Lộ dần “nghi can” số 1 gây dầu loang trên biển
Dầu loang vẫn tiếp tục gây ô nhiễm biển nghiêm trọng. Ai là thủ phạm của thảm họa dầu loang này? Chưa thể kết luận được ngay, nhưng đã có nhiều nghi vấn đáng chú ý...
Vietsovpetro không liên can?
Nguồn tin cho chúng tôi biết đã có kết quả xét nghiệm các mẫu dầu gây ô nhiễm bãi biển TP Vũng Tàu hồi giữa tháng 3-2007, do Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế thuộc Vietsovpetro thực hiện.
Theo đó, kết quả phân tích cho thấy đây là dầu thô, đã bay hơi phần nhẹ và các mẫu dầu đều có cùng một nguồn gốc. Tuy nhiên, “các đặc trưng cơ bản của dầu gây ô nhiễm ở bờ biển Vũng Tàu không giống dầu gây ô nhiễm khu vực biển Đà Nẵng - Quảng Nam hồi tháng 2-2007”, đồng thời “theo tiêu chuẩn phân tích dầu thô thì tính chất lý hóa của các mẫu dầu ô nhiễm lấy ở khu vực biển Vũng Tàu khác biệt so với dầu ở mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng. Cụ thể như hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 20 lần, nhựa lớn hơn 2-3 lần...”.
Trước đó, Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế thuộc Vietsovpetro cũng đã phân tích các mẫu dầu lấy từ khu vực biển Đà Nẵng - Quảng Nam hồi đầu tháng 2-2007. Kết quả phân tích khẳng định các mẫu dầu thu được ở khu vực này có từ cùng một nguồn, “đây là dầu thô thuộc loại nhiều paraffin đã bị bay hơi phần nhẹ”, các mẫu dầu này không phải là dầu có nguồn gốc từ dầu khai thác của Vietsovpetro.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn gốc và nguyên nhân gây ô nhiễm dầu trên biển khu vực miền Trung, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Kết quả xét nghiệm các mẫu dầu chỉ mới xác định được đây là dầu thô, chưa qua chế luyện, tính chất tương đương với đặc trưng dầu thô của khu vực Đông Nam Á”. Báo cáo nhận định dầu đã trôi dạt, phong hóa nhiều ngày trong nước biển, khi tấp vào bờ trở nên vón cục, đóng thành từng mảng nhỏ. “Sau khi kiểm tra, thu thập thông tin, có thể loại trừ khả năng nguồn gây tràn dầu từ các hoạt động hàng hải, cảng biển VN và từ hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn Dầu khí VN”.
Có phải do súc rửa tàu dầu?
![]() |
Thu dọn dầu loang gây ô nhiễm ở bãi biển Vũng Tàu - Ảnh tư liệu |
Kể từ khi xuất hiện dầu loang trên biển với diện rộng một cách bất thường, dư luận râm ran cho rằng rất có thể dầu loang trên biển là do súc rửa tàu dầu. Một nhà chuyên môn cho biết trong khi khảo sát tình hình ô nhiễm dầu vùng biển Côn Đảo đã thấy nhiều bao nilông dính dầu. Dấu hiệu này khiến các chuyên gia nghi ngờ đây là “sản phẩm” của quá trình súc rửa tàu dầu.
Chúng tôi đã tìm hiểu hoạt động xử lý chất thải dầu khí trên vùng biển VN. Thực tế vào năm 2005, hai tàu chứa dầu thô của Vietsovpetro có tiến hành làm vệ sinh, súc rửa tàu. Đó là tàu Ba Vì và tàu Chi Lăng. Việc làm vệ sinh này kéo dài trong nhiều tháng, với tổng lượng dầu cặn hơn 5.000 tấn. Toàn bộ lượng chất thải này, theo thông báo và khẳng định từ cơ quan chức năng, “đã được chuyên chở về và lưu giữ, xử lý tại Công ty Sông Thu (đóng tại TP Đà Nẵng)”.
Tiếp đó, cuối năm 2006, tàu dầu Vietsovpetro-01 được làm vệ sinh, súc rửa kéo dài khoảng ba tháng. Tổng lượng cặn dầu lần này 2.500 tấn và cũng được thông báo là lưu giữ, xử lý tại Công ty Sông Thu. Việc xử lý khối lượng chất thải khá lớn này được các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận “an toàn, không gây ô nhiễm môi trường; quá trình vận chuyển chất thải trên biển có niêm phong tàu chở...”!
Ông Trần Hồng Phong - phó thứ nhất, chánh kỹ sư ban trung tâm an toàn và bảo vệ môi trường thuộc Vietsovpetro - khẳng định trong hoạt động của các công ty dầu khí, trong đó có Vietsovpetro, mọi sự cố công nghệ và môi trường đều được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, “việc che giấu sự cố là không thể”. Ông Phong còn nói: “Thời gian qua chúng tôi chưa có thông tin trong vùng xảy ra sự cố nào có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường”.
Nhiều nghi vấn từ mỏ dầu Liuhua
Sau khi loại bỏ Vietsovpetro là thủ phạm của dầu loang, nhiều chuyên gia quay sang nghi vấn một số hoạt động liên quan đến mỏ dầu Liuhua 11-1 (Lưu Hoa, Trung Quốc). Một trong những lý do hàng đầu khiến người ta chú ý đến mỏ dầu này là kết quả phân tích ảnh, phân tích hướng gió và dòng chảy của Trung tâm Viễn thám cho thấy “có nhiều khả năng dầu trôi dạt từ phía tây, tây nam đảo Hải Nam (Trung Quốc)...”.
Lưu Hoa là mỏ dầu lớn nhất khu vực biển Đông, với bể chứa ở độ sâu 300m. Theo Hãng dầu Amoco của Mỹ - đối tác của Hãng dầu CNOOC của Trung Quốc, đặc tính dầu thô của mỏ Lưu Hoa rất nặng và đậm đặc, khác biệt với đặc tính hóa lý dầu thô do VN khai thác. Mỏ Lưu Hoa có 20 giếng thẳng đứng, điều này được coi là có nhiều rủi ro liên quan đến rò rỉ, tràn dầu. Điểm đáng chú ý, theo Hãng AP (31-10-2006), Yang Hua - giám đốc tài chính CNOOC - đã tuyên bố: “Thời tiết xấu và các cơn bão đã gây nhiều sức ép cho chúng tôi. Đó là vấn đề khách quan không thể kiểm soát nổi”. Cũng theo giải thích của ông Yang Hua, một số giếng dầu ngoài khơi, trong đó có một giếng của mỏ Lưu Hoa bị tàn phá vào tháng năm và buộc phải đóng cửa vào tháng sáu năm ngoái.
Để phục vụ khai thác dầu của mỏ Lưu Hoa, một tàu khoan bán nổi được mua và cải tạo thành giàn khoan Nanhai Tiao Zhan... Sau đó, một tàu chở dầu trọng tải 140.000 DWT được mua và cải tạo thành bồn chứa (FPSO). Thường thì việc lắp bồn chứa được thực hiện trên bờ rồi kéo ra khơi, nhưng vì có những khó khăn nên việc ráp bồn chứa được thực hiện trên biển, tại ngay vị trí được ấn định. Theo các chuyên gia, việc lắp ráp như vậy là không bình thường, đòi hỏi những “đột phá” trong công nghệ, rất dễ dẫn đến sự cố “bất thường”.
Hơn nữa, báo cáo “Identified risks can be managed” (có thể xử lý các bất trắc được biết trước) của Paul O'Keefe & Jim Halligan và Steege Kingston tại Hội nghị IUMI London 2000 còn nói rõ việc cải tạo tàu chở dầu cũ chỉ gồm một lớp vỏ thành bồn chứa nổi có lợi thế giá rẻ nhưng lại chứa đựng nhiều bất trắc. Báo cáo nói trên còn cho rằng bồn dầu này càng thiếu bền vững khi bị thả neo một chỗ, vì vỏ bồn chứa phải chịu va chạm sóng lớn nhiều hơn đến 10-30% so với tàu dầu thông thường. Đó là chưa kể việc bơm dầu ra vào liên tục sẽ làm cho kết cấu của vỏ bồn càng giảm sức chịu đựng. Nói tóm lại, báo cáo đã đưa ra những khuyến cáo về sự bất an của việc biến tàu dầu thành bồn chứa. Khuyến cáo này hầu như đều đúng với bồn chứa Nanhai Shengli của mỏ Lưu Hoa - vốn là tàu chở dầu một vỏ được cải tạo năm 1993.
Mười năm qua, biển miền Trung thường xuyên bị tràn dầu, năm nay là nặng nề nhất, liệu có trùng hợp về thời gian với việc dàn khoan Nanhai Tiao Zhan và bồn dầu Nanhai Shengli được đưa vào sử dụng từ tháng 6-1995 và tháng 3-1996? Liệu có phải ở đó đã xuất hiện sự cố và gây ra thảm họa dầu loang trôi dạt đến bờ biển VN?