visa cho người lao động (NLĐ) nước ngoài tại Mỹ hôm 8-2. Buổi họp còn có sự hiện diện của ông Matthew Gillen, Trưởng Phòng Visa không di dân và bà Mary Ann Russell, Trưởng Đại diện Phòng Di trú và Nhập tịch TPHCM thuộc Bộ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Sau phần thông tin mở đầu, các phóng viên đã đặt một số câu hỏi xung quanh vấn đề này.

. Phóng viên: Số người VN đi lao động ở Mỹ hiện nay là bao nhiêu?

- Ông Gillen: Chúng tôi không có con số cụ thể nhưng có thể nói là rất ít.

. Giữa VN và Mỹ đã ký kết một văn bản nào về xuất khẩu lao động hay chưa? Có nguồn tin cho rằng một số công ty xuất khẩu lao động đưa người sang nước thứ 3, từ đó làm hồ sơ vào Mỹ, quý vị có nghe nói đến điều này không?

- Ông Schwenk: Hiện nay, VN và Mỹ chưa ký một văn bản nào về xuất khẩu lao động. Chúng tôi chưa từng nghe đến việc đưa người vào nước thứ 3 để sang Mỹ.

. Khi phỏng vấn NLĐ, quý vị có đặt yêu cầu về tiếng Anh không?

- Bà Russell: Đối với visa H1 thì NLĐ cần thông thạo tiếng Anh, còn visa H2 thì tùy vào loại công việc. Nếu là công việc lao động tay chân thì chúng tôi không yêu cầu Anh ngữ, nhưng nếu là công việc như tiếp tân tại nhà hàng, khách sạn thì rất cần phải biết tiếng Anh.

. Như vậy, làm thế nào để NLĐ có thể gặp được nhà tuyển dụng, họ phải nộp hồ sơ ở đâu?

- Ông Gillen: Nhà tuyển dụng có thể tự tìm kiếm qua mạng lưới riêng của họ, ví dụ như qua các đại lý lao động. Thông thường, nhóm H2 chủ yếu được tuyển từ các nước Nam Mỹ do khoảng cách địa lý gần, còn nhóm H1 được tuyển nhiều từ Ấn Độ, nơi có ngành vi tính rất phát triển.

. Với những điều kiện đã nêu, cơ hội cho những NLĐ VN tại Mỹ dường như là bằng không?

- Bà Russell: Đối với lao động phổ thông thì gần như vậy. Nhưng cũng còn tùy thuộc vào loại công việc. Chẳng hạn như một nhà hàng Mỹ cần tuyển người biết nấu các món ăn VN thì đương nhiên họ sẽ phải tìm đến nguồn lao động VN.

Thủ tục thuê lao động nước ngoài ở Mỹ

Theo bà Mary Ann Russell, để tiến hành các thủ tục thuê lao động nước ngoài, nhà tuyển dụng Mỹ phải nộp cho Bộ Lao động nước này một hồ sơ trong đó có nêu cụ thể chi tiết về NLĐ (tên, tuổi, địa chỉ, công việc ở nước sở tại), đồng thời phải chứng minh được rằng do yêu cầu đặc biệt, họ không thể tuyển dụng được người phù hợp tại Mỹ. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng phải cam kết sẽ trả lương cho NLĐ nhập cư ngang bằng với mức lương của người địa phương. Nếu chấp thuận, Bộ Lao động Mỹ sẽ cấp giấy xác nhận cho nhà tuyển dụng để nộp tại Sở Di trú. Tiếp đó, Sở Di trú sẽ xem xét xem NLĐ thuộc nhóm Visa nào rồi chuyển hồ sơ qua cơ quan ngoại giao ở nước ngoài để tiến hành phỏng vấn từng người một. Trong quá trình phỏng vấn, NLĐ phải chứng minh được mối ràng buộc chặt chẽ với nước sở tại (gia đình, công việc, tài sản... ) và cam kết sẽ trở về nước sau khi hết hạn visa. Khi được chấp thuận, NLĐ sẽ làm hộ chiếu, xin visa với mức phí 100 USD/người.

Về các loại visa, có hai nhóm chính:

Nhóm H1: Visa dành cho các chuyên viên cao cấp, giỏi về các ngành tin học, công nghệ...

Nhóm H2: Visa ngắn hạn dành cho các lao động thời vụ, do vào những mùa cao điểm, một số ngành cần thêm nhiều lao động. Visa H2 được giới hạn ở mức 66.000 người và được chia làm hai đợt trong một năm.