Luật Chống bán phá giá của Liên minh châu Âu

THƯƠNG MẠI.- Nếu bán phá giá, sẽ phải chịu mức thuế bằng tỉ lệ thiệt hại của cộng đồng . Để chứng minh không bán phá giá, DN phải chứng minh hoạt động theo cơ chế thị trường, không có sự tài trợ của Nhà nước và kinh doanh có lãi

Như tin đã đưa, ngày 29 và 30-7 tại TPHCM, Bộ Thương mại và phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về Luật Chống bán phá giá của Liên minh châu Âu, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp (DN) VN kiến thức pháp luật đối với thị trường châu Âu và những yêu cầu cần có khi tham gia vụ kiện về bán phá giá.

Thế nào là bán phá giá?

Theo Luật Chống bán phá giá của Liên minh châu Âu  thì phá giá phải được phân biệt với hành vi đơn giản là bán hạ giá. Do đó, một sản phẩm bị coi là phá giá nếu giá xuất khẩu của nó vào cộng đồng châu Âu thấp hơn giá so sánh với sản phẩm tương tự của nước xuất khẩu. Trường hợp nhà xuất khẩu ở nước xuất khẩu không sản xuất hay không bán sản phẩm tương tự, giá trị thông thường có thể được xác định trên cơ sở giá của người bán hay người sản xuất khác. Giá trị thông thường có thể được tính toán trên cơ sở cho phí sản xuất ở nước xuất xứ. Trong trường hợp hàng nhập khẩu từ một nước không có nền kinh tế thị trường, giá trị thông thường được xác định trên cơ sở giá cả hay giá trị được tạo ra trên thị trường ở một nước thứ ba.

Về thị phần, nếu một DN xuất khẩu chiếm chưa đến 1% thị phần ở nước nhập khẩu, hoặc nhiều DN (của cùng một nước xuất khẩu) cộng dồn chiếm chưa đến 3% thị phần ở nước nhập khẩu, thì dù giá bán có thấp vẫn không bị kiện là bán phá giá.

Năm tiêu chí của cơ chế thị trường

Theo ông Dominique Avot, Vụ trưởng Ban Thương mại Ủy ban châu Âu, từ tháng 9-2000 VN tuy chưa được thừa nhận là nước có nền kinh tế thị trường, nhưng đã được hưởng một số ưu đãi khi vào thị trường châu Âu. Nếu DN bị kiện bán phá giá thì phải chứng minh được 5 tiêu chí hoạt động theo cơ chế thị trường.  Thứ nhất, chi phí sản xuất và nguyên vật liệu do DN tự quyết định, không có sự can thiệp của Nhà nước. Thứ hai, có hệ thống hồ sơ kế toán rõ ràng. Thứ ba, chi phí sản xuất và tình hình tài chính của DN không theo hệ thống kinh tế phi thị trường. Thứ  tư, DN hoạt động theo luật phá sản và sở hữu trí tuệ. Thứ năm, chuyển đổi tỉ giá được thực hiện theo theo tỉ giá thị trường.

Nếu DN không chứng minh đủ 5 tiêu chí trên, tức là DN hoạt động theo cơ chế phi trị trường thì phải chịu mức thuế cao. Khi đã có đủ 5 tiêu chí, tức là DN hoạt động theo cơ chế thị trường, vẫn phải đánh thuế, nhưng ở mức thấp.

Ngoài ra, để thắng kiện khi bị cáo buộc là bán phá giá, DN phải chứng minh được rằng sản xuất theo cơ chế thị trường, không có sự tài trợ của Nhà nước, giá sản phẩm xuất khẩu cao hơn chi phí sản xuất, tức là đã có lãi.

Thuế chống phá giá có hiệu lực 5 năm

Một DN thắc mắc: Mặt hàng giày dép VN xuất qua châu Âu có đến 30% không xuất trực tiếp mà qua trung gian thì khi bị khiếu kiện bán phá giá thì sẽ được tính như thế nào? Các chuyên gia của Liên minh châu Âu cho biết: Sẽ có cuộc điều tra về chi phí sản xuất ở nước sản xuất và nước xuất khẩu trung gian. Nếu nước nào bán phá giá thì thuế chống phá giá sẽ được áp đặt cho nước đó. Mức thuế suất  được tính trên cơ sở xác định thiệt hại của ngành công nghiệp cộng đồng. Ví dụ mức phá giá là 50%, mức thiệt hại là 40% thì thuế chống bán phá giá sẽ bằng 40%. Các biện pháp chống bán phá giá cuối cùng phải thông qua đại diện 15 nước thành viên của Liên minh châu Âu. Và sau 5 năm, quyết định về mức thuế suất sẽ hết hiệu lực nếu không có yêu cầu, khiếu kiện nào.

 Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Chí, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thương mại, bị kiện bán phá giá là rất mới và bất ngờ đối với DN VN. Bởi vậy, tất cả các DN xuất khẩu rất cần thiết những kiến thức pháp luật về thị trường xuất khẩu.