Lỗ hổng chết người trong quản lý vận tải đường sắt
Việc rút ngắn hành trình tàu Thống Nhất 30 giờ, 29 giờ là do Tổng Công ty ĐSVN tự quyết định. Tài xế bị ép chạy bù giờ, nếu không sẽ bị phạt!
Chiều 15-3, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Vũ Xuân Hồng cho phóng viên Báo Người Lao Động biết một thông tin hết sức bất ngờ: Cục ĐSVN không hề nhận được đề án rút ngắn hành trình chạy tàu Thống Nhất từ 30 giờ (mác tàu E) xuống 29 giờ (mác tàu SE), dù đoàn tàu này đã chính thức được vận hành từ cuối năm 2004. Việc này là do Tổng Công ty ĐSVN tự quyết định.Ông Hồng cho biết thêm, trước đó, khi Tổng Công ty ĐSVN có kế hoạch chạy tàu 28 giờ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có thư công tác (ngày 22-6-2004 ) yêu cầu tổng công ty lập đề án trình bộ, đồng thời giao Cục ĐSVN chịu trách nhiệm thẩm định và báo cáo, nhưng Cục ĐSVN không nhận được đề án của Tổng Công ty ĐSVN.
Còn về phía Tổng Công ty ĐSVN, ông Phan Văn Giản, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty ĐSVN, khẳng định: HĐQT không hề có nghị quyết về việc chạy tàu 29 giờ. Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Bằng cho biết trước đây đã trình bộ đề án rút ngắn hành trình chạy tàu còn 28 giờ nhưng chưa được phê duyệt. Riêng đoàn tàu SE 29 giờ được tổng công ty vận hành trên cơ sở hạ tầng một số đoạn đã được nâng cấp, cho phép tăng vận tốc chạy tàu.
Vậy quy trình quản lý Nhà nước đối với việc chạy tàu được thực hiện như thế nào? Ông Phan Văn Giản cho biết, Bộ GTVT không hề có văn bản nào quy định việc rút ngắn hành trình chạy tàu phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ trước đến nay các đoàn tàu nhanh vẫn được chạy thử nghiệm, được Đăng kiểm VN cấp phép. Nhưng đây là chuyện “hiểu thế nào thì làm thế” chứ không có quy trình quy phạm chuẩn. Đây là lổ hổng chết người trong công tác quản lý vận tải đường sắt.
l Tài xế bị sức ép chạy bù giờ. Điều đó là sự thật. Bằng chứng: Ngày 18-2-2005, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội ban hành công văn số 156 về việc thực hiện biểu đồ chạy tàu Thống Nhất. Theo đó, giám đốc xí nghiệp cho phép trực ban đầu máy được cộng thêm 2 phút/điểm thi công đột xuất khi tính toán cơ báo để trả lương theo chuyến tàu cho ban máy.
Trong thực tế, với hạ tầng đường sắt như hiện nay, không ai có thể tiên lượng được những điểm phải đột xuất chạy chậm vì nguyên nhân khách quan như gặp vật cản hay nguyên nhân chủ quan như sửa đường... Do đó, tài xế có thể bị đẩy vào tình thế chạy bù giờ nếu không muốn bị cúp 30% lương vì về ga chậm.
Đầu năm 2004, khi tỉ lệ tàu Thống Nhất đến ga đúng giờ chỉ đạt 36% - 46%, Tổng Công ty ĐSVN cũng có một đợt chấn chỉnh bằng cách quyết liệt sử dụng biện pháp thưởng, phạt đối với tài xế.