Lung linh nón Huế
Đây là lần đầu tiên một festival nghề truyền thống (diễn ra từ ngày 15 đến 17-7) được tổ chức tại TP Huế nhằm giữ gìn tinh hoa của nghề truyền thống Huế. Ông Nguyễn Duy Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Huế - Phó trưởng Ban Thường trực festival, cho biết: Việc chuẩn bị đã hoàn tất.
Vào 20 giờ ngày 15-7, sẽ diễn ra lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2005.
Hơn một tháng qua, làng nón Phú Hồ như được sống lại. 20 người thợ của làng đã làm ra đủ 6.000 chiếc nón lá phục vụ cho lễ hội. Những chiếc nón lá đã làm cho không gian bờ Nam sông Hương từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến Trường Hai Bà Trưng, Trường Quốc Học, Công viên 3-2... tràn ngập trong sắc trắng lung linh huyền ảo.
Hai nhà sắp đặt Huế là Lê Thừa Tiến và Đinh Khắc Thịnh đã cho ra mắt tác phẩm “Dưới giàn thiên lý” trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Một ngàn chiếc chuông làm bằng nón lá (mỗi chuông có 4 chiếc nón và 8 gương soi bằng thủy tinh) được gắn trên chất liệu bằng tre ở đoạn đường dài 150 m làm nhiều du khách tưởng như hình ảnh một cánh diều đang bay bổng bên sông Hương với tiếng vi vu từ các chuông gió. Trên phố Nguyễn Đình Chiểu còn có một tháp nón khổng lồ có đường kính 7 m được kết bởi hơn 300 chiếc nón lá.
Sân Trường Hai Bà Trưng, nơi trước đây còn gọi Trường Đồng Khánh - một ngôi trường có lịch sử gần 100 năm, được chọn làm “sân chơi “ chính thức cho gần 150 nghệ nhân nghề thêu và chằm nón lá (trong đó có 35 nghệ nhân đến từ TPHCM, An Giang, Hà Tây, Lâm Đồng). Theo Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2005, sở dĩ chọn nghề thêu và chằm nón lá làm chủ đề chính cho lễ hội lần này vì đây là hai nghề khá tiêu biểu và gần gũi với người phụ nữ Huế từ xưa nay.
Trong không gian hoài cổ là những ngôi nhà rường bằng gỗ, các nghệ nhân sẽ trình diễn những công đoạn nghề thêu, những đường mũi kim uốn lượn mềm mại trên bức tranh thêu, chiếc nón bài thơ. Có hai phụ nữ nổi tiếng của Huế trong nghề truyền thống này cũng có mặt tại lễ hội. Đó là cô gái khuyết tật Nguyễn Đức Diệu Trinh với những bức tranh thêu nổi tiếng có tên trong cuốn sách Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hay những chiếc nón bài thơ mang thương hiệu “Nón Thúy” của người thợ chằm nón... cụt tay Trần Thị Thúy. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng đến lễ hội với bộ trang phục cung đình Huế qua bàn tay phục chế của ông và một số người thợ ở làng nghề Hà Tây.
Nhưng hấp dẫn hơn tại lễ hội này là du khách cũng có thể được tự do tham gia vào việc thêu tranh, chằm nón, họ được học làm “những người thợ chằm nón lá, thêu tranh” ngay trong không gian quyến rũ này.