Lấy nước cống... trộn bê tông !

Kiểu thi công kỳ lạ này đang diễn ra tại công trình sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập, dự án có kinh phí đầu tư hơn 200 tỉ đồng

Theo quy định hiện hành, nước dùng để trộn bê tông đối với công trình xây dựng phải được thí nghiệm rất nhiều chỉ tiêu, nếu đạt mới được sử dụng để bảo đảm chất lượng công trình. Tuy nhiên, qua nhiều ngày quan sát tại dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập (đoạn từ đường Lê Văn Lương đến Huỳnh Tấn Phát, quận 7 - TPHCM), chúng tôi phát hiện đơn vị thi công không dùng nước đúng tiêu chuẩn.

Nước thối tha hồ tưới

Đường Nguyễn Thị Thập, đoạn đường từ cầu Đa Khoa đến Trường Mầm non Hoàng Gia, trong những ngày nắng, bụi bay mịt mù vì chưa được thảm bê tông nhựa nóng. Thế nhưng, nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây lẫn những người thường xuyên đi qua con đường này là cảnh công nhân thi công tưới đường bằng nước cống. Trong những ngày nắng, con đường được “tưới tắm” từ 2-3 lần/ngày, mùi nước thối xông lên nồng nặc.

img

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi khi bắt đầu tưới đường, có khoảng 2-3 công nhân tham gia “tác chiến”. Các công nhân đem máy bơm đến ngay miệng cống, thả đầu ống xuống để bơm nước cống lên. Vì chiều dài ống xịt có hạn nên sau khi tưới ướt đẫm một đoạn đường, các công nhân lại tắt máy, dời toàn bộ thiết bị đến miệng cống tiếp theo.
img

Mỗi ngày 2 - 3 lần, công nhân dùng nước cống để tưới ướt đẫm đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 -TPHCM

Mỗi miệng cống cách nhau chừng 50 m. Ông chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quang Đức, gần công trình, cho biết đơn vị thi công toàn dùng nước cống tưới đường, khi nước sông cạn thì nước cống đen ngòm, hôi thối vô cùng. Người dân mỗi khi đi qua đoạn đường này đúng vào lúc công nhân tưới đường phải bịt mũi, căng mắt ra né các ổ nước cống đọng trên mặt đường.

Nhào nặn bê tông cũng bằng nước cống

Không chỉ dùng nước cống tưới đường, đơn vị thi công còn cho công nhân dùng nước cống để trộn bê tông. Lúc chúng tôi có mặt tại công trường, công nhân đang trộn bê tông để xây chân đế trụ chiếu sáng trên vỉa hè. Tại đây, cát, đá, máy trộn bê tông sẵn sàng, chỉ thiếu nước sạch.
Ban đầu, chúng tôi thắc mắc không biết đơn vị thi công lấy nước ở đâu để trộn bê tông, hóa ra họ dùng thùng nhỏ có buộc dây ở hai đầu, quăng xuống miệng cống múc nước lên rồi đem đến đổ thẳng vào máy trộn bê tông! Khi làm xong một chân đế, các công nhân đem máy móc đến miệng cống kế tiếp để thi công, dĩ nhiên nước trộn bê tông cũng được múc từ dưới cống lên.

Theo bảng công bố thông tin, chủ đầu tư dự án này là Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7 thi công và đơn vị tư vấn giám sát là Viện Công nghệ Cầu đường phía Nam.

Cắt xén kinh phí?

Theo quy định trong ngành xây dựng, tiêu chuẩn của nước dùng để trộn bê tông hiện nay được áp dụng theo Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam (TCXDVN) 302:2004. Theo đó, nguồn nước dùng để trộn bê tông phải được kiểm tra chặt chẽ về độ pH, lượng ion sunfat, ion clo, tạp chất hữu cơ… Theo các chuyên gia về cầu đường, nhìn chung các tiêu chuẩn của nước dùng để trộn bê tông thấp hơn nước sinh hoạt một chút.

img

Nước trộn bê tông phải có lượng tạp chất hữu cơ dưới 15 mg/l, độ pH lớn hơn 4 và nhỏ hơn 12,5 (trung tính, không quá kiềm cũng không quá axít). Trong khi nước cống chỉ cần nhìn bằng mắt thường, lượng váng dầu váng mỡ trong nước đã không đạt TCXDVN 302:204. Tạp chất hữu cơ (chẳng hạn như bùn) quá lớn, nằm xen lẫn các hạt xi măng làm ảnh hưởng đến kết cấu bê tông. Độ pH trong nước nếu quá axít sẽ ăn mòn bê tông, nếu quá kiềm sẽ làm bê tông nhanh lão hóa và giòn.
img

Những người tham gia thi công đang múc nước cống để trộn bê tông

PGS-TS Nguyễn Văn Chánh, Chủ nhiệm Bộ môn Vật liệu xây dựng - Khoa Kỹ thuật Xây dựng - Trường Đại học Bách khoa TPHCM, khẳng định việc dùng nước cống trộn bê tông là sai nguyên lý. Trong nước cống có rất nhiều tạp chất có hại cho bê tông, dùng loại nước này trộn bê tông thì bê tông sẽ bị xốp dần, chắc chắn kém chất lượng.

Còn ThS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng nước tưới đường để tăng độ ẩm, giúp đầm nén tốt móng đường nên vẫn phải dùng nước sạch, có thể dùng nước ao, hồ, sông, suối nhưng không được dùng nước cống. Việc dùng nước cống để tưới đường góp phần đưa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn có hại vào lớp móng, chưa kể trong nước cống có thể có những hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến lớp bê tông nhựa nóng sau này.

Chính vì tiêu chuẩn nước trộn bê tông chỉ thấp hơn nước sinh hoạt một chút nên thông thường nhà thầu sử dụng nước sinh hoạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1 m3 bê tông cần từ 170 - 197 lít nước. Đơn giá nước trộn bê tông cũng được tính theo đơn giá nước sinh hoạt, tức khoảng 8.000 đồng/m3. Bất kỳ một công trình nào khi xây dựng phương án vốn đều có kinh phí dùng để mua nước trộn bê tông, vậy nguồn kinh phí này ở dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập có phải đã bị cắt xén?

Tổng vốn đầu tư 227 tỉ đồng

Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập (đoạn từ đường Lê Văn Lương đến Huỳnh Tấn Phát) dài 2,65 km, chiều rộng mặt đường 19 m, tổng vốn đầu tư ban đầu 227 tỉ đồng. Dự án được phân làm 2 kỳ đầu tư, gồm: đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Văn Linh dài 681,89 m và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường Lê Văn Lương dài 1.973,77 m. Hiện tại, nhà thầu đang thi công đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường Nguyễn Văn Linh, còn khoảng 200 m cuối cùng vẫn vướng giải tỏa nên chưa thi công được.